Virus Zika đang gia tăng đột biến khiến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam lo ngại. Sáng nay (16/2), tại cuộc họp báo do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, virus Zika đã ghi nhận tại 33 quốc gia trên thế giới. Từ cuối năm 2015 và đầu 2016, virus Zika có tốc độ lây lan nhanh, đặc biệt ở châu Mỹ.
Thế giới đã ghi nhận trường hợp tử vong tại một số nước như: Venezuela (3), Brazil (2), trước đó đến 19/1/2016 chưa có trường hợp tử vong nào. Mỹ cũng ghi nhận có 2 phụ nữ bị sẩy thai sau khi trở về trong tình trạng nhiễm virus Zika ở nước ngoài. Brazil xác nhận trường hợp virus Zika qua truyền máu và Mỹ xác nhận lần đầu tiên trường hợp lây nhiễm virus Zika qua đường tình dục là những thông tin mới nhất về dịch bệnh này.
Liên quan đến thông tin hóa chất Pyriproxyfen mới là nguyên nhân gây teo não ở trẻ sơ sinh chứ không phải do virus Zika gây nên khiến nhiều người lo ngại, ở một bang Brazil là một trường hợp rất cụ thể. Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: đây là vấn để mà Bộ Y tế rất quan tâm hiện nay ngoài việc điều tra về mối liên quan của nó.
Ông Long dẫn lời của đại diện CDC tại Việt Nam cho biết, hóa chất diệt muỗi được cho là nguyên nhân gây teo não đang được điều tra làm rõ. Tuy nhiên, hóa chất này đã được dùng để diệt muỗi tại Brazil trong một thời gian dài với các dịch bệnh như sốt xuất huyết và chưa có mối quan hệ rõ ràng.
Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế: Nguy cơ sinh ra trẻ em bị mắc chứng đầu nhỏ đang gia tăng. Có nhiều nguyên nhân chưa được phát hiện gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh; tuy nhiên cho đến khi có câu trả lời, phụ nữ có thể tự bảo vệ mình để tránh nhiễm virus Zika.
Hầu hết triệu chứng của bệnh do virus Zika là nhẹ tuy nhiên có thể có sự liên quan giữa việc gia tăng bất thường các trường hợp nhiễm virus Zika và các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh tại Brazil trong năm 2015
Tại Việt Nam, việc sử dụng hoá chất Pyriproxyfen được thực hiện theo khuyến cáo của WHO và được cấp phép từ năm 2010. Tuy nhiên, hóa chất này chỉ được cấp phép trên phạm vi hẹp với quy trình cấp phép đều đảm bảo. Từ năm 2012, Việt Nam mới bắt đầu nhập khẩu và đến nay là 9.500 kg, sử dụng chủ yếu trong nước thải, công trình xây dựng, không sử dụng trong nước uống. Trong khi tại Brazil sử dụng nó trong hóa chất diệt muỗi này trong nguồn nước ăn uống.
Phụ nữ đang mang thai có nên lo lắng về virus Zika?
Mới đây, WHO đưa ra một số khuyến cáo đối với phụ nữ và phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do virus Zika đang gia tăng trên thế giới.
Theo các chuyên gia y tế dự phòng, hiện nay, cách tốt nhất để phòng bệnh do virus Zika là diệt muỗi, phòng chống loăng quăng. Đối với phụ nữ mang thai cần có tư vấn từ cơ quan y tế trong trường hợp nghi nhiễm virus Zika hoặc đi du lịch trong vùng có ghi nhận virus này.
Phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai nên áp dụng các biện pháp phòng tránh muỗi truyền bệnh đốt để tự bảo vệ mình không bị nhiễm virus Zika sử dụng các biện pháp dự phòng sau đây:
- Sử dụng các thuốc xua muỗi: thuốc xua muỗi có thể được xoa lên vùng da hở hoặc bôi lên quần áo;
- Mặc quần áo có thể che phủ hầu hết bộ phận cơ thể;
- Sử dụng các màng chắn, đóng cửa để tránh muỗi bay vào trong nhà;
- Ngủ màn, kể cả thời gian ban ngày khi muỗi Aedes hoạt động;
- Phát hiện và loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản bằng cách lật úp, đổ nước trong các vật dụng không chứa nước không cần thiết và đậy kín các vật dụng chứa nước sinh hoạt hàng ngày, thường xuyên thay nước trong các lọ hoa.
Bộ Y tế sẽ mở rộng diện giám sát để chống dịch, phụ nữ từng vùng dịch về và đều được khuyến cáo lấy mẫu xét nghiệm virus Zika. Chi phí xét nghiệm dịch sẽ được miễn phí.
Ngày 15/2/2016, Viện Pasteure TP HCM đã lấy mẫu ở 8 điểm để giám sát virus Zika. Bệnh nhân có triệu chứng hay không có triệu chứng virus Zika đều làm xét nghiệm.
Điều các chuyên gia y tế quan ngại nhất là 80% bệnh nhân có virus Zika không có triệu chứng, có trường hợp triệu chứng mờ nhạt sốt 37,5 độ C, điều này rất khó chẩn đoán lâm sàng nên phải làm xét nghiệm. Việc điều trị triệu chứng chứ không thể điều trị đặc hiệu được./.