Theo PGS. TS. Lê Thị Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bữa ăn của người Việt hiện đã được cải thiện nhiều về mặt chất lượng, về giá trị sinh học của khẩu phần, về tính cân đối các chất sinh năng lượng.
ảnh minh họa
Tuy nhiên, theo PGS. TS. Lê Thị Bạch Mai, một điều rất đang quan tâm mà người ta có thể gọi là “nạn đói tiềm ẩn” trong bữa ăn của người Việt, đó chính là tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Trong đó, đặc biệt là tình trạng thiếu vitamin A, thiếu Sắt, thiếu Kẽm và thiếu Canxi trong khẩu phần ăn.
Cuộc sống hiện đại mang đến cho con người thêm nhiều sự lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày, tuy nhiên một bữa ăn với đa dạng các loại thực phẩm đôi khi vẫn chưa đủ cung cấp cho chúng ta các loại vi chất dinh dưỡng. Đặc biệt vitamin A, Sắt, Kẽm… là những vi chất rất quan trọng còn thiếu hụt nhiều trong cơ thể người Việt Nam.
Ngày nay vì nhiều nguyên nhân, bữa cơm của người Việt vẫn được xem là chưa đủ dinh dưỡng. Mức sống còn thấp nên thực đơn của nhiều gia đình vẫn còn thiếu nhiều nguồn vi chất quan trọng như vitamin A, Sắt có trong thịt bò, thịt đỏ, hay kẽm có trong các loại hải sản. Bên cạnh đó, phần nhiều là do thói quen lựa chọn thực phẩm chưa hợp lý nên các gia đình Việt vẫn có những bữa ăn chưa thực sự cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng.
Cũng theo PGS. TS. Lê Thị Bạch Mai, trong bữa ăn hàng ngày, đặc biệt với bữa ăn chính cần đảm bảo có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm và phải đa dạng các thực phẩm, như vậy là trong bữa ăn phải có ít nhất 15 loại thực phẩm đến từ 4 nhóm thực phẩm để đảm bảo được vi chất dinh dưỡng của khẩu phần.
10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý
1. Ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.
2. Phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ.
3. Ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý, nên ăn vừng lạc.
4. Nên sử dụng muối iốt, không ăn mặn.
5. Cần ăn rau quả hàng ngày.
6. Đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm.
7. Uống đủ nước sạch hàng ngày.
8. Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho bú mẹ đến 24 tháng.
9. Trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi.
10. Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước có ga và ăn, uống đồ ngọt.