Bà Mang Thị Dâu (người ngoài cùng bên phải), bà mụ nổi tiếng trong cộng đồng người Rai.
Chỉ thích "lâm bồn" ở nhà
Chỉ cách TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận khoảng 40km, nhưng cộng đồng người Rai ở xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam vẫn lưu giữ rất nhiều phong tục tập quán lạc hậu. Trong đó, có cả việc sinh đẻ tại nhà của phụ nữ. Xuất phát từ yếu tố cuộc sống hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, làm nhà trên các sườn đồi, sườn núi, người Rai dường như không biết đến tiến bộ khoa học, các chính sách chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ. Do đó, cứ đến ngày vượt cạn các thai phụ chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của các bà mụ có uy tín ở bản làng.
Nói về luật tục của dân tộc mình, bà Mang Thị Đú (63 tuổi, ngụ thôn 1, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam) chia sẻ: "Ngày trước, người Rai toàn sống trong rừng. Mỗi nhà cách nhau cả cây số, đường xá đi lại khó khăn, phương tiện di chuyển thiếu thốn làm gì biết đến trạm xá, y tá là như thế nào. Phụ nữ đến ngày trở dạ chỉ cần ới bà mụ là xong xuôi hết. Đỡ đẻ xong bà mụ còn hái lá thuốc, đào rễ cây trên rừng về nấu nước cho sản phụ uống. Sau một tuần sinh đẻ, các bà mẹ người Rai dần dần hồi phục sức khỏe. Vì thế, từ bao đời nay, người Rai chỉ trung thành với phương pháp đỡ đẻ thủ công. Hàng năm không biết bao nhiêu đứa trẻ được sinh ra dưới bàn tay của bà đỡ. Nói đâu xa, cả ba đời nhà tôi đều sinh nở tại gia nhưng đứa con, đứa cháu nào cũng chào đời khỏe mạnh, bụ bẫm".
Theo thông tin anh Mang Cẩn (Trưởng thôn 1, xã Hàm Cần) cung cấp ở xã Hàm Cần có khoảng 10 bà mụ. Nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm nhất vẫn là bà mụ Mang Thị Dâu (68 tuổi ngụ thôn 3, xã Hàm Cần). Rất nhiều gia đình cứ có phụ nữ sinh đẻ là tìm đến nhà người phụ nữ này. Trừ trường hợp bà Dâu không ở nhà, hay bận đỡ đẻ ở xa thì người dân mới đi tìm bà mụ khác. Không thể đếm xuể có bao nhiêu đứa trẻ người Rai được bà mụ Dâu đỡ nữa. Nhận thấy sinh đẻ tại nhà là nguy hiểm, không bảo đảm vệ sinh, sức khỏe cho phụ nữ nhưng người Rai vẫn chẳng thể từ bỏ. Chính quyền địa phương đi tuyên truyền vận đồng thì đồng bào bỏ ngoài tai, thậm chí có nhiều người còn cho rằng việc làm đó sẽ phá bỏ phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của họ".
Dường như tập tục sinh đẻ tại nhà dưới sự hướng dẫn của bà đỡ đã thành thói quen thường trực ăn sâu vào tâm thức của đồng bào Rai. Tuy nhiên, do phương pháp đỡ đẻ lạc hậu, bà mụ thiếu kiến thức về y học làm cho tục đỡ đẻ tại nhà đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ sơ sinh. Vài năm trở lại đây, điều đó trở thành nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ Rai khi lấy chồng, sinh con. Trăn trở về luật tục này, bà Mang Thị Lừng (53 tuổi, ngụ thôn 1, xã Hàm Cần) nói: "Ngày trước, người đồng bào Rai chỉ ưng mỗi bàn tay đỡ đẻ của bà mụ thôi. Người Rai làm gì biết trạm xá nằm đâu, mặt mũi ra sao? Thế mà, dạo gần đây, thấy mấy đứa con gái mang thai, sinh con khó khăn quá. Đứa sinh khó, đứa bị ngược thai, bà đỡ làm cách nào đứa trẻ cũng không thể lọt lòng mẹ. Để rồi, đứa bé bị ngạt chết trong bụng mẹ người Rai mới chạy đi nhờ cậy y tá thì đã muộn rồi".
Cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ sơ sinh
Nhớ lại khoảng thời gian vượt cạn không thành, chị Mang Thị Tiện (34 tuổi, ngụ ấp 3, xã Hàm Cần) bộc bạch: "Gia đình không có khái niệm "sinh đẻ ở bệnh viện". Cái ngày tôi trở dạ, người nhà liền nghĩ ngay đến bà mụ. Bà đỡ đẻ cho tôi ở trong buồng riêng của hai vợ chồng. Đứa thứ nhất ra đời an toàn, lớn lên ít bệnh tật. Bản thân tôi không bị nhiễm trùng vùng kín. Đứa thứ 2, thứ 3 ra đời, cũng một tay bà mụ lo liệu từ A-Z. Kể từ đó, tôi và gia đình hoàn toàn tin cậy vào bà đỡ. Năm 2010, tôi lại mang thai và sinh nở. Tuy nhiên, không như những lần trước, bụng tôi to hơn, đau thắt tôi nảy ra ý định nhờ chồng chở đi trạm xá sinh. Song, gia đình nhất quyết không chịu, thay vào đó là gọi bà mụ đến. Sau gần 7 tiếng đồng hồ lên cơn rặn đứa bé vẫn không lọt lòng. Bà mụ ở phía dưới liên tục hối thúc "cố gắng thêm tí nữa, đứa bé sắp ra rồi". Nào ngờ, mọi nỗ lực đều trôi tuột hết khi đứa bé đã tắt thở trong bụng mẹ từ lúc nào. Nỗi ám ảnh đó làm cho tôi không dám mang thai nữa".
Cũng rơi vào trường hợp gần giống như chị Tiện, chị Nguyễn Thị Hiền (27 tuổi, ngụ xã Hàm Cần) bày tỏ: "Lấy chồng từ lúc 15 tuổi, có đến 3 mặt con nhưng chưa bao giờ tôi đến trạm xá khám thai, sinh nở. Nếu có thăm khám thì cũng tìm đến nhà bà mụ. Bởi, tôi nghĩ bà biết đỡ đẻ thì hẳn sẽ biết được tình hình sinh trưởng của đứa bé trong bụng mẹ. Mặt khác, chưa bao giờ đối mặt với việc trợ giúp của các hộ lí, hộ sinh nên khi ai đó đề cập tới trạm xá hay bệnh viện vượt cạn là tôi cảm thấy thẹn thùng, xấu hổ. Theo quan niệm của người Rai, sinh con gái quý hơn con trai nên nhà có đến 3 thằng cu rồi bố mẹ chồng vẫn hối thúc đẻ tiếp. Chiều lòng cha mẹ, tôi lại mang thai, lại phải chạy qua chạy về cậy nhờ bà mụ. Đến tháng thứ 5, bỗng dưng bụng quặn thắt, bà mụ cũng không hiểu nguyên nhân vì sao. Hay chuyện, trưởng thôn đến nhà xem tình hình và yêu cầu gia đình chuyển lên bệnh viện huyện ngay lập tức. Khi bác sĩ chuẩn đoán phát hiện tôi bị thai lưu và sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh nở sau này".
Ông Nguyễn Văn Sông, Phó chủ tịch Xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam tâm sự: "Người Rai chuyển từ vùng đồi núi xuống vùng đồng bằng ổn định cuộc sống chưa lâu. Tỷ lệ mù chữ vẫn chiếm tỷ lệ rất cao. Tình trạng tảo hôn vẫn đang tiếp diễn. Rất nhiều phụ nữ thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe, sinh sản. Phụ nữ sinh đẻ theo phương pháp phản khoa học đang là một vấn đề nan giải đối với những người làm công tác y tế. Hiện nay, chính quyền địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào từ bỏ tập tục lạc hậu. Ngoài ra, phối hợp với cấp trên tiến hành cấp phát thẻ khám chữa bệnh miễn phí để người dân có nhiều cơ hội tiếp cận với y học hiện đại".
Ngại qua y tế vì sợ mổ, sợ... đau
Một mực tin tưởng vào tài năng của bà đỡ, chị Mang Thị Huệ (36 tuổi, cũng ngụ ấp 1, xã Hàm Cần) cũng cho biết: "Ở các trạm y tế, bệnh viện các y bác sĩ hay dùng biện pháp mổ, xẻ nên người Rai sợ bị đau lắm. Thấy phụ nữ mang thai toàn sinh nở tại nhà nên các y tá thôn bản thường xuyên đến từng nhà vận động, năn nỉ các chị em phụ nữ ra trạm xá khám thai, sinh đẻ là y như rằng ai nấy đều lắc đầu nguầy nguậy. Bản thân vì không thích đi trạm xá sinh, cả 3 đứa con của tôi đứa nào cũng nhờ đến bàn tay kỳ diệu của bà đỡ. Tôi còn nhớ, còn khoảng 1 tháng nữa là đến ngày vượt cạn, chồng tôi đã tìm đến nhà bà mụ dặn trước để bà có thời gian chuẩn bị dụng cụ hỗ trợ và thuốc thang".