|
Bạn nên cho trẻ uống nước mười phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn để tránh gây khó khăn cho bộ phận tiêu hóa.
|
Trẻ uống bao nhiêu nước một ngày?
*Trẻ nhỏ dưới 6 tháng: Nếu bú mẹ hoàn toàn hoặc ăn sữa bột công thức pha đúng theo tỉ lệ hướng dẫn trên hộp sữa thì không cần cho trẻ uống nước, tuy nhiên nếu trẻ bị ra nhiều mồ hôi khi bị còi xương, hoặc đi ngoài phân táo bón thì cũng có thể cho trẻ uống thêm nước từ 100 – 200ml/ngày.
*Trẻ 6 – 12 tháng: Nhu cầu nước là 100ml/kg/ngày (kể cả sữa). Ví dụ trẻ nặng 8kg cần 800ml nước, nếu trẻ uống được 600ml sữa cần bổ sung 200ml/ngày dưới dạng nước đun sôi để nguội nước quả tươi, nước rau luộc…
*Trẻ trên 1 tuổi: Trẻ 10 kg cần 1 lít nước một ngày (kể cả sữa). Trẻ trên 10kg mỗi kilôgam thêm 50ml, có thể ước tính lượng nước hàng ngày cho trẻ như sau:
Lượng nước uống (ml) = 1000 ml + n x 50 (n = số kg của trẻ - 10)
ví dụ trẻ nặng 13 kg cần: 1000 ml + (3 x 50ml) = 1150 ml, nếu trẻ uống được 500ml sữa, số nước cần bổ sung là: 1150 – 500 = 650 ml
Trẻ trên 10 tuổi, lượng nước uống bằng người lớn: 2 – 2,5l/ngày
Những loại nước tốt nhất
* Nước ép trái cây tươi: Nước cam, quýt, bưởi, dưa chuột , táo… khi uống không nên cho thêm đường, loại nước quả ép này vừa cung cấp nước lại cung cấp các vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Loại nước này làm xóa tan những mệt mỏi, tăng cường chức năng hoạt động của não và làm khỏe mạnh những mạch máu, giúp lưu thông khí huyết tốt trong cơ thể người.
* Các loại nước ép từ rau củ: Củ đậu, bí xanh, nước rau má… cũng rất tốt cho cơ thể nhất là đối với trẻ bị thừa cân, béo phì vì vừa không sợ bị tăng cân, mà còn có tác dụng giải nhiệt nhất là trong những ngày hè nóng bức.
* Sữa đậu nành không đường: Cũng là nước uống và thức ăn bổ dưỡng vừa cung cấp nước, cung cấp canxi và các chất dinh dưỡng khác.
* Nước rau luộc: Rất tốt cho cơ thể vì cung cấp các vitamin và khoáng chất.
Để đảm bảo sức khỏe cho bé, bạn có thể tự đun sôi nước sạch để nguội uống hàng ngày, nếu uống nước đóng chai thì phải chọn các hãng có uy tín trên thị trường.
Các loại nước uống nào trẻ hạn chế và không nên dùng?
* Nước khoáng: Là nước uống có chứa các chất khoáng như natri, kali, can-xi, magie… Các loại nước khoáng do chứa thêm các chất khoáng nên phải dùng đúng lúc, đúng đối tượng, không được sử dụng bừa bãi nhất là trẻ nhỏ không được dùng loại nước khoáng có chứa hàm lượng khoáng cao để pha sữa vì chức năng thận của trẻ còn yếu không đào thải được chất khoáng dư thừa ra khỏi cơ thể, vì những chất khoáng dư thừa sẽ tích lũy lại trong người và gây rối loại nhịp tim, tăng huyết áp, phù…
* Các loại nước ngọt có ga: Không nên uống vì có thể gây thừa cân béo phì hoặc đầy bụng biếng ăn ở trẻ em và cung cấp calo rỗng.
* Các loại nước ép quả công nghiệp: Có nhiều đường, hàm lượng chất khoáng và vitamin ít không tốt cho sức khoẻ, uống nhiều dẫn đến thừa cân – béo phì.
* Cà phê, các loại nước tăng lực: Không được dùng cho trẻ uống.
Uống nước như thế nào thì có lợi cho sức khoẻ?
* Không vừa ăn, vừa uống. Năm phút sau khi uống là nước đã rời khỏi dạ dày, vì vậy chỉ nên uống nước mười phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn chứ không nên uống ngay sau hoặc trong khi ăn, vì uống trong khi ăn sẽ hòa loãng và mau đưa dịch vị dạ dày xuống ruột, khiến cho sự tiêu hóa khó khăn. Hơn nữa vừa uống vừa ăn, ta sẽ nuốt món ăn chưa được nhai kỹ không tốt cho tiêu hoá và hấp thu.
* Chia làm nhiều lần trong ngày. Không nên cho trẻ uống một lần quá nhiều nước. Ngay cả khi khát nước cũng không nên uống quá nhiều một lúc tốt nhất là nên uống từ từ từng ngụm một để cho nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của một cơ thể bị thiếu nước.
Nước chiếm từ 60 – 70% trong cơ thể. Thiếu nước ảnh hưởng đến các hoạt động sống của cơ thể, tất cả các phản ứng, các quá trình chuyển hoá trong cơ thể đều cần nước. Nước còn giúp đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể qua nước tiểu, mồ hôi. Riêng đối với trẻ em nước lại càng quan trọng, khi thiếu nước có thể dẫn đến suy giảm tuần hoàn, thậm chí có thể tử vong nếu mất nước nặng trong các trường hợp tiêu chảy cấp. Thiếu nước cũng là nguyên nhân gây chứng táo bón ở trẻ em, một chứng bệnh rất hay gặp. Mùa nào cơ thể cũng cần nước, nhưng mùa hè thì nhu cầu nước tăng hơn do mất nhiều mồ hôi, để cơ thể điều hoà nhiệt chống nóng.
Ths.Bs Lê Thị Hải
|
Ths.Bs Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng)