ảnh minh họa
Ngoài nguyên nhân do lão hóa, các yếu tố khác như công việc, lao động thể lực, dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt (ít vận động hoặc vận động quá mức, tư thế vận động, thậm chí nghỉ ngơi không thích hợp…) cũng gây bệnh về xương, khớp. Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, tháng 4/2010, tại Việt Nam, cứ 100 người lớn từ 25 đến 45 tuổi thì có 27 người bị đau lưng, 20 người bị đau vai, 8 người bị đau khớp và 3 người bị viêm khớp. Con số này cho thấy, các cơn đau cơ xương khớp không chỉ xuất hiện ở người già mà cả những người trẻ tuổi.
Các bác sĩ phân loại đau cơ xương khớp làm hai nhóm là đau do cơ học và do viêm. Trong đó, đau do viêm xuất hiện đau liên tục cả khi nghỉ ngơi, thường vào ban đêm, nhất là khi gần sáng. Bệnh thường kèm theo biểu hiện viêm: sưng-nóng-đỏ; hạn chế vận động khớp (cứng khớp); thường xuất hiện rõ vào buổi sáng khi thức dậy hoặc sau khi nằm, ngồi yên tĩnh lâu, thời gian cứng khớp thường kéo dài nhiều giờ. Nếu bệnh tiến triển nặng thì triệu chứng đau liên tục suốt ngày đêm. Cơn đau không thuyên giảm dù bệnh nhân nằm nghỉ khiến họ mệt mỏi, mất ngủ, thậm chí bị căng thẳng thần kinh. Các bệnh lý đau cơ xương khớp do viêm thường gặp: viêm đa khớp dạng thấp, thấp khớp, gout, viêm cột sống dính khớp, các chứng viêm cơ xương khớp khác…
Ngược lại, đau khớp do cơ học xuất hiện khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi. Đau từng cơn, các cơn đau thường không kéo dài. Bệnh có thể kèm cứng khớp khi vận động sau yên tĩnh một khoảng thời gian, tuy nhiên thời gian cứng khớp thường ngắn dưới 30 phút. Nguyên nhân đau cơ học thường do các bệnh lý thoái hóa khớp, loãng xương, hoại tử xương, chấn thương cơ xương khớp… Cách giảm đau nhanh chóng và hiệu quả ngay tại nhà.
Điều trị các bệnh lý cơ xương khớp cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và có phác đồ điều trị phù hợp. Tuy nhiên, việc kiểm soát đau là điều tối thiểu cần phải đạt được. Những cơn đau của bệnh lý cơ xương khớp thông thường có thể không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng sống, tâm sinh lý của người bệnh. Đối với các cơn đau do viêm cơ xương khớp, nếu không được xử lý sớm, tình trạng viêm sẽ nhanh chóng nặng lên và lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động, sinh hoạt.
Để kiểm soát các cơn đau của bệnh lý cơ xương khớp tại nhà, bạn có thể sử dụng một số thuốc giảm đau, giảm đau kháng viêm thông thường không cần kê đơn (OTC) như: sản phẩm giảm đau chứa paracetamol bởi ưu điểm phù hợp với nhiều đối tượng, không ảnh hưởng đến dạ dày; các thuốc kháng viêm giảm đau không steroids (NSAIDs) như diclophenac dưới dạng gel thoa ngoài da hay cao dán.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể phối hợp các thuốc trên để đạt hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần kết hợp nghỉ ngơi hoặc luyện tập thích hợp, sử dụng các phương tiện, dụng cụ hỗ trợ, vật lý trị liệu, chế độ dinh dưỡng phù hợp; thận trọng với các thuốc dùng tại chỗ (gel, cao dán) có chứa các chất tinh dầu nóng, gây giãn mạch mạnh trong những trường hợp đau cơ xương khớp cấp tính do viêm (các chứng viêm khớp cấp, các chấn thương giai đoạn cấp); khám và tư vấn bác sĩ nếu triệu chứng viêm đau không giảm sau vài ngày điều trị, tránh lạm dụng thuốc.
Để đề phòng các bệnh lý xương khớp, bạn cần có chế độ lao động, học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý, khoa học. Lưu ý các tư thế đúng, tránh các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách, nâng các vật dụng.
Người bệnh cũng cần chế độ tập luyện, vận động phù hợp với từng lứa tuổi, đặc điểm trạng thái sinh lý thể chất cơ thể, tình trạng sức khỏe, đặc biệt đối với những người có nguy cơ hoặc có sẵn các bệnh lý cơ xương khớp.
Việc khám và tư vấn định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý nói chung và bệnh lý cơ xương khớp nói riêng cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.