Khi tôi viết mảng y tế của một tờ báo khá lớn, thông tin đường dây nóng tôi nhận được khi người ta gọi đến báo thường là sự bức xúc tố bệnh viện, bác sĩ làm sai cái này, thiếu trách nhiệm cái kia, chứ ít khi họ khen. Chúng tôi thường làm tin, đăng tải. Đôi khi "hăng máu quá đà" còn thấy vui vì mình đi chất vấn, bác sĩ cúi đầu thừa nhận sai phạm...
Rồi tôi có dịp cộng tác với một bệnh viện lớn ở Sài Gòn, kiểu làm part-time. Một lần, tôi nhận được thông báo các bác sĩ sẽ tiến hành hai ca ghép gan vào hai ngày cuối tuần. Sáng thứ 7, tôi lên phòng mổ, các bác sĩ đã có ở đó.
Vị bác sĩ phó khoa Gan-Mật-Tụy, trưởng kíp mổ, đang bận bộ đồ phòng mổ ngồi lặng lẽ ăn sáng bằng cơm hộp. Ông nhìn tôi nở nụ cười và cho biết, nửa đêm qua, khi các bác sĩ ở Hàn Quốc đáp xuống sân bay đã vội vã về ngay bệnh viện cùng các bác sĩ Việt Nam chuẩn bị cho ca mổ sáng nay. Và từ lúc đó, trong hai ngày, ở phòng mổ tôi đều thấy gương mặt lo âu, đôi mắt thâm quầng của các bác sĩ. Từ phòng mổ bước ra ngoài ăn cơm, họ vẫn không rời mắt khỏi màn hình đang trực tiếp ca mổ.
Hình ảnh chẳng lọt vào camera nào.
Ca mổ xong xuôi, một vài ngày sau, tôi vào phòng vị bác sĩ phó khoa, ông mệt mỏi ngả người trên chiếc ghế nhắm mắt suy tư. Ánh nắng ban mai chiếu qua khuôn mặt thâm quầng mắt của ông, khuôn mặt ông vốn gầy giờ như sọp lại. Ông thở dài: "Ca mổ đã xong, tương đối tốt, bệnh nhân vẫn đang được theo dõi chặt chẽ nhưng bệnh tật khó lường, đôi khi diễn biến tốt-xấu chỉ trong tích tắc". Ông không nói ra, nhưng tôi thấy sự lo lắng cho bệnh nhân còn hơn cả cho chính mình trong đôi mắt ông.
Một lần, bà cụ người Miền Tây rón rén lên khoa nọ xin cho đứa con bị bỏng của mình được về nhà chờ chết vì không đủ tiền chữa trị. Vị trưởng khoa hỏi con bà là ai? Bà cụ nói tên. Ông nói ngắn gọn: "Để cứu đã, tiền tính sau". Rồi sau đó, ông bốc máy gọi mấy nơi mạnh thường quân hay giúp đỡ để kiếm tiền ủng hộ cho bà cụ nghèo.
9h đêm, trong căn phòng nồng nặc mùi kháng sinh, một cô y tá vừa ăn vội nắm xôi đã cứng quèo vừa gọi điện về nhà dặn con gái đi ngủ sớm. "Hôm nay là ngày gì không biết, cấp cứu nhiều quá. Giờ mới được ăn tối", cô giải thích rồi nuốt vội miếng xôi cuối cùng và nhanh chóng rửa tay quay lại công việc khi một bà mẹ của một thanh niên la ó vì sao con bà chưa được ai khám?
Những hình ảnh ấy chẳng lọt vào camera nào, và họ cũng chẳng bao giờ kể ra!
Ấy vậy nhưng đôi khi:
Một ông bác sĩ cau có
Một ông bác sĩ gác chân để khám bệnh
Một cô y tá lỡ quát tháo bệnh nhân...
Lọt vào một đoạn clip, một bức ảnh, một cú điện thoại cho đường dây nóng các báo để rồi xuất hiện trên các bản tin, trên mạng xã hội. Vậy là lập tức người ta ném đá, chửi rủa, oán than, thở dài ngao ngán cả các bệnh viện ấy, cả ngành y tế, họ nói như thể bác sĩ, y tá đang đứng phía đối lập với họ. Họ kêu gọi công lý, kêu gọi tẩy chay, kêu gọi đuổi việc bác sĩ nọ, y tá kia...
27/2, nhớ về những điều này thấy đắng nghét và nghĩ : Nếu mình làm trong ngành y, chắc nước mắt lại trực trào!
Theo Trí thức trẻ
Nguồn giadinh.net.vn
http://giadinh.net.vn/y-te/buc-thu-cua-mot-phong-vien-y-te-ve-nhung-hinh-anh-chang-lot-vao-camera-nao-2016022709542051.htm