Bệnh gout có mối liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống.
Chế độ ăn nhiều ngũ cốc có lợi cho cơ thể trong việc phòng tránh gout - Ảnh: Shutterstock
Những năm gần đây bệnh gout gia tăng rất nhanh. Cùng với sự thay đổi về kinh tế, xã hội, mô hình bệnh tật của nước ta đã có những thay đổi đáng kể. Cũng như nhiều bệnh lý chuyển hóa khác như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì... thì bệnh gout đã trở nên rất thường gặp. Gần đây nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra những nguyên nhân chính làm cho bệnh gout gia tăng trên toàn thế giới, điều này hoàn toàn phù hợp với sự thay đổi về lối sống, các điều kiện kinh tế xã hội ở nước ta như: tăng tiêu thụ bia và rượu trong cộng đồng; tăng sử dụng các thức ăn giàu purine; gia tăng các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và béo phì.
Chế độ ăn uống
Gout là bệnh lý có nguyên nhân do rối loạn chuyển hóa purine, nhưng hiện nay về cơ chế tại sao gây rối loạn chuyển hóa thì chưa được rõ. Tuy nhiên, nhiều khả năng là do những rối loạn tại gene. Bệnh gout đã được coi là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purine ở người, làm tăng tổng hợp a xít uric và/hoặc giảm thải a xít uric ra ngoài, gây tăng a xít uric trong máu. Bệnh gout có một hoặc nhiều biểu hiện như sau: viêm một khớp cấp (thường ở ngón chân cái) được gọi là cơn gout cấp; có các khoảng hoàn toàn khỏi giữa các đợt viêm khớp cấp; xuất hiện các tophy (u cục) ở khớp, quanh khớp, ở vành tai; có sỏi thận (sỏi urate), suy thận mãn.
Ở giai đoạn đầu, bệnh gout có những đặc điểm lâm sàng khá đặc trưng, đa số dễ nhận biết nếu được chú ý từ đầu: thường gặp ở nam giới (trên 95%), khỏe mạnh, mập mạp; thường bắt đầu vào cuối những năm 30 tuổi, và đầu những năm 40; khởi bệnh đột ngột bằng một cơn viêm khớp cấp với tính chất: sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội, đột ngột ở một khớp làm người bệnh rất đau đớn, không thể đi lại được. Hiện tượng viêm thường không đối xứng và có thể tự khỏi sau 3-7 ngày. Trong giai đoạn cấp có thể kèm các dấu hiệu toàn thân như: sốt cao, lạnh run, đôi khi có dấu màng não như cổ cứng, nôn ói... Bệnh diễn biến từng đợt, giữa các cơn viêm cấp có những giai đoạn các khớp hoàn toàn hết đau, người bệnh tưởng mình khỏi bệnh. Ở giai đoạn muộn, biểu hiện viêm ở nhiều khớp cả tay và chân, có thể đối xứng, xuất hiện những u cục ở nhiều nơi đặc biệt quanh các khớp, bệnh diễn biến liên tục không rõ đợt, giữa các đợt viêm cấp các khớp vẫn đau nhức, dần dần gây biến dạng khớp, cứng khớp, teo cơ...
Để phòng ngừa bệnh gout, không uống nhiều rượu mạnh; hạn chế thức ăn chứa nhiều purine như phủ tạng động vật (tim, gan, thận, lá lách), óc, hột vịt lộn, hột gà lộn, trứng cá, các loại thực phẩm biển; cũng nên hạn chế mỡ động vật, đường, thức ăn giàu chất đạm (chỉ ăn dưới 200 gr thịt nạc mỗi ngày), không ăn nhiều các loại đậu hạt, măng tây, sô cô la, ca cao, trà, cà phê... Bên cạnh đó, cần ăn nhiều các loại rau xanh, trái cây tươi, uống nhiều nước, nước khoáng có bicarbonate, nước sắc từ lá sa kê; dùng thường xuyên các loại ngũ cốc, sữa.
Cần tăng cường vận động thể lực như luyện tập thể dục thể thao để chống béo phì, tránh stress, tránh gắng sức, tránh lạnh đột ngột...