Trong những tháng đầu năm nay, tỷ lệ trẻ em bị mắ bệnh sởi tăng cao một cách đột biến. Để đối phó với bệnh sởi chúng ta cần nắm chắc kiến thức cơ bản để có cách xử lý kịp thời, an toàn cho sức khỏe của trẻ nhỏ và người thân.
Cách nhận biết bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra và dễ bùng phát thành dịch, thường gặp ở trẻ em. Trẻ em dưới 6 tháng tuổi ít khi mắc sởi vì đang có kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai. Sau đó kháng thể của mẹ ở trẻ sẽ giảm dần khi trẻ lớn. Đây là lý do tiêm chủng phòng sởi thường được thực hiện trước 12 tháng.
Các biểu hiện đặc trưng của sởi bao gồm viêm ở kết mạc mắt, niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, sau đó phát ban đặc hiệu ngoài da, thường để lại nhiều biến chứng nặng cho trẻ em nếu không được điều trị kịp thời. Sau khi tiếp xúc với mầm bệnh, người bệnh thường trải qua giai đoạn ủ bệnh kéo dài từ 10-12 ngày mà không hề có biến chứng. Tiếp theo đó là giai đoạn đặc trưng bởi sốt mức độ nhẹ đến vừa, ho khan, chảy nước mũi, viêm kết mạc mắt.
Phát ban là giai đoạn điển hình nhất của bệnh sởi với triệu chứng phát ban tuần tự trên da. Ban thường xuất hiện đầu tiên ở vùng chân tóc phía sau tai, sau đó xuất hiện ở mặt và lan dần xuống phía dưới trong vòng 24 - 48 giờ. Ban sởi là những ban dạng dát - sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung và không đau, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ.
Phòng bệnh sởi như thế nào
Các biến chứng thường gặp là viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não, cam tẩu mã, viêm ruột kéo dài dẫn đến tình trạng tiêu chảy liên tục, loét giác mạc, suy dinh dưỡng. Tiến sĩ Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, năm nay sởi có diễn biến rất đặc biệt, biến chứng viêm phổi rất nặng nề. Dù đã điều trị tăng cường miễn dịch, dùng kháng sinh ngay từ đầu nhưng tình trạng bệnh của trẻ vẫn rất nặng.
Khi phát hiện có trẻ mắc sởi, cần cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành. Hiện nay có vaccine sởi - quai bị - rubella tiêm phòng cho trẻ mũi đầu khi trẻ được 9 tháng tuổi, mũi thứ hai lúc trẻ lên 4 - 6 tuổi được coi là cách phòng bệnh hữu hiệu nhất.
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả người dân cần thực hiện tốt:
- Vệ sinh cá nhân: Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh; Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh; Che miệng khi ho, hắt hơi.
- Vệ sinh môi trường: Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, khi bị bệnh sởi bệnh nhân nên kiêng các loại thức ăn chứa protein gây dị ứng như kiêng dùng các loại thủy sản, cá rô, cá chép, cá hoa vàng, cua, tôm càng, tôm nõn, cá diếc, sò, nghêu, các loại thịt dê, thịt chó, thịt gà, vịt, ngựa, lừa, các loại côn trùng như chấu chấu, kén nhộng, các loại rau kích thích như ớt, rau thơm, các thứ gia vị thơm cay như hoa hồi, bột hạt cải… Ngoài ra, nên kiêng gió, kiêng bẩn, cách ly trẻ, cho trẻ ở phòng thoáng, sáng, tránh gió lùa. Lau người cho trẻ hàng ngày bằng khăn sạch, mềm. Thường xuyên rửa mặt, lau mồm cho bé, thay ga, đệm, quần áo để đảm bảo giữ vệ sinh cho trẻ.
Theo ANTĐ
|