QĐND – Ấn Độ đã quyết định sẽ không tổ chức Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Ấn Độ-châu Phi vào đầu tháng 12 tới tại Niu Đê-li (New Delhi) do lo ngại về dịch Ê-bô-la. Nhiều quốc gia khác cũng gấp rút tăng cường biện pháp y tế trong bối cảnh vi-rút Ê-bô-la ngày càng có chiều hướng bùng phát trên diện rộng.
Tờ The Sunday Express dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng, quyết định không tổ chức Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Ấn Độ-châu Phi theo lịch trình vào tháng 12 đã được xem xét thận trọng, do những khó khăn về hậu cần trong bối cảnh dịch Ê-bô-la bùng phát tại một số khu vực châu Phi. Người phát ngôn này cho biết, tình hình hiện nay và những chỉ đạo về y tế không cho phép chính phủ Ấn Độ tổ chức hội nghị lớn như vậy. Dự kiến, Ấn Độ sẽ trao đổi với Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) để tổ chức hội nghị vào năm 2015.
Được biết, đây là lần đầu tiên Ấn Độ dự định mời tất cả những người đứng đầu 54 nước châu Phi tham gia Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Ấn Độ-châu Phi. Tuy nhiên, mối lo về dịch Ê-bô-la đã khiến hội nghị quan trọng này không thể diễn ra như dự kiến. Ấn Độ cũng cam kết đóng góp 10 triệu USD cho Quỹ Chống Ê-bô-la của Liên hợp quốc (LHQ), đóng góp thêm 2 triệu USD để mua thiết bị bảo hộ và 500.000USD hỗ trợ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối phó với sự bùng phát của Ê-bô-la.
|
Nhân viên y tế thăm khám một bé trai tại Trung tâm những người bị nghi nhiễm Ê-bô-la ở Môn-rô-vi-a, Li-bê-ri-a. Ảnh: Getty Images.
|
Những thông tin xuất hiện gần đây khiến cộng đồng quốc tế tỏ ra lo ngại rằng, nguy cơ dịch Ê-bô-la sẽ vượt qua biên giới các nước châu Phi và bùng phát trên diện rộng. Theo AP, 41 nhân viên, trong đó có 20 quân nhân thuộc Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại Li-bê-ri-a hiện đã bị cách ly sau khi một nhân viên y tế của phái bộ này bị chẩn đoán nhiễm vi-rút Ê-bô-la. Đây cũng là nhân viên thứ hai của phái bộ có kết quả dương tính với Ê-bô-la. Nhân viên đầu tiên đã tử vong vào cuối tháng 9 vừa qua.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 11-10, Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại Li-bê-ri-a cho biết, 41 người nói trên có thể đã tiếp xúc với một nhân viên của đội y tế bị nhiễm bệnh. Mặc dù hiện tại chưa có ai trong số các nhân viên này xuất hiện các triệu chứng của bệnh Ê-bô-la, song họ sẽ được theo dõi chặt chẽ trong 21 ngày, là thời kỳ ủ bệnh tối đa của vi-rút Ê-bô-la. Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại Li-bê-ri-a khẳng định, đây là biện pháp phòng ngừa để bảo đảm dịch bệnh sẽ không lan rộng.
Trong khi đó, quá trình điều trị một nữ y tá của Tây Ban Nha bị nhiễm Ê-bô-la đã ghi nhận những tiến triển. Sức khỏe của nữ y tá này hiện đã ổn định và 3 người được cho là có tiếp xúc với cô cũng được đưa vào diện theo dõi đặc biệt.
Tính đến nay, số người tử vong vì dịch Ê-bô-la đã lên tới hơn 4000 người. Lo ngại dịch bệnh sẽ ngày càng lan rộng, nhiều nước trên thế giới đang gấp rút tăng cường biện pháp y tế ở các khu vực như sân bay, cửa khẩu. Tại sân bay quốc tế lớn nhất ở Niu Y-oóc (Mỹ), nhà chức trách đã cho lắp đặt một máy soi kiểm tra sức khỏe hành khách, đặc biệt đối với những người đến từ khu vực Tây Phi. Riêng những hành khách và phi hành đoàn trở về từ 3 nước nằm ở tâm vùng dịch là Li-bê-ri-a, Xi-ê-ra Lê-ôn và Ghi-nê buộc phải cách ly để đo thân nhiệt và kiểm tra. Máy soi dự kiến cũng sẽ được lắp đặt tại 4 sân bay lớn khác của Mỹ để theo dõi hành khách.
Ngoài ra, các sân bay lớn tại Anh và các nước ở khu vực Mỹ La-tinh như Pê-ru, U-ru-goay cũng triển khai các biện pháp kiểm tra y tế nhanh để kiểm tra hành khách đến từ các nước châu Phi và những người bị nghi nhiễm vi-rút Ê-bô-la.
Theo AFP, trong một thông tin liên quan, Bộ trưởng Y tế Nga Vê-rô-ni-ca Xcvốt-xô-va (Veronika Skvortsova) cho biết, nước này đang điều chế ba loại vắc-xin phòng ngừa Ê-bô-la và dự kiến sẽ sản xuất quy mô lớn trong vòng 6 tháng tới. Bà V. Xcvốt-xô-va khẳng định, một trong ba loại vắc-xin nói trên đã sẵn sàng cho thử nghiệm lâm sàng.
Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị hay vắc-xin được cấp phép cho dịch Ê-bô-la, nhưng nhiều nước vẫn đang nỗ lực phát triển các loại vắc-xin để đối phó với loại vi-rút chết người này.
ANH VŨ
Nguồn QDND.VN
|