Các thuốc hiện nay đều chưa thể tiêu diệt được toàn bộ vi rút HIV
Những “tàn dư” của đội quân HIV có thể “lẩn trốn” trong các tế bào miễn dịch của cơ thể và những “ổ chứa tiềm tàng” này lớn gấp 60 lần ước tính trước đây, theo một nghiên cứu mới trên tạp chí Cell.
Phát hiện này dựa trên những thí nghiệm trong suốt 3 năm, giải thích tại sao vi rút gây suy giảm miễn dịch này thường tạo ra những đợt “phản công” và có thể dẫn tới bùng phát bệnh AIDS nếu người bị nhiễm ngừng dùng thuốc.
“Kết quả của chúng tôi cho thấy việc tìm ra cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh HIV là khó khăn hơn nhiều so với những gì chúng ta đã từng nghĩ và hy vọng”, Robert Siliciano, nhà nghiên cứu chính và là giáo sư tại Trường Y Đại học Johns Hopkins phát biểu.
Năm 1995, Siliciano là người đầu tiên chứng minh sự hiện diện của các ổ chứa HIV “nằm ngủ” trong tế bào miễn dịch.
Có 213 pro - vi rút, hay “tàn dư” HIV, trú ngụ trong các tế bào và mô ở khắp cơ thể ngay cả khi không phát hiện thấy HIV trong máu. Nghiên cứu mới nhất cho thấy 25 trong số này (12%) có thể tự hoạt hóa, sao chép chất liệu di truyền và nhiễm vào các tế bào khác.
Điều này gây ngạc nhiên cho các nhà khoa học, vì những pro - vi rút này trước đây được cho là bị khiếm khuyết và do đó không đóng vai trò gì trong tái phát bệnh.
Nghiên cứu thấy rằng tần suất trung bình của các pro - vi rút này “cao gấp ít nhất 60 lần” vi rút tiềm tàng nguy hiểm mà các nhà khoa học đã biết tới. Tất cả những pro - vi rút này đều cần phải được quét sạch hoàn toàn nếu muốn chữa khỏi bệnh. Điều cần thiết giờ đây là những thuốc đặc trị nhằm vào chúng.
Hơn 34 triệu người trên thế giới đang bị nhiễm HIV. Trong 3 thập kỷ qua đại dịch này đã giết chết khoảng 1,8 triệu người mỗi năm.
“Mặc dù có thể chữa khỏi nhiễm HIV trong một số trường hợp rất đặc biệt, song việc loại trừ hoàn toàn những ổ chữa tiềm tàng là một vấn đề rất lớn và chưa rõ phải mất bao lâu nữa khoa học mới tìm ra cách để làm được điều này”, Siliciano nói.
Thế giới đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm HIV được mô tả là thuyên giảm hoặc có lẽ đã khỏi HIV, nhưng số ca như vậy rất hiếm.
Nổi tiếng nhất trong số này là Timothy Brown – một người Mỹ được biết với tên “bệnh nhân Berlin” – đã hết vi rút HIV sau ca ghép tủy xương chữa bệnh bạch cầu.
Một trường hợp nữa là một bé gái bị nhiễm HIV từ trong bụng mẹ và được dùng thuốc chống virút ngay từ khi chào đời đến 18 tháng tuổi. Lúc đó mẹ bé đã thôi không đưa bé đi khám bác sỹ và cũng không cho bé dùng thuốc nữa. Nghiên cứu mới đây cho thấy bé gái hiện đã 3 tuổi này còn có dấu vết của HIV trong máu mặc dù đã không điều trị 18 tháng.
|
Cẩm Tú
Theo channelnewsasia