Nếu nói rằng omega-3 gây tác dụng phụ chảy máu là không phù hợp hoặc chưa có bằng chứng khoa học xác đáng. Omega-3 thực chất chỉ là một axit béo chưa bão hòa.
ảnh minh họa
BS Yên Lâm Phúc, Học viện Quân y 103 cho biết, nếu nói rằng omega-3 gây tác dụng phụ chảy máu là không phù hợp hoặc chưa có bằng chứng khoa học xác đáng. Omega-3 thực chất chỉ là một axit béo chưa bão hòa. Về mặt cơ chế chuyển hóa, axit béo chưa bão hòa có tác dụng chuyên chở chất béo lắng đọng ở thành mạch về gan tiêu hủy nên nó là những chất béo có lợi với cơ thể. Nó làm giảm xơ vữa động mạch và nguy cơ vỡ mạch. Hơn thế nữa, đây lại là chất béo có tỷ trọng rất lớn trên não bộ nên nó rất cần thiết cho não bộ. Đứng về tác dụng sinh học, nó có nhiều công dụng tốt.
Việc cho rằng omega từ cá không tốt bằng từ thực vật không phải là lỗi của omega-3 mà là các thành phần chất béo khác đi kèm. Trong cá ngoài omega-3 còn có nhiều axit béo bão hòa, đây là thủ phạm mà người ta cho là gây chảy máu não và tăng đường máu. Thực ra, hàm lượng chúng ít hơn ở các động vật khác như gà, bò, lợn và cũng không phải dầu thực vật nào cũng có ít chất béo bão hòa. Chẳng hạn như dầu dừa vô cùng nhiều chất béo bão hòa cho nên bạn cứ yên tâm ăn cá.
Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều omega-3 và ăn thuần omega-3 trong chế độ ăn cũng không phải là điều tốt. Vì rằng nó có bản chất là chất béo nên nếu ăn quá nhiều thì sẽ gây ra béo phì và hàng loạt các bệnh phụ thuộc béo phì khác. Lượng chất béo trong chế độ ăn với người bình thường chỉ nên chiếm 15 - 20% tổng giá trị dinh dưỡng và lượng omega-3 chỉ nên là 1 - 1,2g/ngày.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, tốt nhất là nên ăn cá thay vì uống dầu cá. Bởi nghiên cứu cho thấy, có sự giảm khoảng 29% tỷ lệ tử vong ở những người ăn 3 bữa cá một tuần sau khi bị nhồi máu mặc dù là tỷ lệ nhồi máu thì không thay đổi. Nếu đã bị bệnh mạch vành thì nên thực hiện chế độ ăn chay mà không cần cho thêm bất kỳ cá hay dầu cá bởi đã nhận đủ omega-3 cần thiết ở chế độ ăn này.
Trường hợp không bị bệnh tim thì nên ăn cá để cung cấp đủ axit béo omega-3 hơn là uống thuốc hay dầu cá. Bởi axit béo omega-3 được tìm thấy nhiều trong dầu cá, nhưng bên cạnh đó còn có ở ngũ cốc, đậu, tảo biển và các sản phẩm của đậu nành. Nên sử dụng axit béo omega-3 từ những nguồn thức ăn thực vật hơn là từ cá. Bởi cá tuy có nhiều EPA nhưng cá cũng chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol nên cá và dầu cá có khuynh hướng làm tăng LDL - cholesterol xấu gây hại. Hơn nữa, dầu cá chứa nhiều EPA hơn ngũ cốc và các sản phẩm từ đậu nành, điều này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu não.
Với những người mắc bệnh tiểu đường, dầu cá có thể gây đề kháng insulin và tăng mức đường máu. Hơn nữa, cá được đánh bắt từ vùng ven biển có thể nhiễm thuốc trừ sâu và các kim loại nặng... Dầu cá thường bị oxy hóa và dễ hỏng.
GS.TS Bùi Minh Đức, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tăng bất kỳ loại chất béo nào, dù là chất béo được coi là tốt cho cơ thể như dầu hạt cải, ôliu... cũng vẫn có hại bởi vì tất cả các loại chất béo đều bao gồm ba thành phần, bão hòa, không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Vì vậy, khẩu phần ăn có chứa nhiều axit béo omega-3 (DHA, EPA) cũng không tốt, có thể tác động ảnh hưởng đến sự phát triển ung thư vú và kết tràng dù nó vẫn được dùng để phòng ung thư.
Trong một số công trình nghiên cứu về dầu thực vật chứa nhiều axit oleic như dầu ôliu đã nhận thấy có giảm tỷ lệ ung thư so với khi sử dụng dầu ngô có chứa nhiều axit linoleic. Khẩu phần có chứa nhiều axit béo omega-3 đã tác động ảnh hưởng đến sự phát triển ung thư vú và kết tràng thường được dùng để phòng ung thư. Dầu cá không có tác dụng này do không có các chất gây tác động phát triển ung thư. Biện pháp tốt nhất là giảm lượng chất béo ăn vào dưới 20 - 30%, chất béo axit báo bão hòa dưới 7 - 10%, lượng cholesterol dưới 150 - 200mg/ngày.