Vụ ngộ độc cá nóc vừa xảy ra hôm 25/1/2013 tại Phan Thiết, Bình Thuận do sử dụng cá nóc khô làm 11 người ngộ độc, 1 trường hợp tử vong cho thấy, người dân vẫn có thói quen sử dụng cá nóc, bất chấp độc tố nguy hiểm từ loài cá này.
Ăn cá nóc rất dễ bị ngộ độc. Mới nhất có 11 trường hợp bị ngộ độc, 1 trường hợp tử vong vì ăn cá nóc tại Bình Thuận.
Trước đó, trong quý IV năm 2012 cũng xảy ra ba ca ngộ độc cá nóc dẫn đến tử vong cả ba trường hợp. Trước tập quán, thói quen ăn cá nóc của người dân gây nguy cơ ngộ độc cao, Cục An toàn thực phẩm vừa ban hành công văn đề nghị các Sở Y tế, Chi Cục An toàn thực phẩm tỉnh/thành phố, đặc biệt là các tỉnh/thành phố ven biển tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm do sử dụng cá nóc trên địa bàn.
Cục an toàn thực phẩm cho biết, người dân ăn phải thịt cá bị nhiễm độc tố cá nóc sẽ có nguy cơ bị ngộ độc. Bởi trong cá nóc, độc tố có tên là Tetrodotoxin tập trung nhiều ở gan, thận, tuỵ, cơ quan sinh sản (Buồng trứng, túi tinh), mắt, mang, da, máu. Khi đánh bắt, chế biến hoặc để cá ươn, dập nát, độc tố từ các cơ quan này ngấm vào thịt cá sẽ gây độc khi dùng.
Độc tố cá nóc rất độc, chỉ cần 4mg thịt cá có độc tố đã giết chết 1 con thỏ 1kg. Với người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người. Hơn nữa, độc tính của độc tố tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá (từ tháng 2 đến tháng 7) nên nguy cơ ngộ độc càng tăng ở thời điểm này.
Trong khi đó, độc tố của cá nóc có tính bền vững cao, không bị tiêu hủy khi đun sôi ở nhiệt độ thông thường, ăn cá nóc chứa độc tố nấu chín vẫn có thể xảy ra ngộ độc, do độc tố chưa bị phá huỷ hết.
Biểu hiện của ngộ độc cá nóc rất nhanh, său ăn một vài giờ (có người chỉ một vài phút sau ăn), người bệnh xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; môi, lưỡi tê, khó chịu. Tiếp theo thấy mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, mặt ủng đỏ, đau bụng, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu. Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm. Vì thế, ngay khi có dấu hiệu ngộ độc, cần phải đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu nhanh nhất.
Để phòng ngừa ngộ độc cá nóc, Cục an toàn thực phẩm khuyến cáo: Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là không ăn cá nóc. Cần loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt tại bến cá, loại bỏ cá nóc lẫn cá thường khi phơi khô để tránh nguy cơ cá nóc ươn, dập nát độc tố từ nội tạng cá nóc thấm ra thịt rồi thấm vào các loại cá khác. Không ăn cá nóc tươi và các sản phẩm chế biến từ cá nóc. Khi nghi ngờ ăn phải cá nóc và xuất hiện dấu hiệu ngứa họng, tê môi, tê lưỡi, tê bàn tay thì gây nôn ngay bằng ngoáy thành sau họng, uống thuốc giải độc (than hoạt và Sorbitol), đồng thời phải đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.