Người dân Hà Nội “sơ cứu” cho người đàn ông nước ngoài bị ngất trong phố cổ. Ảnh: Trịnh Gia Bách
Châm cứu, bấm huyệt cần có chuyên môn
Theo lời kể của một số người ở khu vực phố cổ Hà Nội, khi nhìn thấy một ông Tây bị ngất ở chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), họ đã gọi cấp cứu. Trong lúc chờ xe cấp cứu đến, một số người đã chủ động sơ cứu cho người bị nạn. Theo thông tin của một số người chứng kiến sự việc thì thật may có một cụ ông hơn 70 tuổi đi ngang qua đó và tự xưng là bác sĩ Đông y đã đến châm cứu cho người bị nạn. Cuối cùng, sau 30 phút nỗ lực cứu chữa của vị lương y và người dân, vị khách này đã tỉnh lại... Một lát sau, ông Tây này tỉnh lại và xin phép không đến bệnh viện nữa khi xe cứu thương tới. Qua tìm hiểu từ những người trong cuộc chúng tôi được biết, người cứu ông Tây là bác sĩ Lê Minh, trú tại nhà số 2A Cầu Gỗ. Bác Minh cho biết, vì là người trong nghề Y nên tôi nhìn biểu hiện và biết ông Tây này mắc phải chứng bệnh mà người Việt gọi là trúng phong á khẩu. Muốn cấp cứu, trước hết phải để tay lên đầu, bấm thật mạnh vào nhân trung. Sau đó, dùng kim châm vào 10 đầu ngón tay để máu thoát ra. Như vậy sẽ tỉnh luôn, còn nếu không chữa trị kịp thời nhẹ sẽ bị liệt, nặng hơn sẽ dẫn đến tử vong.
Trao đổi về vấn đề này, lương y Vũ Quốc Trung – Phòng Chẩn trị y học cổ truyền chùa Cảm Ứng (Hà Nội) cho biết, từ lâu trong Đông y có áp dụng phương pháp xử trí bằng chích máu và có hiệu quả trong một số trường hợp. Khi thấy người bị ngất, nếu xác định được là do đột quỵ - tai biến mạch máu não thì châm sẽ không sao. Tuy nhiên, với những nguyên nhân khác như ngất do say nắng, động kinh, biện pháp này không hiệu quả. Hơn nữa, cách cấp cứu bằng cách châm 10 ngón tay chỉ phù hợp với những người bị tai biến mạch máu não nhẹ, hoàn toàn không mang lại bất cứ tác dụng gì cho người bị tai biến mạch máu não nặng. Bởi 10 đầu ngón tay là vị trí của Thập tuyền huyệt, nơi tập trung nhiều đầu dây thần kinh nhạy cảm. Nguyên nhân của đột quỵ là do huyết áp tăng, khi châm vào máu chảy ra làm huyết áp giảm, máu thông. “Trong thời điểm chờ đợi xe cấp cứu và xử lý bằng các biện pháp hiện đại, có thể “thử” vận may với phương pháp kim châm, theo kiểu còn nước còn tát. Lưu ý, khi châm dễ nhiễm trùng nên cần phải khử trùng dụng cụ, vị trí châm sát trùng”, lương y Vũ Quốc Trung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, lương y Vũ Quốc Trung cũng lưu ý bên cạnh chích lể, bệnh nhân vẫn cần được điều trị tích cực bằng y học hiện đại. “Nếu không phải là người có chuyên môn, không xác định được nguyên do ngất của bệnh nhân thì không nên tự ý điều trị bằng các phương pháp như bấm huyệt, châm cứu... Nó sẽ làm tình trạng trầm trọng thêm. Đối với người bị tai biến mạch máu não, thời gian là vàng. Mạch máu đông hoặc vỡ phải được xử lý thật nhanh để đề phòng các biến chứng như liệt toàn thân, bại não...”, lương y Vũ Quốc Trung cho biết thêm.
Với góc nhìn theo y học hiện đại, một số chuyên gia y tế cho rằng, phương pháp chích máu ở 10 đầu ngón tay mà người dân áp dụng cứu sống người đàn ông ngoại quốc trên đây vẫn chưa có cơ sở khoa học. ThS.BS Lương Quốc Chính – Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) đặt ra nhiều giả thiết trong trường hợp của người đàn ông ngoại quốc được châm cứu này: “Không phải vì chích máu đầu ngón tay thì bệnh nhân mới tỉnh dậy. Đây chỉ là diễn biến bình thường của một cơn động kinh. Bệnh nhân có thể bị nhiều lần từ trước nên họ bình tĩnh. Sau khi tỉnh lại, bệnh nhân đã tự đi, không cần can thiệp của y tế. Hoặc hiện tượng ngất xảy ra khi tập luyện, hồi hộp trống ngực hoặc các bất thường của tim, bệnh nhân có tiền sử ngất tái phát. Ngoài ra, có thể là cơn thiếu máu não thoáng qua hay “đột quỵ cảnh báo”. Hầu hết cơn thiếu máu não thoáng qua kéo dài ít hơn 5 phút, trung bình là khoảng 1 phút. Khi cơn thiếu máu não thoáng qua kết thúc thường không để lại tổn thương vĩnh viễn nào đối với não”.
Cũng theo ThS.BS Lương Quốc Chính, diễn biến bình thường của cơn động kinh là ngất, co quắp chân tay hoặc không co giật, bệnh nhân sẽ tự tỉnh dậy. Người sơ cứu cần cố gắng đặt bệnh nhân nằm nghiêng, không cho bệnh nhân bị sặc vào phổi. Bệnh nhân khi tỉnh lại cần phải đi khám bác sĩ hoặc tới khoa cấp cứu để kiểm tra, loại trừ tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Cứu người là trách nhiệm
Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng Luật sư Interla (Hà Nội) cho rằng, trường hợp người đàn ông ngoại quốc được người dân xúm lại cứu là rất may mắn. Thực tế, nhiều người có tâm lý e ngại gặp rắc rối nên dửng dưng trước sự nguy hiểm của người khác. Nhìn ở góc độ đạo đức, xã hội, thái độ ấy đáng lên án. Thái độ bỏ mặc người bị nạn trên đường không chỉ là vô nhân đạo mà còn phạm luật. Điều 102 Bộ Luật Hình sự quy định: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Tuy nhiên, luật sư Trương Quốc Hòe cũng cho rằng, để xử lý người phạm tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn phải xem xét các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người.
“Mọi người đừng vì sợ gặp rắc rối mà cực đoan không cứu giúp người khác. Thấy người bị nạn mà cứu giúp là mình đã làm đúng trách nhiệm. Trong trường hợp, khi cấp cứu mà không may phương pháp đó gây hậu quả chết người, trước hết cơ quan chức năng sẽ giám định nguyên nhân chết do đâu. Nếu lỗi do cứu người thì hành vi đó không vi phạm pháp luật. Hơn nữa, cũng khó chứng minh được lỗi của người có hành vi cấp cứu”, luật sư Trương Quốc Hòe cho biết.
Cách sơ cứu chuẩn khi gặp người bị ngất
Khi đứng trước một nạn nhân mất ý thức, điều đầu tiên cần làm là ít nhất phải đảm bảo an toàn về đường thở, hô hấp và tuần hoàn cho nạn nhân như: Tư thế nằm nghiêng an toàn với đầu cao (nếu huyết áp bình thường) hoặc đầu thấp (nếu tụt huyết áp). Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, trọng lực làm hàm rơi ra phía sau, lưỡi bị tụt xuống và làm lấp tắc đường thở. Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa, người bệnh dễ hít phải các chất nôn vào phổi, gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp rất nguy hiểm. Khi đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên, các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.
Sau đó nhanh chóng gọi xe cấp cứu số 115 hoặc số dịch vụ y tế cấp cứu tại địa phương, tiến hành sơ cứu đúng cách nếu có thể. Trong khi chờ xe cấp cứu tới, không nên cố gắng áp dụng các biện pháp sơ cứu không có cơ sở khoa học, mà đôi khi chính các biện pháp này lại có hại đối với nạn nhân. Đối với bệnh nhân bị đột quỵ, điều trị càng sớm, càng làm giảm thiểu được các tổn thương não. Việc điều trị phải được bắt đầu trong vòng 1 - 2 giờ đầu sau đột quỵ nếu máu đông gây tắc mạch não.
ThS.BS Lương Quốc Chính
Thuận Trần/Báo Gia đình & Xã hội
Nguồn giadinh.net.vn
http://giadinh.net.vn/song-khoe/sau-vu-chich-mau-cuu-song-ong-tay-khong-phai-truong-hop-nao-cung-co-the-cham-cuu-2015111109070663.htm