Kỹ thuật kéo dài chân trong lịch sử: Nga đi trước Mỹ
Khi nhắc tới kỹ thuật kéo dài chân nhiều người sẽ liên tưởng tới sự "hãi hùng" và "phi thực tế", có nhiều người cho rằng đó là câu chuyện không tưởng… Và nếu có thể kéo dài được chân thì cái giá phải trả sẽ là "rất đắt" hào mòn về sức khoẻ, tuổi thọ.
Ít người biết được rằng, kỹ thuật kéo dài chân đã có từ hàng trăm măn nay. Theo thời gian kỹ thuật này ngày càng hoàn thiện đã tạo ra những phép màu. Nhiều câu chuyện cổ tích hiện đại đã được viết lên nhờ kỹ thuật kéo dài chân.
Nhìn về lịch sử thời xa xưa kỹ thuật kéo dài chân cũng đã được thực hiện theo cách cổ xưa cực kỳ đau đớn và rợn người.
Kỹ thuật kéo dài chân cổ xưa đã có cách đây hàng trăm năm, để xương dài ra bác sĩ phải cắt đứt rời xương của bệnh nhân và kéo xa hai đoạn ra. Sau đó, các phẫu thuật viên sẽ ghép một đoạn xương khác vào khoảng trống đã bị kéo dãn.
Giáo sư A. Ilizarov người Liên Xô (cũ), cha đẻ của phương pháp kéo dài chân hiện đại.
Kỹ thuật kéo xương cổ điển này hiệu quả thành công thường không cao và thường để lại di chứng cho bệnh nhân cho nên ngày nay không còn được áp dụng.
Kỹ thuật kéo dài chân hiện đại được phát triển vào những năm 50 của thế kỷ XX. Một bác sĩ người Nga đã phát hiện ra nguyên lý khi kéo dài xương một cách từ từ dựa vào cơ chế tế bào tạo xương sinh ra có thể bồi đắp được và hình thành ra xương mới. Kỹ thuật kéo dài chân được phát triển mạnh mẽ tại Nga lúc bấy giờ.
VĐV nhảy sào giành huy chương vàng Valery Brumel năm 1968 được nối chân, đồng thời kéo dài chân 3cm bằng kỹ thuật kéo dài chân.
Khoảng 10 năm sau, vào những năm 1960 khi cũng công bố thành tựu kéo dài chân của người Nga được công bố, giới y học nước Mỹ cũng đã công nhận kéo dài xương là một kỹ thuật có thể thực hiện được mang tới nhiều giá trị cho bệnh nhân.
Còn tại Châu Âu, kỹ thuật kéo dài xương chân phải đến những năm 1970 mới được công nhận và cho phép thực hiện.
Năm 1980 kỹ thuật kéo dài chân được dùng để điều trị thành công cho nhà báo kiêm nhà thám hiểm người Italia, Carlo Mauri bị gãy chân sau khi trượt tuyết. Ông đánh dấu thời điểm kỹ thuật kéo chân trở nên nổi tiếng và phổ biến trên thể giới.
Tại Châu Á, những năm 1980-1990 mới thực hiện kéo dài chân. Riêng tại Việt Nam, cuối thập kỷ 1980 đầu 1990 các bác sĩ mới bắt đầu tiến hành. Ca kéo dài chân đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện 108 vào năm 1991.
Kéo dài xương dựa trên nguyên lý nào?
PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, cho biết: "Kỹ thuật kéo dài xương chân ra đời ở Việt Nam ban đầu với mục đích nhân văn, nhằm khắc phục di chứng bại liệt chân ngắn chân dài.
Thời đó, Việt Nam có di chứng bại liệt rất cao, các bác sĩ phải làm việc hết công suất, ngày mổ 4-5 ca. Riêng Viện Chấn thương chỉnh hình, từ năm 2005 mới thực hiện mổ kéo chân thẩm mỹ, nâng chiều cao cho người có nguyện vọng chính đáng".
Việc kéo dài chân cũng đã dựa vào nguyên lý sinh xương liên tục của tế bào xương.
"Trong cơ thể ở xương luôn có tế bào tạo xương và hủy xương, có nghĩa là tế bào xương sinh ra sẽ chết đi và thay thế bằng những tế bào mới. Bình thường tế bào tạo xương và hủy xương luôn cân bằng. Dựa vào nguyên lý đó các bác sĩ đã thực hiện kéo dài chân cho những người có nguyện vọng", PGS Đoàn lý giải.
PGS.TS Lê Văn Đoàn lý giải về nguyên lý kéo dài chân.
Quá trình nghiên cứu các nhà khoa học đã nhận thấy, tế bào xương nằm 70-80% ở màng ngoài của xương, còn 20-30% trong tủy xương.
Khi kéo dài xương, các bác sĩ chỉ cắt xương mà không cắt màng xương. Màng xương bảo tồn sẽ là nơi sinh xương mới, khi xương dãn ra thì màng xương sẽ sinh ra xương để bù đắp lại phần đã giãn, tạo ra xương mới.
PGS Đoàn cho biết thêm, rất nhiều bệnh nhân khi tới Viện Chấn thương chỉnh hình đều lo lắng phẫu thuật kéo dài chân sẽ làm giảm tuổi thọ, ảnh hướng sức khoẻ, sự thật không phải như vậy. Phẫu thuật kéo dài chân không ảnh hưởng tới tuổi thọ của con người.
Nhưng sau khi kéo dài, các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp do vậy phải có thời gian để tập phục hồi chức năng. Quá trình đó nhanh hay chậm tùy theo mỗi người và mức độ kéo dài.
"Về nguyên lý xương sẽ cứng dần lên và theo thời gian và sẽ cứng như xương bình thường. Khi cơ xương khớp đã ổn định, đã tập luyện tốt, chi được kéo dài hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh nhân đi lại sinh hoạt chạy nhảy bình thường", bác sĩ Đoàn khẳng định.
* Đón đọc kỳ tiếp: Đóng đinh - lắp khung - cắt xương để kéo dài chân: Không phải hễ ai muốn là làm được!
Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.
theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/keo-dai-chan-tu-cach-co-xua-ron-nguoi-den-nhung-co-tich-thoi-hien-dai-20190426223811213.htm