Chào bác sĩ! Em đã yêu một người và có thai hai tháng, vì gia đình hai bên không môn đăng hộ đối và cũng vì sự bất cẩn khi hai đứa cãi nhau, em bị trượt chân ngã dẫn đến hư thai.
Hai đứa chia tay được 6 tháng thì em quen và yêu chồng em hiện nay. Chúng em kết hôn được 5 tháng không dùng biện pháp tránh thai nào cả, và hầu như ngày nào cũng quan hệ đều đặn nhưng vẫn chưa có gì. Em buồn và bị áp lực vô cùng vì chồng em là con trưởng.
Em rất yêu chồng và cũng rất sợ mất anh ấy. Bác sĩ có thể tư vấn giúp em nên khám và làm những xét nghiệm gì để biết được liệu em còn có khả năng làm mẹ không? (Hiền)
Trả lời:
Chào em!
Trước hết xin chia sẻ với em về bối cảnh tình yêu đầu và “mầm sống” không may ra đi, do nhiều yếu tố liên quan trước đó. Tuy nhiên, điều này cũng không liên quan tới việc có thai sau này của em.
Điều lo lắng của em bây giờ là việc chưa có bầu, trong khi chồng lại là con trưởng và mọi người chắc chắn đều rất mong mỏi sớm có cháu bế. Chắc em cũng đã biết, để có thể mang thai được thì hoạt động thụ thai phải diễn ra, khi đó phải có sự gặp mặt tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ. Do vậy, việc chưa “có bầu” không thể chỉ là nguyên nhân từ em. Theo các nghiên cứu, ở các cặp vợ chồng hiếm muộn, nguyên nhân từ người vợ chiếm khoảng 30%, nguyên nhân từ người chồng chiếm khoảng 30%, khoảng 15-30% do cả hai và còn lại là không rõ nguyên nhân. Yếu tố tuổi tác cũng khá quan trọng, tuổi càng cao thì khả năng có thai càng giảm.
Tuy nhiên, trường hợp của em chưa thể gọi là hiếm muộn. Vì hiếm muộn được xác định khi cặp vợ chồng sống cùng nhau, thực hiện “giao ban” đều đặn và không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà sau một năm vẫn không có tín hiệu gì về dính bầu. Ngoài ra, theo một số nghiên cứu, tỷ lệ thụ thai cao nhất sau hôn nhân thường vào thời điểm khoảng 6 tháng, hoặc lâu hơn và lý giải được đưa ra là khi đó các “đôi uyên ương” đã ổn định tinh thần và ổn định sức khoẻ sau thời gian mệt mỏi vì lo lắng tổ chức cho “ngày trọng đại trong đời”. Hơn nữa, để tăng khả năng thụ thai thì việc xác định ngày rụng trứng và tập trung “binh lực” vào những ngày này là điều đáng quan tâm.
Dựa trên những điều nêu trên, vợ chồng em vẫn nằm trong giới hạn thời gian hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng với em bây giờ là cần chia sẻ với chồng về việc chưa có bầu, cả hai không nên quá sốt ruột, lo lắng mà tự tạo ra áp lực tâm lý cho bản thân, vì căng thẳng tâm lý cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc khó thụ thai. Bên cạnh đó, để chuẩn bị sức khoẻ cho việc mang thai, vợ chồng em cũng nên đi kiểm tra sức khoẻ tổng thể để sàng lọc bệnh, đồng thời qua đó bác sĩ có thể cho bổ sung các vi chất dinh dưỡng hoặc tiêm phòng một số loại văcxin cần thiết để phòng một số bệnh trước khi có em bé. Điều này giúp cải thiện sức khoẻ của cả hai vợ chồng, đồng thời cũng giúp cho việc mang bầu, cũng như sức khoẻ của em bé sau này khoẻ mạnh.
Ngoài ra, để xác định các chức năng sinh sản của cơ thể có hoàn toàn bình thường hay không thì vợ chồng em nên đi khám kiểm tra sức khoẻ sinh sản. Khi đó ngoài việc hỏi về tình trạng, tiền sử sức khoẻ liên quan sinh sản, em có thể sẽ được các bác sĩ cho làm xét nghiệm chuyên biệt (xét nghiệm nội tiết, siêu âm, chụp X-quang đánh giá tử cung và vòi trứng…). Còn chồng em sẽ được làm các xét nghiệm về tinh trùng (còn gọi là tinh dich đồ) xem số lượng, độ hoạt động, nhóm tuổi… của tinh trùng có bình thường hay không. Các kết quả này cũng sẽ giúp vợ chồng em xác định rõ ràng thêm tình trạng sức khoẻ và loại bỏ những lo lắng không đáng có.
Chúc em khoẻ và sớm có tin vui.