Sự việc cán bộ tiêm chủng tại điểm tiêm Trường mầm non Sao Mai (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) tiêm nhầm nước cất thay vì vaccine cho 60 trẻ vừa qua khiến người dân bức xúc, lo lắng. Phóng viên đã phỏng vấn ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM về vấn đề này.
Ngành y tế cần tập trung phòng ngừa sai sót trong tiêm chủng
- Theo bà sự việc có phải do trình độ chuyên môn kém?
- Tiêm nhầm nước cất không những 1 mà đến 60 trường hợp một lúc như vậy là không thể chấp nhận được. Tôi không hiểu nhân viên y tế làm việc thế nào mà lại nhầm lẫn như thế. Cần làm rõ nhân viên y tế đã đảm bảo đúng quy trình chưa? Phải xử lý nghiêm sai phạm này.
- Bà đánh giá thế nào về quy trình tiêm chủng hiện nay?
- Là người trong ngành y tế, tôi khẳng định quy trình tiêm chủng được siết rất chặt. Tất cả các nhân viên y tế khi tham gia quá trình này phải trải qua đầy đủ các khóa đào tạo, huấn luyện cần thiết. Quy trình thì chặt, nhưng thực hiện vẫn là con người. Vì vậy, chúng ta vẫn phải chú trọng công tác giám sát... Cán bộ, nhân viên ngành y tế phải cẩn thận, làm đúng quy trình hơn nữa. Bên cạnh đó, phải tính đến điều kiện khách quan. Một ngày, mỗi nhân viên y tế phải tiêm bao nhiêu trường hợp, cơ sở vật chất có đảm bảo không, có bị quá tải không? Tất cả đều là con người, sai sót có thể xảy ra. Kỷ luật chỉ là biện pháp phần ngọn, vấn đề là làm sao phòng ngừa được sai sót. Cần tạo điều kiện làm việc tốt nhất, giảm căng thẳng cho nhân viên, cán bộ y tế.
- Cần những biện pháp nào để hạn chế sai sót trong tiêm chủng?
- Ngoài vấn đề kỹ thuật, còn phải xem chất lượng vaccine. Phải công khai quy trình kiểm nghiệm, tăng cường tuyên truyền để người dân yên tâm. Những năm gần đây, có hiện tượng người dân quay lưng với Chương trình quốc gia về tiêm chủng, vì lo lắng tai biến xảy ra. Các chuyên gia cần đánh giá các sai sót đó ở mức nào, nguyên nhân và tìm cách khắc phục để tránh tình trạng người dân đổ xô đi tiêm dịch vụ dẫn đến khan hiếm thuốc, vaccine. Tôi khẳng định tiêm dịch vụ cũng không thể tránh được rủi ro.