Cuối tuần qua, tỉnh Ninh Thuận đã công bố dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến tại rạp hát Thanh Bình của công ty TNHH thương mại & dịch vụ Yến Việt. Tuy nhiên, việc quản lý các hộ nuôi chim yến tại một số địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Điều này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm trên điện rộng và đe dọa đến sức khỏe của con người.
Chim yên nuôi.
Chủ nuôi lo lắng
Do lợi nhuận đem lại từ việc nuôi chim yến khá cao nên rất nhiều gia đình ở các khu dân cư đông đúc tranh thủ cải tạo phần sân thượng, mái của căn nhà họ đang sống thành nhà nuôi chim yến diễn ra khá phổ biến và “phớt lờ” các khuyến cáo của các cơ quan chức năng khi tình hình dịch cúm A/H5N1 trên chim yến đang diễn biến phức tạp.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết: Đa số các nhà nuôi chim yến tự phát hầu như không hợp tác với các cơ quan chức năng. Việc liên hệ với các chủ nuôi yến lại gặp không ít khó khăn, bởi họ thường lách bằng cách thuê người đến trông coi nhà và vắng mặt khi có cơ quan chức năng tới. Chúng tôi cũng đã gửi văn bản tới nhưng hầu như các hộ nuôi yến này đều “phớt lờ”. Điều này gây khó khăn trong công tác kiểm tra.
“Khi có ý định thăm dò trước với các hộ nuôi yến trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi các hộ này không đồng ý cho gặp và cố ý gây khó dễ cho lực lượng chức năng. Thời điểm nhạy cảm này, người nuôi bỏ tiền tỷ ra để đầu tư, giờ chỉ sơ hở chút là mất trắng như chơi cho nên họ ngại tiếp xúc với các cơ quan chức năng”- đại diện trạm thú y huyện Bình Chánh nói.
Một hộ dân sống tại cư xá An Nhơn, quận Gò Vấp gần một hộ nuôi yến ở đây tỏ vẻ lo lắng nói: "Thời gian gần đây trên phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được biết ở một số nơi chim yến chết do mắc bệnh cúm A/H5N1, điều này thực sự khiến gia đình tôi cũng như nhiều bà con sống ở đây hoang mang đặc biệt là đối với những gia đình có trẻ nhỏ như nhà tôi. Tôi mong các cơ quan chức năng có biện pháp không để tình trạng nuôi yến tự phát như hiện nay".
Còn tại tỉnh Đồng Nai nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Biên Hòa vẫn bất chấp dịch bệnh đe dọa và vẫn tiếp tục nuôi chim yến dù cho cơ quan chức năng đã đến từng nhà vận động, ký cam kết và thành phố đã có văn bản yêu cầu cấm nuôi chim yến địa bàn. Hiện nay, trên toàn thành phố Biên Hòa vẫn còn hơn 10 cơ sở nuôi chim yến.
Nguy cơ dịch lây lan
Ông Huỳnh Tấn Phát cho biết: Kể từ khi có dịch cúm A/H5N1 xảy ra trên chim yến tại tỉnh Ninh Thuận, Chi cục Thú y Thành phố đã lấy 32 mẫu ở quận 2, quận 9, quận 10, quận Tân Phú, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ cho thấy chưa có mẫu nào dương tính với virus cúm A/H5N1. Tuy nhiên, việc nuôi chim yến tràn lan hiện nay ở nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là ở những khu vực đông dân cư thực sự là một mối lo ngại lớn.
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, hiện Thành phố có trên 300 cơ sở nuôi chim yến nằm rải rác trên nhiều quận, huyện từ quận 1, 2, 3, 7, 9, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, Nhà Bè cho đến Cần Giờ. Thành phố cũng chỉ mới chỉ cấp phép cho 10 nhà nuôi yến thuộc đề án thí điểm nuôi yến tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, các nhà nuôi yến còn lại đều phát triển theo kiểu tự phát.
Tỉnh Tiền Giang cũng là một trong những tỉnh có số hộ nuôi chim yến lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 350 hộ nuôi chim Yến, tập trung nhiều nhất ở thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thành phố Mỹ Tho. Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang thì số hộ đăng ký nuôi chim yến chiếm tỷ lệ rất thấp đa số là nuôi tự phát. Hơn nữa, chim yến là loại gia cầm trên không gian nên cũng rất khó kiểm soát bởi nguy cơ phát tán là rất cao không giống như gà, vịt chúng ta có thể khoanh vùng và tiêu hủy được. Do đó, nếu không có biện pháp phòng chống hiệu quả thì nguy cơ virus cúm A/H5N1 xâm nhập vào đàn chim yến là khó tránh khỏi.
Theo Chi Cục Thú y TP.HCM, hiện chúng ta vẫn chưa có vác-xin để phòng chống cúm A/H5N1.Nếu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mà không có thuốc sẽ rất khó kiểm soát bệnh. Nhưng nước ta là nước đầu tiên phát hiện chim yến nhiễm cúm A/H5N1 nên muốn nghiên cứu hay sản xuất vắc-xin không hề đơn giản, chưa kể chúng ta còn phải gửi chủng gây bệnh đến Tổ chức Y tế thế giới để xem xét. Bên cạnh đó, mặc dù chúng ta đã có kinh nghiệm trong phòng chống dịch cúm gia cầm ở gà, vịt nhưng đối với chim yến thì hoàn toàn chưa có. Do đó, điều này còn gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh.