Trong khi nhiều sản phẩm biến đổi gen đã có mặt ở thị trường Việt Nam, điều người tiêu dùng quan tâm nhất là an toàn với sức khỏe. Một số chuyên gia cho rằng Chính phủ nên đóng vai trò định hướng tiêu dùng thay vì “thả” cho người dân tự lựa chọn.
Nhiều giống ngô biến đổi gen đang được trồng khảo nghiệm ở Việt Nam
Thực phẩm biến đổi gen (Gene Modified - được gọi tắt là GM, hay thực phẩm công nghệ sinh học) là những thực phẩm có nguồn gốc từ sinh vật đã được biến đổi gen thông qua các biện pháp kỹ thuật của con người. Sinh vật biến đổi gen sẽ có những thay đổi cấu trúc DNA của họ bằng các kỹ thuật kỹ thuật di truyền để tạo ra những sản phẩm như mong muốn của con người. Những kỹ thuật này là chính xác hơn nhiều so với đột biến gen (đột biến giống). Nó là thực phẩm có được nhờ việc đưa ADN của một loại, có thể là vi khuẩn, virut, động vật hay con người vào ADN của cây trồng, vật nuôi khác để tạo ra giống cây trồng, vật nuôi mới.
Còn nhiều ý kiến trái chiều
Tại hội thảo "Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen 2012" được tổ chức vào chiều 8/3 tại Hà Nội, đại diện từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng cho rằng các cơ quan chức năng nên dán nhãn các sản phẩm GM và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng để họ có quyền tự lựa chọn dùng hay không dùng sản phẩm này vì quyền lợi và sức khỏe của họ.
Nhưng theo GS Lê Đình Lương, người sáng lập Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền (Liên hiệp Các Hội khoa học kĩ thuật Việt Nam), nếu để người dân tự lựa chọn dùng hay không dùng sản phẩm GM là thể hiện sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng vì người dân không có đầy đủ thông tin như những nhà quản lý.
“Tôi không đồng tình với việc dán nhãn sản phẩm GM vì việc dán nhãn mang ý nghĩa tiêu cực, gây tâm lý cho người tiêu dùng là những sản phẩm này nguy hiểm,” GS Lương nhận định.
Theo GS, để phát triển và ứng dụng các sản phẩm GM ở Việt Nam, trong chiến lược 3Ps (Product – Process – Political Will), Viêt Nam chỉ cần một chữ “P”, đó là “Bản lĩnh chính trị” (Political will), nghĩa là sự quyết tâm và định hướng của chính phủ và các nhà hoạch định chính sách trong vấn đề này.
Theo TS Clive James, Người sáng lập và Chủ tịch Tổ chức Quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), truyền thông đóng vai trò quan trọng để giúp người dân hiểu hơn về các sản phẩm GM.
“Ngoài việc tổ chức các hội nghị, hội thảo tập huấn cho giới truyền thông về GM, cũng cần tổ chức các chuyến tham quan thực địa để tạo cơ hội cho giới báo chí tiếp cận thực tế, gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia và hỏi trực tiếp nông dân tham gia canh tác cây trồng biến đổi gen,” Ông James nhận định.
Theo TS James, hiện nay đã có khoảng 10 loại cây trồng biến đổi gen được canh tác như ngô, đậu tương, đu đủ, khoai tây, cây cải dầu…Brazil, Argentina, Canada và Ấn Độ đứng đầu thế giới về diện tích canh tác cây GM lần lượt là 36,6 triệu ha, 23,9 triệu ha, 11.6 triệu ha, 10.8 triệu ha.
Cây trồng biến đổi gen giúp tăng năng suất, nâng cao thu nhập, giúp bảo tồn đa dạng sinh học do tiết kiệm đất, giúp giảm các tác động đến môi trường do giảm các nhu cầu đầu vào từ bên ngoài, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, giảm phát thải khí CO2, bảo tồn đất và nước; góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo.
Tùy thuộc vào sự lựa chọn
“Không ai dám khẳng định 100% là sản phẩm truyền thống hay sản phẩm GM là hoàn toàn an toàn. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng chúng ta có thể sản xuất được ngô biến đổi gen thậm chí còn an toàn hơn cả ngô trồng theo công nghệ truyền thống vì giống ngô mới đã được loại bỏ nhiều chất độc mà ngô di truyền vẫn có” TS James khẳng định.
Theo TS Randy A Hautea, Điều phối viên toàn cầu ISAAA, mỗi sản phẩm phê duyệt cần được tiến hành nghiên cứu trong nước, nhất là nghiên cứu về tác động môi trường, và phải được tiến hành thử nghiệm đồng thời tại nhiều khu vực trong nước. Cũng cần thường xuyên theo dõi, giám sát độ an toàn của sản phẩm.
Trong số 28 nước canh tác cây trồng GM năm 2012, có 20 nước đang phát triển và 8 nước công nghiệp. Khoảng 60% dân số thế giới hay khoảng 4 tỷ người sống ở 28 nước này đang canh tác cây trồng GM.
Hiện nay Việt Nam vẫn chậm áp dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp vì còn nhiều lo ngại chúng có thể gây nên những nguy mà con người chưa biết như tăng nguy cơ dị ứng, làm nhờn kháng sinh, gây độc cho cơ thể người. Cũng theo nhiều chuyên gia, nếu trồng đại trà thực phẩm biến đổi gene thì một số lợi ích kinh tế có thể bị nguy hại, như người nông dân bị ép giá do lệ thuộc vào các công ty cung ứng giống, môi trường nông nghiệp bị biến đổi, những công ty xuyên quốc gia trong lĩnh vực này đang sử dụng giống biến đổi gen, khiến cho nông dân ngày càng phụ thuộc vào họ để đạt mục tiêu lợi nhuận.
Tuy nhiên TS James cho rằng Việt Nam càng chậm ứng dụng và phát triển cây trồng GM thì càng phải trả giá bằng việc tiếp tục chi nhiều hơn cho việc nhập khẩu nguyên liệu nông nghiệp để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
GS TS Võ Tòng Xuân, thành viên hội đồng quản trị tổ chức ISAAA cho biết năm 2012 Việt Nam xuất khẩu được 7,7 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,3 tỷ USD. Tuy nhiên Việt Nam phải liên tục nhập khẩu nguyên liệu, chủ yếu là đậu nành, khô dầu đậu nành, lúa mì, ngô… với kim ngạch khoảng 2 tỷ USD cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi.
Sản xuất ngô và đậu nành theo công nghệ truyền thống ở ĐBSCL rất khó khăn vì gặp nhiều sâu bệnh, dẫn đến chi phí cao và năng suất thấp.
Để giải quyết bài toán này, những nhà hoạch định chính sách cần có những cân nhắc kỹ lưỡng về lợi ích và thách thức của việc chậm áp dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp nước nhà.