Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 08/05/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Ký ức hào hùng của thầy giáo xứ Nghệ tham gia giải phóng miền Nam Ký ức hào hùng của thầy giáo xứ Nghệ tham gia giải phóng miền Nam , Người xứ Nghệ Kiev
 

Nghe tiếng gọi tổ quốc, thầy giáo Nguyễn Hồng Bá (Nghệ An) gác lại giáo án lên đường nhập ngũ, góp công vào chiến thắng 30/4 lịch sử.

Thầy giáo, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Bá.

Từ bục giảng đến quyết định lịch sử

Giữa những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi bom đạn cày xới quê hương, thầy giáo Nguyễn Hồng Bá (SN 1947, trú tại phường Nghi Hòa, TP Vinh, Nghệ An) tình nguyện gác lại hoài bão riêng, xung phong lên đường nhập ngũ.

Sinh ra và lớn lên ở miền biển Cửa Lò, cậu bé Nguyễn Hồng Bá từ nhỏ mang trong mình khát khao con chữ và ước mơ cháy bỏng được đứng trên bục giảng.

Tháng 9/1968, ước mơ ấy trở thành hiện thực khi ông chính thức trở thành giáo viên dạy cấp 2 tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An), bắt đầu sự nghiệp "gieo chữ".

Đầu năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khi nhà trường phát lệnh tổng động viên, thầy giáo trẻ Nguyễn Hồng Bá không một chút do dự. Dẫu biết rằng "đi B" có thể “không hẹn ngày về”, nhưng người thầy giáo chỉ quen với phấn trắng, bảng đen vẫn quyết tâm đăng ký xung phong.

Trước khi lên đường, ông và đồng đội được huấn luyện cấp tốc trong 5 tháng tại Đoàn 200 (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Đó là khoảng thời gian quý báu giúp những người thầy, người trí thức làm quen với súng đạn, học cách di chuyển, ẩn nấp, đối mặt với vô vàn tình huống hiểm nguy nơi chiến trường.

Tháng 5/1971, thầy giáo Bá chính thức lên đường vào chiến trường B2 - Đông Nam Bộ. Ba tháng ròng rã vượt Trường Sơn huyền thoại là một thử thách không thể nào quên. Chỉ với cơm nắm, nước suối, đoàn quân hành quân hàng chục cây số mỗi ngày dưới nắng gắt, mưa rừng, vượt qua núi non trùng điệp, suối sâu, đèo dốc cheo leo giữa tiếng bom đạn gầm vang.

"Khó khăn, gian khổ và hiểm nguy là vậy, nhưng ý chí của anh em không hề nao núng. Bàn tay vốn chỉ quen cầm phấn nay chai sạn, sần sùi vì đào công sự, bám đá vượt đèo", ông Bá nhớ lại.

Ông Nguyễn Hồng Bá cùng đồng đội sau ngày giải phóng.

Trong những đêm hiếm hoi dừng chân giữa rừng già, bản chất người thầy trong ông Bá lại trỗi dậy. “Nhiều anh em trong đoàn còn rất trẻ, vừa rời ghế nhà trường, chưa kịp vào giảng đường đã phải ra trận. Những lúc nghỉ ngơi, tôi lại kể cho anh em nghe chuyện quê nhà, chuyện lịch sử, đọc những bài thơ cách mạng. Tôi muốn qua đó vừa giúp đồng đội giải khuây, vừa hun đúc thêm niềm tin vào ngày đất nước thống nhất không còn xa, niềm tin vào ngày trở về”, ông Bá tâm sự.

Tháng 8/1971, sau hơn 3 tháng hành quân, ông Bá cùng đơn vị tập kết tại tỉnh Stung Treng (Campuchia). Tuy nhiên, một cơn sốt rét ác tính đã khiến sức khỏe ông suy giảm. Ông được điều chuyển về Đoàn Hậu cần 770, nhận nhiệm vụ đảm bảo hậu cần.

Công việc của ông là tổ chức đường dây đưa quân vào, ra chiến trường; đồng thời cung cấp lương thực, vũ khí, quân trang... đảm bảo cho các đơn vị tuyến đầu vững vàng chiến đấu.

“Có những trận đánh ác liệt, địch tấn công vào căn cứ, chúng tôi lại được cấp trên điều động trực tiếp cầm súng. Dưới mưa bom bão đạn, anh em hậu cần chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần, chiến đấu kiên cường như bất cứ người lính chủ lực nào, không lùi một bước”, người cựu chiến binh kể lại.

Chứng tích chiến tranh ngày trở về

Sự khốc liệt của chiến tranh không chỉ hiện hữu trong những trận đánh trực diện mà còn rình rập trong từng nhiệm vụ. Tháng 10/1972, trong một lần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tài liệu quan trọng, đơn vị của ông Bá bất ngờ bị máy bay địch phát hiện và oanh tạc dữ dội.

Giữa làn khói lửa mù mịt và tiếng bom nổ inh tai, người lính - thầy giáo ấy vẫn quyết tâm ôm chặt tập tài liệu, không rời nửa bước. Nhưng một mảnh bom oan nghiệt đã văng trúng vùng đầu, khiến ông bị thương nặng. Đồng đội và người dân địa phương kịp thời đưa ông về trạm xá C23 để cứu chữa.

Vết thương chưa kịp lành hẳn, sức khỏe chỉ vừa mới hồi phục, nhưng ông Bá tiếp tục xung phong lên đường, cùng đồng đội về Lộc Ninh (Bình Phước) tiếp tục nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Hồng Bá cùng những kỷ vật một thời bom đạn.

Tháng 3/1974, đơn vị của ông Bá có mặt tại mặt trận Bù Gia Mập, tỉnh Sông Bé (nay thuộc Bình Phước), rồi lại cùng đơn vị gấp rút chuẩn bị hậu cần, lực lượng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngay tại mặt trận Sông Bé.

Tại đây, ông vừa đảm trách công tác hậu cần thiết yếu, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu khi tình hình yêu cầu, phối hợp tổ chức các đợt tiếp vận, củng cố sức mạnh cho cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam.

Từ tháng 3/1975 cho đến ngày toàn thắng 30/4, ông Bá hòa mình vào “dòng thác cách mạng”, trực tiếp cầm súng tham gia giải phóng Sài Gòn, chứng kiến giờ phút thiêng liêng khi đất nước hoàn toàn thống nhất.

Sau ngày giải phóng, ông Nguyễn Hồng Bá tiếp tục phục vụ trong quân ngũ, đảm nhiệm vị trí trợ lý Ban Tham mưu Kế hoạch 770 đóng quân tại Đồng Xoài (Bình Phước). Đến tháng 4/1976, ông xuất ngũ, trở về địa phương với tấm thẻ thương binh và niềm vui được tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” tại quê nhà.

“Tôi thấy mình thật sự may mắn, vì còn sống và được chia sẻ câu chuyện này cho các thế hệ sau. Bởi rất nhiều đồng đội của tôi, ra đi khi chưa biết tình yêu đầu đời, là con trai duy nhất, hi vọng trong gia đình. Và ngày về, chỉ còn là giấy báo tử”, ông Bá ngậm ngùi chia sẻ.

Vết thương cũ trên đầu vẫn còn đau nhức mỗi khi thời tiết thay đổi, như một chứng tích không thể xóa nhòa của chiến tranh, nhưng với thầy giáo, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Bá, những năm tháng ấy không chỉ là khói lửa và hiểm nguy, đó còn là quãng đời thanh xuân ý nghĩa nhất, nơi ông sống, cống hiến trọn vẹn, nhiệt huyết của một người thầy, một người lính với non sông, Tổ quốc.

Tác giả: Phạm Tâm - Phạm Thủy

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn


  Các Tin khác
  + 48 giờ khám phá thành phố Vinh (05/05/2025)
  + Nghệ An: Quê Bác đón hàng vạn du khách về thăm dịp lễ 30/4- 1/5 (02/05/2025)
  + Cờ Tổ quốc rực sắc đỏ điểm tô các tuyến đường miền biển Nghệ An (02/05/2025)
  + Những đóng góp thầm lặng của Công an Nghệ An trong đại thắng mùa Xuân 1975 (29/04/2025)
  + Cận cảnh 2 bộ xương voi khổng lồ mang thông điệp ý nghĩa ở VQG Pù Mát (29/04/2025)
  + Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, tỉnh Nghệ An: nhiều hoạt động ý nghĩa trong những ngày tháng Tư lịch sử (26/04/2025)
  + Tưởng niệm 71 năm ngày mất bà Nguyễn Thị Thanh – Người chị cả giàu khí phách của Chủ tịch Hồ Chí Minh (23/04/2025)
  + “Thổi hồn” đương đại vào di tích xứ Nghệ (20/03/2025)
  + Nghệ An: Độc đáo lễ hội tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ Đu (16/03/2025)
  + Nữ chiến sĩ biên phòng gây ấn tượng khi cùng chồng biểu diễn khí công (09/03/2025)
  + Vị tướng nào của QĐND Việt Nam là hậu duệ danh tướng nhà Trần, được toàn quân ngưỡng mộ? (01/03/2025)
  + Khai hội Đền Vạn - Cửa Rào năm 2025 (19/02/2025)
  + Nhộn nhịp “làng nghề” chế biến cá cơm (17/02/2025)
  + Sôi nổi các hoạt động văn hóa, thể thao tại lễ hội Đền Cờn năm 2025 (17/02/2025)
  + Khám phá những ngôi nhà xây bằng sò mỏ ở làng biển Diễn Châu (04/02/2025)
  + Ký ức về những cái Tết xưa tại vùng quê Nghệ An (29/01/2025)
  + Không khí Xuân ngập tràn bản làng vùng cao Nghệ An (24/01/2025)
  + Trang trọng Lễ giỗ Bà Hoàng Thị Loan lần thứ 124 (24/01/2025)
  + Muôn vẻ cây nêu đón Tết Ất Tỵ 2025 của người dân xứ Nghệ (24/01/2025)
  + Sắc xuân trên Thành Vinh (21/01/2025)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 29
Total: 69916387

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July