(Baonghean.vn) - Đã bao đời, các điệu suối, lăm, nhuôn… là nét văn hóa dân gian không thể thiếu trong đời sống đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An. Nhưng ngày nay, các loại hình nghệ thuật độc đáo này đang có nguy cơ mai một.
Lên miền Tây xứ Nghệ bây giờ rất khó để tìm thấy được một bản làng nào còn giữ nguyên nét văn hóa đặc trưng từ kiến trúc, lối sống mang đậm bản sắc dân tộc Thái như ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Hoa Tiến được coi là bản “Thái cổ”, nhưng ngay cả ở bản “Thái cổ” này, nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống cũng không còn được như xưa, tất cả đang có nguy cơ mai một dần theo năm tháng.
Bản Hoa Tiến 1 và 2 có hơn 330 hộ, chủ yếu làm nông, mấy năm trở lại đây nhờ phục hồi nghề dệt thổ cẩm truyền thống mà cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều. Cuộc sống khá giả hơn, người dân có điều kiện hưởng thụ các loại hình văn hóa phong phú đa dạng khác. Còn các loại hình nghệ thuật truyền thống như các điệu hát suối, lăm, nhuôn… lại nhanh chóng bị lãng quên, đứng trước nguy cơ thất truyền. Trưởng bản Sầm Văn Duẩn cho biết, trong bản chỉ còn mấy người già là còn nhớ, hát được suối, lăm, nhuôn… chứ các thế hệ trẻ sau này chẳng mấy ai biết. Thậm chí anh Duẩn cũng chỉ hát “lỏm bỏm” được mấy câu hát nhuôn (làn điệu dân ca Thái).
Cụ Sầm Thị Duyệt (85 tuổi) tuổi nhớ lại: “Ngày xưa, trong các dịp mừng thọ, làm nhà hay cúng ông bà tổ tiên, người Thái đều sử dụng dân ca truyền thống để hát. Thậm chí trong lúc đi làm ruộng, các đôi nam nữ cũng sử dụng hát suối để đối đáp qua lại. Nội dung các bài suối gắn với từng hoạt động cụ thể, thường đặt tên như: suối tỏ tình…
Già làng Sầm Văn Dần (66 tuổi) là người hiếm hoi trong bản còn nhớ được nhiều các điệu dân ca truyền thống và đã nhiều lần được đi biểu diễn ở Liên hoan tiếng hát Làng Sen. Ông cho biết: Văn hóa người Thái rất đa dạng, phong phú, các làn điệu dân ca phỏng theo cuộc sống lao động sản xuất của bà con nông dân hay theo các tích trong truyền thuyết dân tộc. Trong đó phổ biến có hát suối (truyện thơ), nhuôn (các làn điệu dân ca), hắp lai (truyện thơ được hát theo các tích trong truyền thuyết cổ của người Thái) và lăm (múa truyền thống trong những ngày hội). Tất cả tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Thái trước đây.
Già làng Sầm Văn Dần (ngồi giữa) hát tặng chúng tôi bài suối tỏ tình bên bếp lửa nhà sàn bập bùng.
Già Dần cao hứng hát tặng chúng tôi một đoạn trong bài suối tỏ tình: “…Anh thấy em nhưng chưa kịp chào / Anh thấy bông hoa đẹp giữa nhà / Hai ta mỗi người mỗi ngả / Uống rượu mà chưa khi nào uống chung…”. Những giai điệu dân ca mượt mà, đằm thắm đã theo ông Dần đi qua biết bao bản làng, làm mê đắm biết bao trái tim của thiếu nữ Thái. “Ngày xưa thanh niên phải biết hát suối, nhuôn… mới được các cô gái để ý. Tui cũng tỏ tỉnh với vợ tui bằng bài suối tỏ tình đó, vừa tình cảm, vừa ý nhị”, già cho biết.
Nói về tình trạng mai một của các điệu dân ca Thái hiện nay, già Dần tỏ ra tiếc nuối một thời vàng son đã qua. Ông lo lắng: “Nếu không được bảo tồn, gìn giữ thì nguy cơ mai một là có thật. Bởi, đa số các cụ còn nhớ, còn hát được đều đã già. Chuyện thất truyền rất dễ xảy ra nếu không có các biện pháp giữ gìn các làn điệu đó ngay từ bây giờ”.
Trong một nỗ lực nhằm bảo vệ, giữ gìn những làn điệu truyền thống này, Đảng ủy xã Châu Tiến đã đưa việc giữ gìn làn điệu dân ca truyền thống vào Nghị quyết Đảng ủy xã và thành lập Ban chỉ đạo về vấn đề này. “Chúng tôi lồng ghép việc đào tạo hát suối, nhuôn… vào trong các hoạt động của đoàn viên thanh niên. Hy vọng thông qua các buổi sinh hoạt, có nhiều thanh niên biết hát và say mê hát các làn điệu truyền thống của tổ tiên mình”, ông Lư Văn Nhị, Phó Chủ tịch xã Châu Tiến cho biết./.
Thành Duy
|