Hà Tĩnh là một tỉnh Bắc Trung Bộ, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Nhân dân cần cù trong lao động, vươn lên vượt khó trong cuộc sống đời thường. Là con người sống chân chất, tình cảm, ham học và nhiều người học giỏi, vừa thông minh, vừa có bản lĩnh. Từ khi có Đảng, nhân dân Hà Tĩnh tuyệt đối trung thành phấn đấu dưới ngọn cờ của Đảng.
I. Ham học, thành đạt trong khoa cử:
Từ năm 1275 đến năm 1919, người Hà Tĩnh có 148 vị đỗ Đại khoa: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sỹ (trích Tạp chí văn hoá Hà Tĩnh, số 9+10-1993). Không phân biệt người già hay trẻ, giàu hay nghèo, địa vị xã hội khác nhau, người Hà Tĩnh coi việc học hành là con đường tiến thủ, con đường kiếm sống.
Nhiều tấm gương tiêu biểu về học hành: Cụ Trần Dục quê ở Ngãi Lăng (nay là Mai Hồ, Thị trấn Đức Thọ) nhà rất nghèo, phải đi ở mướn, nhưng cụ rất ham học, lại thông minh, được chủ nhà giúp đỡ đã theo nghiệp bút nghiên, thi đỗ Hoàng giáp. Cụ Đoàn Tử Quang (xã Đức Hòa, Đức Thọ) đã 82 tuổi, vẫn lều chõng đi thi. Nhiều vùng quê như: Tùng Ảnh, Trung Lễ, Yên Hồ (Đức Thọ), Gôi Vỵ, Thịnh Văn (Hương Sơn), Tràng Lưu, Ích Hậu (Can Lộc), Tiên Điền (Nghi Xuân)... là những địa danh khoa bảng nổi tiếng. Nhiều gia đình cha đỗ tiến sỹ, con đỗ tiến sỹ.
Nhiều dòng họ có 5 - 10 người đỗ Đại khoa, các thế hệ sau này vẫn kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học, học giỏi làm rạng danh quê hương Hà Tĩnh. Theo tổng điều tra, tính đến hết tháng 12/2002 bằng tiến sỹ người Hà Tĩnh có 511, bằng 5,7% so với cả nước. Nếu so sánh cứ 10.000 người có một tiến sỹ thì Hà Tĩnh đứng đầu của tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước.
II. Vừa khí phách, vừa cách mạng:
Dưới chế độ phong kiến, qua nhiều triều đại có một vị quan phải kén chọn chu đáo của nhà Vua và của Triều đình, đó là quan Ngự Sử có chức năng rất quan trọng: Một là được can gián Vua, hai là có quyền chỉ trích, hoạch tội các quan trong Triều. Với vị trí quan trọng đó, quan Ngự Sử phải là người, học rộng biết nhiều, trung thực, liêm khiết, công tâm, có bản lĩnh.
Từ giữa cuối đời Trần đến đời Hậu Lê, hầu hết các quan Ngự Sử là người Hà Tĩnh, tiêu biểu như: Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Văn Giai, Bùi Cẩm Hổ, Nguyễn Biểu, Trần Sảnh, Trương Quang Trạch... Có đến 56 vị quan Ngự Sử quê Hà Tĩnh. Về sau này, nổi tiếng nhất là cụ Phan Đình Phùng, cụ quê ở làng Đông Thái (Tùng Ảnh, Đức Thọ). Cụ làm quan Ngự Sử dưới Triều Nguyễn. Chuyện kể rằng: Quan phụ chính Tôn Thất Thuyết quyết định phế truất Vua. Ai chống lại sẽ bị chém. Cụ Phan đứng dậy để phản đối. Quân thừa hành kéo cụ ra ngoài. Tôn Thất Thuyết liền thét: "Tống ngục, không chém", vì Tôn Thất Thuyết biết rằng người chống Pháp, cứu lấy giang sơn sau này có thể là cụ Phan Đình Phùng. Đúng vậy, khi Vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết phụ tá ra sơn phòng Hà Tĩnh, ban bố chiếu Cần Vương, việc đầu tiên là tìm đến Phan Đình Phùng.
Từ khi Đảng chưa ra đời, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, giác ngộ về Đảng, tìm đến con đường cách mạng, tìm đến quê hương cách mạng tháng 10 Nga, có khá nhiều con em Nghệ Tĩnh. Tại trường Đại học Phương Đông có 47 sinh viên là người Việt Nam, trong đó có 17 người Nghệ Tĩnh, trong 17 người Nghệ Tĩnh có 10 sinh viên xuất sắc (Đặc san số 12. "Sự kiện và nhân chứng" của báo QĐND VN- 1995), trong đó Hà Tĩnh có: Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Trọng Nhã, Trần Ngọc Danh, Ngô Đức Trì.
Sau thành lập Đảng và trải qua 11 kỳ Đại hội Đảng, có tất cả 729 đồng chí trúng vào Ban chấp hành Trung ương (trích trong cuốn: Đảng cộng sản Việt Nam, chặng đường qua hai thế kỷ, NXB CTQG, ngày 1 tháng 6 năm 2006). Bình quân mỗi tỉnh, thành có 12,4 đồng chí.
Riêng Hà Tĩnh có 32 đồng chí, bằng 2,8 lần so với bình quân cả nước. Qua 11 lần đại hội Đảng, có 11 đồng chí Tổng bí thư, thì Hà Tĩnh có 2 đồng chí. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi của Tổ quốc, con em Hà Tĩnh người người lớp lớp xông ra tiền tuyến, đã lập nên nhiều kỳ tích. Suốt nhiều năm chiến tranh, Hà Tĩnh thực hiện đúng khẩu hiệu "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".
Trong chiến tranh chống Mỹ phá hoại miền Bắc ở giai đoạn quyết liệt nhất, nhân dân Hà Tĩnh đã nêu quyết tâm: "Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm!", "Xe chưa qua, nhà không tiếc", "địch phá một ta làm mười", "Đường ta cứ đi, xe ta cứ vượt", Hà Tĩnh quê ta lấp biển, vá trời". Lúc bấy giờ Hà Tĩnh được đặt vào vị trí: Tiền tuyến của hậu phương miền Bắc; hậu phương của tiền tuyến miền Nam. Kết thúc hai cuộc kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. 8/8 huyện thị được tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.
Phạm Sự
theo báo nghệ an
|