Để có những cây nhang thơm, tàn cong và đậu thành nhiều vòng, các cơ sở sản xuất đã sử dụng những hóa chất, bất chấp việc gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Quá trình đắp bột cho que nhang
Ngâm hóa chất, trộn phẩm màu
Xã Quảng Phú Cầu (H.Ứng Hòa, Hà Nội) từ lâu được xem là vùng sản xuất tăm nhang lớn nhất miền Bắc. Tại xưởng sản xuất của anh N.V.C (48 tuổi, thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu) lúc nào cũng có hơn chục công nhân làm việc cật lực. Các bó tăm nhang sau khi chẻ bằng máy, nhuộm đỏ bằng phẩm màu, được bó gói cẩn thận xếp chồng lên nhau, để kín lối đi. Đáng chú ý, trong khu vực nhuộm chân tăm nhang luôn có một thùng đựng sẵn nước hóa chất màu đỏ đục, mùi khét và hắc rất khó chịu. Cạnh đó là 2 thùng đựng hóa chất có vỏ màu xanh ghi bằng chữ Trung Quốc. Theo một số thợ làm thuê tại xưởng, họ thường dùng loại hóa chất này trộn với phẩm màu để ngâm tăm nhang.
Tìm hiểu kỹ, chúng tôi được biết thứ dung dịch hóa chất trộn phẩm màu dùng ngâm tăm nhang chính là a xít photphoric (H3PO4). Giá loại hóa chất này khá rẻ, khoảng 40.000 đồng cho một can 5 lít. Theo một công nhân trong xưởng của anh C., hóa chất trên gây độc hại cho sức khỏe người làm lẫn người sử dụng. Tăm nhang được ngâm tẩm với loại hóa chất này thì khi đốt sẽ cho tàn uốn cong rất lâu và đẹp. Vì vậy, theo lời công nhân trên, nhiều xưởng làm tăm nhang ở Quảng Phú Cầu đều sử dụng, 1 lít H3PO4 được pha với 10 - 12 lít nước lã.
"Mỗi lần nhúng tăm nhang vào hóa chất, nếu quên đeo khẩu trang, găng tay thì các công nhân đều cảm thấy khó thở, tức ngực và ngứa rát hết đôi bàn tay".
Một công nhân làm nhang |
Để chứng minh điều mình nói, anh này dẫn chúng tôi ra phía sau lán của xưởng, rồi dùng bật lửa đốt hai loại tăm nhang (một loại ngâm và không ngâm H3PO4). Kết quả, tăm nhang ngâm tẩm H3PO4 tự quăn lại, còn tàn tăm không ngâm tan ngay. “Với công nghệ làm tăm nhang hiện nay, chủ cơ sở sản xuất có thể làm cho tàn nhang đậu cong, xoăn tùy nồng độ đậm đặc của hóa chất lúc pha chế và thời gian ngâm tăm tre dài hay ngắn”, công nhân này tiết lộ.
Được biết, hiện toàn xã Quảng Phú Cầu có khoảng 200 xưởng sản xuất liên quan đến tăm nhang. Trong đó, khoảng 80% các hộ làm nghề chẻ tăm, nhuộm phẩm màu chân nhang. Trung bình mỗi ngày có hàng chục chuyến container, xe tải xuất hàng từ đây đi tiêu thụ ở các cơ sở chuyên sản xuất nhang lớn trên miền Bắc.
“Công nghệ” tạo hương
Chúng tôi tiếp tục tìm về xã Bảo Khê (H.Kim Động, tỉnh Hưng Yên) - làng nghề sản xuất nhang truyền thống lớn nhất ở miền Bắc hiện nay. Được biết, ở Bảo Khê có đến hơn 80% hộ gắn bó với nghề làm nhang đều nhập tăm ở Quảng Phú Cầu, sau đó về đắp bột để cho ra que nhang.
Trong vai một chủ hàng đi tìm mối làm nhang đậu tàn với số lượng lớn, chúng tôi tiếp xúc K., chủ một cơ sở sản xuất nhang có tiếng ở Bảo Khê. Vừa theo K. bước vào khu xưởng sản xuất, chúng tôi đã cảm thấy ngạt thở bởi mùi hắc nồng nặc. Xưởng này sản xuất đủ các loại nhang, từ nhang thẻ, nhang cuốn, nhang đậu tàn đến nhang trầm.
Theo lời K., nhiều năm trước các xưởng làm nhang ở Bảo Khê đều sử dụng các loại thảo mộc và một số vị thuốc bắc từ gỗ trầm, hương, quế, hồi... để tạo mùi hương. Thế nhưng, những vị hương này hiện rất khan hiếm, đắt đỏ. Vì thế, vừa để làm ra loại nhang tàn cong, xoăn tít, dậy mùi thơm khi thắp, ngoài công nghệ tẩm ướp hóa chất cho tăm nhang, nhiều loại hóa chất có mùi thơm cũng được các hộ ở Bảo Khê sử dụng triệt để. Theo K., các loại hương liệu này được cơ sở của gia đình mua từ chợ Đồng Xuân (Hà Nội).
Thùng hóa chất chứa H3PO4 dùng để ngâm tẩm tăm nhang đậu tàn |
Tương tự, một người tên Sơn, chuyên lái xe đưa bỏ mối nhang đậu tàn đi các tỉnh xa, tiết lộ: “Cứ 1 kg mùn cưa gỗ hoàng đàn hoặc gỗ trầm có giá dao động từ 180.000 - 200.000 đồng, được pha trộn với 1 kg keo công nghiệp vốn dùng đóng bàn, tủ, giày dép... có giá 30.000 đồng, sẽ làm được khoảng 2.000 nén nhang bán ra thị trường, tương đương 350.000 đồng. Như thế, chưa kể tiền vốn bỏ ra mua tăm nhang tre làm nguyên liệu, tiền thuê nhân công sản xuất, nhẩm tính gần như không có lãi so với công sức bỏ ra. Vì vậy, nhiều hộ làm nhang ở Bảo Khê chuyển sang sử dụng hóa chất tạo mùi, vừa giảm chi phí, vừa thu lợi nhuận nhiều hơn”.
Theo lời Sơn, những hóa chất tạo mùi này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và được các chủ xưởng làm nhang mua tại chợ đầu mối chợ Đồng Xuân, phố Hàng Bồ, Hàng Buồm (Hà Nội). Giá cả các loại hương liệu này dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/10 lít. Sau khi mua về, các chủ sản xuất thường pha chúng với cồn ủ trong các thùng cỡ lớn và mỗi que hương sẽ được nhúng vào dung dịch này 3 - 5 phút rồi đem ra phơi nắng.
Tàn nhang uốn cong sau khi đốt |
Anh Nguyễn Văn Hùng, một người làm nhang thuê lâu năm tại Bảo Khê, nói: “Tưởng nhẹ nhàng, nhưng nghề làm nhang độc hại vô cùng vì suốt ngày phải tiếp xúc với bụi, mà đặc biệt là các loại bột hóa chất. Lắm hôm đi làm về, tôi cảm thấy hoa mắt chóng mặt, họng khô rát. Nếu tiếp xúc bằng tay thì sẽ bị nổi mẩn ngứa, nhiều người còn bị lở loét, vô cùng khó chịu”. Anh Hùng cho biết thêm, hiện nay đa số “thịt” nhang bày bán trên thị trường đều là mùn cưa của gỗ tạp như xoan, mít, bạch đàn… được xay mịn nhỏ, sau đó trộn với keo rồi thêm chất tạo mùi là hương liệu hóa học. Khi đốt, khói tỏa càng nhiều thì càng độc hại cho cơ thể nếu người hít vào.
Ông Tạ Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Khê, cho hay hiện trên toàn xã có không dưới 200 hộ làm nhang. Trong số này, khoảng vài chục hộ là người ở các địa phương khác như Hải Dương, Hà Nam, Nam Định… sản xuất theo hộ gia đình, chưa đăng ký kinh doanh. “Tôi có nghe thông tin tăm nhang ở làng nghề truyền thống của địa phương sử dụng hóa chất để nhang cháy thơm, đậu tàn. Hiện chính quyền xã đang triển khai lực lượng đi kiểm tra”, ông Thắng nói.
Có thể gây ung thư phổi
PGS-TSKH Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Hóa chất để tạo mùi thơm giống với trầm, quế, hồi... không có nguồn gốc, bày bán trôi nổi ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng là điều tất yếu”. Theo ông Thịnh, hiện rất nhiều người có tâm lý ưa dùng tăm nhang đậu tàn sẽ cho nhiều lộc. Loại nhang trên có ngâm tẩm H3PO4. Người tiếp xúc lâu với khói nhang có ngâm tẩm hóa chất này rất dễ bị tổn thương niêm mạc mắt, mờ mắt, các bệnh liên quan tới hô hấp, ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương; thậm chí hít nhiều, thường xuyên có thể bị ung thư phổi.