"Tôi được biết sữa chua có tác dụng tốt về nhiều mặt; nhưng tôi lại mắc bệnh loét dạ dày, vậy có ăn được không?".
Sữa chua là sữa được cho lên men nhờ một loại vi khuẩn đặc biệt họ lactobacteriacae. Đường đôi (lactose) có nhiều trong sữa khi lên men sẽ chuyển hóa thành các đường đơn glucose và galactose, cuối cùng chuyển thành axit lactic. Một phần axit này tác dụng với canxi cazeinat có trong sữa, tạo ra axit cazeinic và canxi lactat dễ tiêu hóa.
Một số vi khuẩn trong sữa chua còn tạo nên enzym proteaza, có tác dụng thủy phân protein thành các axit amin tự do dễ hấp thụ. Mặt khác, axit của sữa chua còn kiềm chế sự phát triển của vi khuẩn gây lên men thối trong ruột.
Trước đây, những người bị loét dạ dày - tá tràng được khuyến cáo kiêng tất cả các thức ăn chua vì sợ nó làm tăng lượng axit, gây viêm loét nặng hơn. Song nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh, sữa chua lại có ích trong việc phòng và chữa bệnh dạ dày. Số lượng và nồng độ axit trong sữa chua không đáng kể so với lượng axit trong dịch vị. Axit lactic (được chuyển hóa từ sữa chua) lại có tác dụng kìm hãm sự phát triển của Helicobacter pylori (thủ phạm gây viêm loét dạ dày - tá tràng).
Ngoài ra, các vi khuẩn lên men chua sẽ bám vào niêm mạc đường tiêu hóa, tiết ra chất kháng sinh tự nhiên, tăng cường miễn dịch tại chỗ, qua đó kìm hãm sự phát triển của Helicobacter pylori. Theo cuốn "Chỉ dẫn về thức ăn chữa bệnh" của bác sĩ David Kessler, vi khuẩn lên men chua có thể làm tăng số interferon gamma, giúp hệ miễn dịch đấu tranh chống lại bệnh tật.
Như vậy, ông có thể dùng sữa chua mà không sợ có hại cho dạ dày. Còn để khỏi bệnh, ông phải điều trị theo phác đồ thông dụng và hiệu quả nhất hiện nay; đó là dùng phối hợp thuốc chống tiết axit và 2 kháng sinh diệt vi khuẩn H.pylori.