Cơ thể đang khỏe mạnh bỗng thấy mỏi mệt, đau nhức, khó chịu, nôn ói… Các triệu chứng này được nhiều người gọi là “trúng gió”… Điều trị “trúng gió” thế nào là đúng?
ảnh minh họa
Các loại “trúng gió”
Theo Lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM, trong Đông y phân loại về “trúng gió” như sau:
- Cảm phong: cảm lạnh, cảm nhẹ.
- Thương phong: bệnh đã vào da, cơ, ví dụ: cảm nặng (thương thử, thương thấp…).
- Trúng phong: bệnh đã vào nội tạng, gây méo miệng, bán thân bất toại. Méo miệng do trúng phong hàn vùng kinh dương minh (kinh này chi phối vùng mặt). Tây y gọi là liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên để phân biệt với méo mặt do liệt dây thần kinh số 7 trung ương (thường do tai biến mạch máu não, tai nạn hay u não...).
Thực tế, kinh nghiệm chữa trị các loại "trúng gió" được truyền miệng từ người này người khác: "trúng gió" do nhiễm nước (đi mưa, đi bơi, thời tiết đang nắng chuyển sang mưa) khi cạo gió sẽ có một đường đỏ hằn lên những hạt đỏ đậm; khi "trúng gió" nhẹ thì vết cạo gió chỉ có màu đỏ bình thường còn "trúng gió" “độc” thì đỏ bầm. Công cụ “hành nghề” cạo gió thường là muỗng (thìa) bằng bạc.
Đông Tây y kết hợp
Tây y thường chỉ dùng thuốc cảm và sinh tố C để hỗ trợ sức khỏe người bị “trúng gió”. BS Lê Thiện Anh Tuấn - Hội Y học TP.HCM cho biết: “Nên cẩn trọng khi cạo gió vì có nhiều nguy cơ. Thứ nhất, da bị trầy xước, dễ bị viêm nhiễm; thứ hai, cạo gió gây tổn thương, vỡ mạch máu dưới da, biểu hiện là những vết đỏ, bầm…".
Trị cảm, "trúng gió" theo Đông y chủ yếu giúp cơ thể lấy lại sự cân bằng. Cụ thể: xông lá thuốc, ăn uống thức ăn dễ tiêu với nhiều gia vị ấm nóng (gừng, nghệ, sả…); cháo giải cảm… Người bệnh nên uống nước gừng nóng; sữa, nước cam... Nếu cảm kèm sốt cần dùng thuốc hạ nhiệt.
Theo các bác sĩ, không được cạo gió cho những người bị bệnh tim mạch, huyết áp, dễ bị xuất huyết (dễ bị bầm khi va chạm nhẹ). BS Trần Văn Năm - Viện Y học dân tộc TP.HCM hướng dẫn: “Nên hạn chế cạo gió mà chỉ nên “đánh gió” - dùng đầu ngón tay vuốt, cuộn, chà trên da người bệnh.” Cũng có thể dùng gừng hoặc giã gừng nhuyễn bọc trong túi vải để đánh gió cho bệnh nhân. Sự ấm nóng từ dầu gió, thức ăn kết hợp xoa bóp, sẽ giúp máu huyết bệnh nhân lưu thông tốt, sớm khỏi bệnh.
Khi bị méo mặt do “trúng gió”, cần giữ ấm vùng cổ - mặt. Tây y sẽ dùng kháng sinh, kháng viêm, tập vật lý trị liệu song song với châm cứu và tập các động tác ở mặt, trán, môi miệng giúp bệnh nhân mau hồi phục. Điều trị càng sớm kết quả hồi phục càng cao, vì thế nên đi đến bệnh viện ngay sau khi phát hiện bị méo mặt.