Những người bị bệnh nhân ho văng vi khuẩn vào mặt có nguy cơ cao lây bệnh viêm màng não do não mô cầu và phải uống ngay kháng sinh để dự phòng.
Sau 2 ngày sốt cao, đau đầu, chóng mặt, anh Nguyễn Văn Vượng (24 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội) vào Bệnh viện Bạch Mai khám sau đó được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu. Kết quả nuôi cấy dịch não tủy cho thấy bệnh nhân bị viêm màng não do não mô cầu.
“Theo các bác sĩ, rất may là tôi vào viện kịp thời, đáp ứng tốt với kháng sinh nên sức khỏe tiến triển tốt. Tôi chỉ cần nằm phòng cách ly theo dõi thêm vài ngày nữa là có thể xuất viện”, anh Vượng nói.
Hà Nội ghi nhận 2 ca viêm màng não do não mô cầu. Ảnh bệnh nhân ở Quốc Oai đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: H.A. |
Toàn bộ người nhà của bệnh nhân có tiếp xúc gần, chăm bệnh nhân hàng ngày đều đã được Bệnh viện cho uống kháng sinh dự phòng. Tuy nhiên cũng giống ca bệnh trước đó ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội; anh Vượng không rõ vì sao mình lại mắc bệnh và mắc như thế nào.
Vi khuẩn gây viêm màng não do não mô cầu là Neisseria meningtidis thường cư trú ở vùng mũi, hầu, họng. Nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) là 10-20%. Họ mang vi khuẩn nhưng không phát bệnh, vi khuẩn không vượt qua được "hàng rào" bảo vệ của cơ thể để gây bệnh.
Biểu đồ số ca mắc và tử vong do bệnh viêm não mô cầu từ năm 2011-2016, theo số liệu Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. |
Tiếp xúc thông thường người với người sẽ lây truyền qua nước bọt, dịch tiết đường hô hấp, ho, hắt hơi. Bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao vì thế phải kiểm soát, khoang vùng, xử lý ổ dịch để bệnh không lây lan rộng. Việc chẩn đoán cũng không quá khó. Với những người có biểu hiện bệnh thể viêm màng não, bác sĩ sẽ tiến hành cấy dịch não tủy để chẩn đoán. Những trường hợp nổi ban cũng có thể phân biệt được vì có ban đặc hiệu.
“Bệnh có thể chữa được nếu phát hiện sớm, có thể dùng thuốc dự phòng. Người dân cần cảnh giác, thấy sốt thì nên đến bệnh viện khám để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời", thạc sĩ Hà nói.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, những ai tiếp xúc rất gần bị bệnh nhân ho văng vi khuẩn vào mặt thì có nguy cơ cao bị lây và phải uống ngay kháng sinh dự phòng. Những người tiếp xúc khác chỉ cần theo dõi sức khỏe, khi bị sốt chữa là khỏi.
Bệnh do vi khuẩn gây nên, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn lây cũng có hiệu quả phòng bệnh. Ngoài việc thực hiện vệ sinh cá nhân, thông thoáng nơi ở và làm việc; để phòng bệnh người dân có thể tiêm văcxin, tiến sĩ Kính khuyên.
Hiện văcxin phòng não mô cầu được tiêm theo hình thức dịch vụ, với 2 loại não mô cầu nhóm A và C của Pháp và nhóm B, C của Cuba. Trong đó loại của Cuba vẫn có hàng nhưng hạn chế, văcxin của Pháp thì dự kiến đến tháng 4 mới nhập về. Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.
Theo số liệu thống kê tính từ năm 2011 tới nay, cả nước có 610 ca nhiễm bệnh. Năm có số người mắc bệnh cao nhất là năm 2011 với 272 ca. Từ năm 2012, số ca bệnh viêm não do mô cầu cũng như tử vong do bệnh đã giảm dần.
Theo VNE
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/y-te-suc-khoe/201603/vi-khuan-viem-nao-mo-cau-truyen-benh-nhu-the-nao-2670999/