(PetroTimes) - Giống như các nước Đông Á khác, Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo, con cái đối với cha mẹ phải luôn coi trọng đạo hiếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội ngày nay, nhiều câu chuyện con cháu đối xử với ông bà, cha mẹ tệ bạc đã làm cho đạo hiếu bị lung lay. Việc có nên có luật về đạo hiếu ở nước ta đang tạo ra nhiều cuộc tranh luận trong thời gian qua. Phóng viên Báo điện tử PetroTimes có cuộc trao đổi với GS.TS Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch xung quanh vấn đề này.
PV: Chúng ta đều biết “hiếu” là đức lớn, chỉ xếp sau “trung”. Theo tinh thần Nhị thập tứ hiếu, chữ hiếu có ý nghĩa thiêng liêng. Nhưng trong bối cảnh xã hội hiện nay, chuyện bất hiếu ngày càng nhiều, thế nên đã có nhiều ý kiến cho rằng, nên có luật về đạo hiếu. Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
GS.TS Vũ Gia Hiền: Trước hết chúng ta phải thấy rằng, khi đã luật hóa có nghĩa là sự hiếu thảo không còn tự điều chỉnh được nữa, trong khi bản chất của hiếu thảo nhằm điều chỉnh mối quan hệ trong gia đình giữa con cái và cha mẹ, trong quan hệ gia tộc, họ hàng… Các quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo đều coi trọng chữ hiếu.
Dù rằng, trong cuộc sống có thể anh không đồng ý với người lớn hơn anh hay không đồng ý với người xưa theo cách của anh nhưng anh không được xúc phạm, phỉ báng họ. Khác với người phương Tây thường nhìn dưới góc độ đúng - sai chứ ít quan tâm đến quan hệ tình cảm giữa con người với con người. Ở phương Tây, nếu thế hệ sau thấy đúng thì phủ nhận ngay thế hệ trước. Học trò thấy đúng thì sẽ phủ nhận ngay thầy nó. Nhưng người phương Đông thì khác “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Tuy thế hệ trước có thể ít chữ hơn thế hệ sau nhưng đó là kiến thức nền để thế hệ sau trên cái nền đó tạo ra cái mới. Do đó, dù anh có giỏi đến đâu đi chăng nữa thì cũng không được xem thường nửa chữ của bề trên.
GS.TS Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Du lịch. (Ảnh: Nguyệt Anh)
Tính gia giáo, trật tự ấy đã duy trì hệ thống xã hội phương Đông mấy ngàn năm. Do đó đến giờ phút này không ai dám phủ nhận Khổng Tử mặc dù có nhiều người không đồng ý với học thuyết của ông, trong đó có cả Trang Tử và Mạnh Tử nhưng họ đều kính trọng ông. Chứ không như Aristotle là học trò của Platon nhưng sau đó ông phủ nhận và xem Platon không ra gì trong các tác phẩm của mình.
PV: Nói rộng ra phạm vi xã hội thì hiện nay có một bộ phận thế hệ trẻ có khuynh hướng phủ nhận thế hệ đi trước, cũng như có những đứa con phủ nhận công lao cha mẹ nuôi dưỡng mình. Đó dường như là một mối nguy của gia đình và xã hội?
GS.TS Vũ Gia Hiền: Ngày nay dù đời sống xã hội có khác đi nhiều chăng nữa thì con người sống phải có trước có sau, trật tự xã hội phải được duy trì thì xã hội mới ổn định và phát triển được. Hiện nay tính tự giác điều chỉnh về đạo hiếu, tôn trọng lịch sử xã hội bị mất đi, trong đó có những đứa con cho rằng có nhiều tiền thì có quyền khinh bát thế hệ trước. Điều đó không chấp nhận được. Đây cũng là nguy cơ đánh mất lịch sử của chúng ta.
PV: Coi thường đạo hiếu, đánh mất truyền thống gia đình, quả là giờ đây nhiều người phương Đông, trong đó có Việt Nam đang lặp lại vết xe đổ của người phương Tây?
GS.TS Vũ Gia Hiền: Phương Tây họ đã từng đánh mất nhưng giờ đang giật mình xem lại văn hóa của mình. Thời gian qua, phim ảnh hàn lâm của họ rất chú trọng đến gia đình và gần như đặt gia đình thành đỉnh cao của nghệ thuật. Trong đời sống hằng ngày cũng vậy, như một người Mỹ ngày nay đi đến đâu bao giờ cũng có ảnh của vợ, con trong ví của mình và tôi đã gặp nhiều người như thế. Qua đó ta thấy rằng, phương Tây từ chỗ quan niệm gia đình không quan trọng thì giờ suy nghĩ ngược lại. Trong khi phương Đông, trong đó có Việt Nam từ chỗ có truyền thống gia đình bền chặt, con cái hiếu thảo với cha mẹ hàng nghìn năm qua thì giờ có nguy cơ lung lay. Trong khi chúng ta đều biết đạo hiếu là hạt nhân của gia đình và nền tảng cho một xã hội bền vững.
PV: Ông có cho rằng, ở nước ta hiện nay có nhiều người không coi trọng truyền thống gia đình và bất hiếu với cha mẹ là do ảnh hưởng chủ nghĩa cá nhân của phương Tây không?
GS.TS Vũ Gia Hiền: Chủ nghĩa cá nhân cũng có những giá trị riêng của nó nhưng nếu chủ nghĩa cá nhân vào nước ta mà không được hiểu và sử dụng đúng thì dễ dẫn đến bất hiếu và nói thẳng là bất nhân, bất nghĩa, không kính trọng người già, không tôn trọng lịch sử và có người còn phỉ báng lịch sử… đấy là hình ảnh của nguy cơ.
Gia đình hạnh phúc là nền tảng của cấu trúc xã hội bền vững. (Ảnh minh họa)
PV: Nói vậy nhưng chúng ta cũng nhìn lại vấn đề, trên bình diện chung của xã hội ta con cái hiếu thảo vẫn nhiều hơn những đứa con bất hiếu, thưa ông?
GS.TS Vũ Gia Hiền: Dĩ nhiên, cái tích cực lúc nào cũng nhiều hơn nhưng người ta nhìn thấy nguy cơ ở phương Tây cha mẹ sinh con ra nuôi lớn lên, đến 18 tuổi con ra khỏi nhà, tự lập, rồi lập gia đình, tự lo cho bản thân, thậm chí cha mẹ muốn gần con cũng không dễ dàng… Chúng ta còn nhớ ở Pháp cách đây gần 10 năm đã trải qua một trận nắng lịch sử, trại dưỡng lão có đến 60 người già chết thì có tới 30 người con không hề biết. Và khi họ quay lại thăm thì cha mẹ đã chết lâu rồi. Đó là bi kịch của gia đình và xã hội. Nhiều đứa con lâu lâu ghé vào trại dưỡng lão xem cha mẹ như thế nào là để đáp ứng hay thỏa mãn tâm lý của bản thân chứ không phải vì thương hay hiếu thảo với cha mẹ. Trong khi họ có thể nuôi con chó cẩn thận hơn một người già?!
Vì thế hiện nay các nhà văn hóa nghệ thuật phương Tây, kể cả báo chí truyền thông đang cổ xúy cho khuynh hướng xã hội bền vững thì không còn cách nào là quay về với nền tảng gia đình bền vững.
PV: Trước các nguy cơ đó, theo ông Việt Nam có nên ra Luật Đạo hiếu không?
GS.TS Vũ Gia Hiền: Có chứ, mình nên có để cảnh tỉnh. Tuy nhiên, Việt Nam mình con cái hiếu thảo với cha mẹ vẫn chiếm số đông. Tôi biết rất nhiều Việt kiều sống nơi đất khách dù cực khổ nhưng vẫn tiết kiệm từng đồng gửi về cho cha mẹ ở quê nhà. Những hình ảnh người Việt Nam ở bên Mỹ như vậy cũng làm người Mỹ phải suy nghĩ. Tại sao họ khổ như vậy mà còn dành dụm tiền gửi về cho cha mẹ. Hay có nhiều em công nhân ở các khu chế xuất, làm việc rất vất vả nhưng hằng tháng đều gửi tiền gửi về giúp đỡ cha mẹ ở quê. Điều đó làm mỗi chúng ta rất xúc động và trân trọng các em. Tuy nhiên, xã hội ngày nay cũng có nhiều đứa con đòi hỏi quá nhiều ở cha mẹ, chưa kể có trường hợp cha mẹ bị con cái bạo hành…
PV: Thực ra không phải đến thời nay chúng ta mới bàn về đạo hiếu hay nói đến việc cụ thể hóa đạo hiếu vào luật mà ngay từ thời Lê sơ, đạo hiếu đã được quy định trong Luật Hồng Đức? Trong đó tội “Bất hiếu” thuộc 10 tội trạng nguy hiểm nhất (còn gọi là “Thập ác”).
GS.TS Vũ Gia Hiền: Trước kia, Nho giáo quy định rất rõ vấn đề này. Một học thuyết chính trị - xã hội duy trì trật tự xã hội trên 2.000 năm thì có thể nói đến giờ phút này không có học thuyết nào có thể so sánh được với Nho giáo. Dù giờ có những cái của Nho giáo đã lạc hậu nhưng trải qua 2.000 năm như thế thì chúng ta phải thấy được những cái hay, cái giá trị thời đại của nó trong xã hội ngày nay. Vua - dân, thầy - trò, cha mẹ - con cái… trước sau quy định rất chuẩn mực, trật tự. Do đó, trong xã hội ngày nay có nhiều anh học trò sau là giáo sư nhưng hằng năm vẫn về thăm ông thầy ngày xưa dạy mình thuở tiểu học; nhiều đứa con dù có bao nhiêu học hàm - học vị và rất thành đạt ngoài xã hội nhưng vẫn luôn hiếu kính với cha mẹ mình dù các cụ là bác nông dân chân chất. Qua đó để thấy rằng, đạo hiếu có giá trị đến mức nào.
PV: Cũng có chuyện con cái bất hiếu với cha mẹ với lý do cha mẹ trước đây nuôi dạy, đối xử với con không chu toàn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
GS.TS Vũ Gia Hiền: Anh bất hiếu với cha mẹ là không được phép vì cha mẹ là người nuôi mình nên người. Cha mẹ có thể sai với mình được nhưng mình không được vô lễ, bất hiếu với cha mẹ. Nếu cha mẹ sai thì mình có thể đề xuất ý kiến để cha mẹ hiểu mà điều chỉnh. Nếu con cái sai thì cha mẹ có thể dạy bảo nhưng cha mẹ sai mà con cái cãi lại, hỗn hào với cha mẹ thì không còn đạo lý gia đình nữa.
Trẻ em sẽ học tập đạo hiếu từ chính cách thể hiện đạo hiếu của cha mẹ đối với ông bà của chúng. (Ảnh mang tính minh họa)
PV: Dĩ nhiên điều đó là không hợp đạo lý nhưng nếu có cha mẹ thiếu trách nhiệm với con cái, đối xử không tốt với con cái ngay từ nhỏ thì giờ đây họ đòi hỏi con cái phải có hiếu với mình có phải là sự vô lý không, thưa ông?
GS.TS Vũ Gia Hiền: Trường hợp này là ngoại lệ, ta không thể đưa vào cấu trúc xã hội được. Bao giờ xã hội cũng có những rác rưởi của nó nhưng chúng ta không lấy rác rưởi để làm đại diện cho cấu trúc xã hội được. Đây chỉ là những trường hợp thiểu số và phải bị phê phán, kể cả cha mẹ cũng bị phê phán. Cách cha mẹ nuôi dạy có thể không tốt nhưng cũng là người nuôi ta lớn lên chứ không vứt ta đi. Thậm chí ông bà ta còn nói, cha sinh không bằng mẹ dưỡng, công dưỡng rất lớn. Ông cha ta cũng nói làm người thì đừng chê cha mẹ khó: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo” là vậy.
Thực ra, ở nước ta vấn đề này cũng được đề cập đến trong Hiến pháp, cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái và con cái phải có hiếu với cha mẹ. Trong Hiến pháp quy định hai chiều rất rõ, còn trong Luật Hôn nhân - Gia đình cũng đã có những quy định rất cụ thể. Vì thế, luật về đạo hiếu cũng đã có trong các bộ luật khác rồi, còn giờ muốn nhấn mạnh thì phải để riêng thành một bộ luật cụ thể.
PV: Như ông nói nên đưa đạo hiếu vào luật, tuy nhiên “hiếu” thuộc phạm trù đạo đức có đưa vào luật rồi thì người ta vẫn xuê xoa “nước mắt chảy xuôi”. Cha mẹ thường không nỡ đưa con cái ra tòa, huống chi xã hội Việt Nam từ xưa đến nay rất ít trường hợp cha mẹ kiện con cái. Vậy thì theo ông, luật đạo hiếu sẽ có hiệu quả như thế nào trong cuộc sống?
GS.TS Vũ Gia Hiền: Giờ đây chúng ta nhấn mạnh luật là cần thiết để giải quyết vấn đề, để khi đạo đức xuống cấp thì còn có luật pháp bảo vệ giá trị đạo đức đó, bảo vệ tôn chỉ đạo đức gia đình. Còn trong quá trình làm sao để luật vào cuộc sống là vấn đề giáo dục và tuyên truyền của Nhà nước lại là chuyện khác. Chúng ta không nên nhầm lẫn hai vấn đề.
PV: Quả thật, đối với những bậc làm cha mẹ thì chuyện con cái bất hiếu là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời, nhất là những quốc gia có truyền thống Nho giáo như Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay cách thể hiện chữ hiếu của con cái cũng có nhiều khác biệt so với xã hội cổ truyền ngày xưa chứ, thưa ông?
GS.TS Vũ Gia Hiền: Trước hết, đạo hiếu phải được bảo vệ còn nếu anh không tự giác thì phải điều chỉnh bằng luật đó là nguyên tắc. Còn việc làm sao để trọn vẹn đạo hiếu thì còn là chuyện giáo dục đạo hiếu như thế nào. Nó lại khác nữa. Đúng là trong bối cảnh ngày nay vì điều kiện kinh tế - xã hội thì cách thể hiện đạo hiếu có khác xưa nhưng xã hội vẫn không thể chấp nhận những đứa con bất hiếu.
Bữa cơm sum họp gia đình 3 thế hệ ngày càng vắng trong xã hội hiện đại. (Ảnh mang tính minh họa)
PV: Ngày nay có nhiều người con đi xa, ít có điều kiện về thăm cha mẹ nhưng hằng tháng vẫn gửi tiền về lo cho cha mẹ, có người cho đó là chưa tròn chữ hiếu. Hay trong nhiều bệnh viện ta thấy người già ốm đau nhưng con cái không thể trực tiếp chăm nom được mà phải thuê người chăm. Thực tế là nhiều bậc cha mẹ cũng vẫn phiền trách con cái không đủ hiếu thảo, ông nghĩ sao về việc này?
GS.TS Vũ Gia Hiền: Ở đây cha mẹ trách con nhưng mà là trách tình cảm, trách yêu chứ không trách ghét. Và một đứa con có thể lâu không về thăm cha mẹ nhưng phải nhớ đến cha mẹ hoặc không thể vì quá bận mà phó mặc tất cả chuyện chăm sóc cha mẹ lúc ốm đau, bệnh tật cho người khác được. Do đó, đạo hiếu phải gắn liền với trách nhiệm chứ không thể hiểu một cách chung chung được. Trách nhiệm bằng vật chất nó chỉ một nửa thôi vì con người còn có tình cảm mà. Ông cha ta thường nói “của cho không bằng cách cho” là vậy.
PV: Qua vấn đề đạo hiếu ngày nay, liệu chúng ta có phải nhìn nhận lại vấn đề đức dục, thưa ông?
GS.TS Vũ Gia Hiền: Giáo dục có hai cái, giáo dục tình cảm và giáo dục lý trí hay còn gọi là đức dục và trí dục. Đức dục lúc nào cũng khó hơn trí dục. Dạy cho em bé học chữ dĩ nhiên sẽ dễ hơn dạy cho em bé yêu học tập. Ngày nay cách giáo dục của ta có nhiều sai lầm khi chỉ dạy cho các em phải học tập chứ không dạy nó yêu học tập.
PV: Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực giáo dục và tư vấn tâm lý, tình yêu - hôn nhân và gia đình, thường xuyên tham gia tư vấn cho nhiều học sinh, sinh viên, công nhân… Bài học riêng của ông trong việc dạy con mình sống tử tế và tôn trọng đạo hiếu như thế nào?
GS.TS Vũ Gia Hiền: Rất khó. Hai đứa con như hai công trình nghiên cứu của tôi. Khi dạy con là đụng đến rất nhiều vấn đề, từ việc đưa đón con đi học, thái độ, cách ứng xử, cách thể hiện tình yêu thương với con… Rồi lúc con nghe mình, không nghe lời mình đều nằm trong công trình nghiên cứu của tôi. Quá trình nuôi dạy con hơn 30 năm qua đã cho tôi nhiều kinh nghiệm sống quý báu. Nếu nghiên cứu đứa bé không phải con mình thì chỉ có đúng - sai chứ chúng ta không thấm trong cái sai, thấm trong cái đúng như thế nào. Qua quá trình nuôi dạy con, vấp phải đúng sai như vậy thì tôi hiểu hơn những bậc làm cha mẹ khác cũng rất vất vả trong nuôi dạy con. Và dù nói gì đi chăng nữa, muốn gia đình bền vững và cấu trúc xã hội ổn định thì trong gia đình phải có nền nếp gia phong, đạo hiếu vẫn đặt làm trọng.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
GS.TS Vũ Gia Hiền là người thường xuyên tiếp xúc với thính giả trực tiếp trên sóng phát thanh tư vấn tâm lý về giáo dục, tình yêu, hôn nhân, gia đình từ năm 2000 đến nay; đồng thời tư vấn tâm lý tuổi vị thành viên trên báo Mực Tím.
Hiện ông là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Du lịch; Giảng viên thỉnh giảng Khoa Văn hóa học - ĐH KHXH&NV TP HCM; Giảng viên thỉnh giảng ĐH Giao thông Vận tải TP HCM và Cao đẳng Công thương…
Một số sách đã xuất bản: “Tìm hiểu quá trình tiến hóa vũ trụ và sinh giới”, NXB Chính trị Quốc gia, 2003; “Triết học từ góc độ biện chứng duy vật”, NXB Chính trị Quốc gia, 2006; “Tâm lý học và chuẩn hành vi”, NXB Lao Động, 2006; Người Việt Nam với triết học Đông Tây, NXB Lao Động, 2008; Văn hóa giao tiếp ứng xử, NXB Lao Động, 2010…
|
Thiên Thanh (thực hiện)