Tỷ lệ dưới 40 tuổi mắc bệnh này ngày càng tăng, thậm chí có những trường hợp dưới 30 tuổi đã bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.
Hiện nay ung thư dạ dày khá phổ biến, nằm trong số 10 loại ung thư thường gặp nhất. Riêng tại Việt Nam, căn bệnh này đứng hàng thứ hai ở nam giới sau ung thư phổi, thứ ba ở nữ giới sau ung thư vú và cổ tử cung. Khoảng 2/3 người bị ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn tiến triển, khối u đã xâm lấn và di căn hạch lympho hay di căn xa.
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu Hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, hàng năm tại đây tiếp nhận từ 300 đến 400 bệnh nhân ung thư dạ dày. Trong đó gần 2/3 trường hợp còn chỉ định điều trị bằng phẫu thuật triệt để, số còn lại đã di căn xa không thể phẫu thuật mà chỉ có thể điều trị nội khoa để kéo dài sự sống.
Bác sĩ Võ Duy Long cùng ê kip phẫu thuật đang mổ nội soi điều trị ung thư dạ dày. Ảnh:TT.
Bác sĩ Long khuyến cáo ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ người bệnh dưới 40 tuổi ngày càng tăng, đặc biệt có những trường hợp dưới 30 tuổi. Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM từng tiếp nhận một nữ sinh 18 tuổi đến khám vì triệu chứng đau bụng dữ dội. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối đã di căn khắp ổ bụng nên không thể phẫu thuật điều trị triệt để. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc để kéo dài thời gian sống.
Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 33 tuổi ở Quảng Ngãi đến khám cách đây 2 năm với triệu chứng đau bụng và nôn ói suốt hơn 4 tháng. Bác sĩ nội soi phát hiện ổ loét một cm ở hang vị dạ dày. Giải phẫu bệnh cho thấy chị này bị ung thư dạ dày giai đoạn 2A và được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật nội soi. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân bình phục nhanh, hiện đã có thai ở tuần thứ 12.
Theo bác sĩ Long, tỷ lệ ung thư dạ dày ngày càng gia tăng ở Việt Nam và một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản là do chế độ ăn nhiều muối, ăn nhiều đồ muối chua, thực phẩm hun khói... Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm khuẩn helicobacter pylori, một loại vi khuẩn sống trong niêm mạc nhầy của dạ dày và một số bệnh lý như viêm dạ dày mãn tính, viêm teo dạ dày, dị sản ruột cũng làm gia tăng tỷ lệ ung thư. Bệnh cũng mang tính gia đình.
Ung thư dạ dày khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Thời gian đầu bệnh thường không gây triệu chứng gì. Đến khi ung thư đã di căn gây ra đau vùng thượng vị không điển hình không có chu kỳ, đầy bụng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhân có thể bị suy nhược toàn thân, gầy sút nhanh, buồn nôn và nôn, nôn ra máu hoặc đại tiện ra máu..
Thông thường mổ mở cắt dạ dày kèm nạo hạch lympho là phương pháp điều trị tiêu chuẩn được lựa chọn giúp cải thiện thời gian sống còn cho người bệnh. Những năm gần đây, phương pháp phẫu thuật nội soi dạ dày được áp dụng ngày càng rộng rãi mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân hơn. Đặc biệt nội soi cắt dạ dày kèm nạo hạch là một phẫu thuật khó, kỹ thuật phức tạp được thực hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1994. Đã có rất nhiều báo cáo về phẫu thuật này chứng minh hiệu quả về mặt ung thư học trong điều trị ung thư dạ dày. Nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng kỹ thuật này và ghi nhận kết quả tốt.
Bác sĩ Long cho biết, trong 2 năm gần đây đã có hơn 250 trường hợp ung thư dạ dày được phẫu thuật nội soi, chiếm hơn 50% số bệnh nhân ung thư dạ dày đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Theo dõi cho thấy hiệu quả sống còn sau phẫu thuật nội soi tương đương hoặc tốt hơn mổ mở. “Đặc biệt, với kỹ thuật cắt nối hoàn toàn trong ổ bụng bằng phẫu thuật nội soi mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh như giảm đau sau mổ, hồi phục nhanh và tính thẩm mỹ cao”.
Nguồn: vnexpress.net
Theo baonga.com
http://baonga.com/suc-khoe.nd339/ngay-cang-nhieu-nguoi-tre-bi-ung-thu-da-day.i72625.html