Bệnh sốt xuất huyết nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong
Theo chu kỳ của dịch bệnh, năm 2014, dịch sốt xuất huyết (SXH) có nguy cơ bùng phát như thời điểm năm 2009. Giới chuyên môn lo ngại bệnh sẽ ngày càng diễn biến phức tạp.
“Bệnh đô thị”
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng dù hiện nay số ca mắc, tử vong vì SXH không cao như cùng kỳ năm ngoái nhưng diễn biến của SXH còn phức tạp. Tháng 5 là thời điểm bước vào mùa mưa, rất thuận lợi cho SXH lây lan và bùng phát thành dịch. Hơn nữa, SXH bùng phát theo chu kỳ, cứ khoảng 3-5 năm bệnh lại xuất hiện nên năm 2014 cũng được dự báo dịch sẽ quay trở lại với số ca mắc tăng cao.
Theo ông Phu, trong tuần qua, cả nước ghi nhận 272 trường hợp mắc SXH tại 32 tỉnh, thành phố; không ghi nhận trường hợp tử vong. So với tuần trước, số ca mắc tăng 4,2%. Các địa phương có số mắc và tử vong cao trong tuần là TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tính chung từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận 8.684 trường hợp mắc tại 40 tỉnh, thành phố; trong đó, 5 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Dương, TP HCM, Cà Mau, Bình Phước. Trung bình một năm, cả nước có 50.000 ca SXH, khoảng 40 bệnh nhân tử vong, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Đây là những nơi có mật độ dân số cao, mức độ đô thị hóa cao, môi trường sống với nhiều nước đọng là điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi, phát triển và truyền bệnh.
Ông Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, cho biết SXH hiện nay đang được coi là bệnh đô thị. “Nếu trước kia môi trường để muỗi sinh sôi là ao hồ, đặc biệt là vùng nước tù đọng thì loài muỗi SXH này lại sinh sôi ở vùng có nguồn nước sạch, chủ yếu là tại thành phố, đô thị và vùng có bể chứa nước mưa, nước điều hòa, trong những túi ni-lông, vỏ lon bia vứt bừa bãi, lọ hoa cảnh, bồn rửa bát trong các hộ gia đình, khu chung cư...” - ông Dương nói.
Nhân viên y tế phun hóa chất tại một căn hộ chung cư ở Hà Nội có bệnh nhân sốt xuất huyết
Muỗi tăng độc lực, kháng hóa chất?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết trên thực tế các bệnh nhân nhập viện đều nhiễm cả 4 type gây bệnh SXH là D1, D2, D3, D4. Đáng lo ngại là virus gây bệnh SXH không có miễn dịch chéo nên người đã mắc SXH vẫn có thể mắc lại. Điều nguy hiểm nữa là nếu mắc type 1 rồi thì cơ thể sản sinh ra một loại kháng thể, khi người bệnh mắc type 2 thì kháng thể đó lại làm tăng độc lực, gây sốc dẫn đến tử vong nhanh. Vì thế, những người bị mắc SXH lần 2, lần 3 thì phải đến bệnh viện ngay, nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Cũng theo bác sĩ Cấp, thông thường SXH có quá trình diễn biến trong 7 ngày với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ, đau nhức hốc mắt, mệt mỏi, phát ban, có xuất huyết trên da, chảy máu cam và chảy máu chân răng. Tuy nhiên trong vòng 3 ngày đầu, bệnh rất khó chẩn đoán chính xác, thậm chí có thể nhầm với các bệnh sốt do virus khác. Bệnh SXH có đặc điểm sau thời điểm ngưng sốt mới xuất hiện biến chứng tụt huyết áp, sốc, giảm tiểu cầu… nên càng phải được theo dõi chặt chẽ.
Hiện nay, việc tiêu diệt muỗi khá khó khăn do xuất hiện nhiều loại muỗi kháng thuốc. Theo ông Dương, kết quả thử tính kháng hóa chất của muỗi truyền bệnh SXH Dengue tại nhiều địa phương đã phát hiện muỗi kháng 2/3 hóa chất vẫn sử dụng có tác dụng diệt muỗi. “Nghiên cứu mới đây cho thấy mức độ kháng hóa chất của muỗi ngày càng mạnh mẽ, rải khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Aedes aegypti đã kháng với các hóa chất đang được sử dụng rộng rãi là Deltamethrin và Permethrin. Điều này dẫn đến mầm bệnh không dễ bị tiêu diệt và số người mắc SXH khó giảm” - ông Dương lo ngại.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân tùy tiện tìm cách diệt muỗi bằng các loại hóa chất được quảng cáo trên thị trường. Theo ông Trần Đắc Phu, Bộ Y tế có quy định việc chọn hóa chất phun diệt muỗi phải theo tỉ lệ nhất định thì mới bảo đảm diệt muỗi hiệu quả nhưng không phải gia đình hay công ty nào cũng thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
TP HCM: Nhiều loại dịch bệnh gia tăng
Ngày 15-5, đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến dẫn đầu đã có buổi thị sát kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh tại TP HCM. Bảng thống kê so sánh cùng kỳ năm ngoái do Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM đưa ra cho thấy số ca mắc bệnh truyền nhiễm nhập viện tại TP tăng nhanh.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, tính đến tuần thứ 19, bệnh truyền nhiễm đã xuất hiện ở cả 24 quận, huyện nhưng chủ yếu tập trung ở quận 8, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh… Từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận hơn 2.900 ca mắc SXH, tăng 30% so với cùng kỳ, trong đó 3 trường hợp tử vong và dự báo sẽ tăng mạnh trong tháng tới khi mùa mưa bắt đầu. Bệnh tay chân miệng cũng tăng hơn 28% so cùng kỳ với gần 3.400 ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay. Đáng lưu ý, có nhiều loại dịch bệnh tăng rất cao với tỉ lệ từ gần 250% đến hơn 1.200% như thủy đậu, cúm. Bác sĩ Dũng kiến nghị y tế dự phòng tại TP gặp khó khăn nên cần phải tăng thêm biên chế cho trạm y tế phường, xã; chế độ cho nhân viên phòng chống dịch, cung ứng nguồn vắc-xin.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh của TP, chẳng hạn số ca bệnh sởi dù có tỉ lệ biến chứng cao nhưng không có tử vong. Ông lưu ý bệnh sởi đang giảm nhưng phải cảnh giác các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như SXH, viêm não. Theo ông, công tác truyền thông phòng bệnh chưa sâu sát đến người dân. Chia sẻ với khó khăn về nhân lực của ngành y tế dự phòng TP, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng cần có thời gian bố trí nhân lực theo yêu cầu, trước mắt phải linh hoạt điều động và tăng cường cho phù hợp.
Ng.Thạnh
|
Máy diệt muỗi không có tác dụng
Giới chuyên môn khuyến cáo hiện chưa có bất kỳ một loại máy chuyên dụng nào có thể diệt muỗi triệt để. Các loại máy diệt muỗi được quảng cáo bày bán trên thị trường hiện nay thực chất chỉ có tác dụng đuổi muỗi, cản muỗi, dụ hoặc thu hút muỗi về phía ánh sáng đèn do muỗi là vật thích hướng quang, ánh sáng. Trong khi đó, các thiết bị sử dụng sóng điện từ được quảng cáo có tác dụng đuổi muỗi có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh của người, đặc biệt là với trẻ em, phụ nữ có thai.
|
Bài, ảnh: Ngọc Dung / nld
|