(Baonghean) - Đây là thời kỳ ghi dấu ấn đậm nét trong mốc son lịch sử nước nhà về tinh thần bất khuất, kiên cường chống phong kiến phương Bắc đô hộ của nhân dân ta trong suốt hơn ngàn năm. Những di tích lịch sử văn hoá thời kỳ này góp phần ghi lại dấu ấn đó.
Từ trầm tích đền Cuông
Năm 257 trước Công nguyên (TCN), Thục Phán, thủ lĩnh người Âu Việt ở phía Bắc nước Văn Lang đánh đuổi Hùng Vương thứ 18 của người Lạc Việt, hợp nhất Văn Lang vào lãnh thổ của mình thành nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội). Năm 179 TCN, Triệu Đà đem quân sang xâm lược nước ta. Theo truyền thuyết. Sau nhiều lần tấn công bất thành, Triệu Đà đành giảng hòa rồi lập kế cầu hôn con gái An Dương Vương là Mỵ Châu cho con trai mình là Trọng Thủy, với âm mưu cho Trọng Thủy ở rể rồi tìm cách đánh cắp "nỏ thần", từ đó đánh bại quân Âu Lạc. Phần kết truyền thuyết diễn ra bên núi Mộ Dạ, tổng Cao Xá, phủ Diễn Châu (nay là xã Diễn An, huyện Diễn Châu).
Triều đại nhà Thục mở ra ở đất Cổ Loa và khép lại trên đất Nghệ An từ năm 275 TCN - 208 TCN. Tuy thất bại nhưng Thục An Dương Vương đã mở rộng bờ cõi, nêu cao ý chí độc lập, anh hùng khí phách, tài thao lược đánh bại quân Tần nên được nhân dân tôn kính. Để ghi nhớ công lao của ông, một trong những vị vua của nước ta ở buổi đầu dựng nước, ngoài đền thờ ông ở Cổ Loa, nhân dân còn thờ ông tại đền Cuông - một ngôi đền lưng chừng núi Mộ Dạ, là một ngọn núi của dãy Đại Hải, dãy núi cuối cùng của một nhánh trên dải Trường Sơn.
Đền thờ vua An Dương Vương
Đền Cuông là một di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng và cũng là một danh thắng mà bất cứ ai đã đến sẽ khó quên bởi sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên. Các công trình đồ sộ, vững chắc nhưng lại toát lên vẻ đẹp nhẹ nhàng, thánh thoát nhờ các chi tiết hoa văn được đắp chạm tinh tế. Những ngọn núi của dãy Đại Hải và cả những tảng đá đều chứa đựng, huyện thoại về Thục An Dương Vương. Tảng đá bàn cờ là nơi Thục An Dương Vương ngồi đánh cờ với Thần Kim Quy từ biển lên. Ngoài ra còn có núi Kiếm, núi Đầu Cân ở xã Nghi Thiết (Nghi Lộc), rú Mụa (núi Mũ) ở xã Diễn Phú, núi Mã Yên (Yên Ngựa) ở xã Diễn Thọ (Diễn Châu)... mỗi núi mang tên một vật trên mình Thục An Dương Vương. Cách đền Cuông không xa có một cái miếu nhỏ thờ công chúa Mỵ Châu. Ở Nghệ An còn có một số di tích nữa liên quan đến Thục An Dương Vương đó là di tích thành chùa Rồng ở Quỳ Châu, tương truyền đây là nơi thờ con trai của Thục An Dương Vương, ngoài ra còn có nhà thờ họ Cao, đình Xuân Ái ở Diễn Thọ...
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, hàng năm tại đền Cuông tổ chức lễ tế thần, mỗi năm có một kì đại tế gọi là Quốc tế vào 15 tháng 2 âm lịch chứ không tổ chức lễ hội như ở Cổ Loa. Trong những năm kháng chiến, đền bị phá hoại, hư hại, nhiều hoạt động tế lễ cũng vì thế có phần hạn chế.
Đến khu mộ vua Mai
Sau khi chiếm được Âu Lạc, Triệu Đà chia nước ta làm 2 quận để cai trị. Trong đêm trường Bắc thuộc, nhân dân chịu bao nỗi thống khổ. Rất nhiều cuộc khởi nghĩa trong thời kỳ này đã bùng lên. Vào đầu thế kỷ VIII, từ mảnh đất Hoan Châu (Nghệ An ngày nay) đã nổ ra một cuộc khởi nghĩa lớn - khởi nghĩa Mai Thúc Loan.
Lễ hội Vua Mai được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm.
Mai Thúc Loan sinh ra ở xóm Ngọc Trừng, gần rú Dẻ (huyện Nam Đàn). Hiều rõ nỗi khổ nhục của người dân mất nước và căm ghét quân cướp nước, ông đã vận động nhân dân đứng lên khỏi nghĩa chống lại nhà Đường, vào tháng 4 năm Quý Sửu 713. Năm 722, thất bại trước cuộc vây đánh ồ ạt, bất ngờ của tướng nhà Đường Dương Tư Húc, Mai Thúc Loan bị thương nặng và qua đời tại núi Đụn Sơn kết thúc 10 năm khởi nghĩa. Đây là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất cho tinh thần yêu nước của nhân dân xứ Nghệ. Sau cuộc khởi nghĩa này, nhà Đường đã phải bỏ lệ tiến cống nạp và thay đổi một số chính sách cai trị dân ta.
Khi Mai Thúc Loan mất, nhân dân đã xây mộ tại núi Đụn Sơn, hậu cứ của nghĩa quân và là nơi ông trút hơi thở cuối cùng (nay thuộc xã Vân Diên) huyện Nam Đàn. Đền Vua Mai lúc mới xây chỉ là ngôi đền nhỏ, kiến trúc đơn giản, đến năm Minh Mệnh thứ 2 (1812) mới được xây to đẹp, uy nghi. Hiện nay, qua nhiều lần trùng tu, tôn tao, dẫu chưa được uy nghi, bề thế như xưa nhưng những gì hiện có ở đền đã thể hiện lòng biết ơn, sự ngưỡng vọng của hậu thế đối với Mai Thúc Loan.
Từ đền thờ Vua Mai, du khách theo đê 42 hoặc du thuyền theo tả ngạn sông Lam khoảng 3km về phía Tây là đến khu mộ Vua Mai nằm giữa một thung lũng hẹp, dưới chân núi Đụn Sơn. Theo huyền sử, đây là nơi lưu giữ hài cốt của Vua Mai và con trai ông, Mai Thúc Huy. Trải qua chiến tranh, từ năm 1997, và đặc biệt là những năm gần đây khu mộ Vua Mai được trùng tu, tôn tạo lại công phu, bề thế tương xứng với tên tuổi và vị thế của người anh hùng dân tộc.
Có một điều khá thú vị là nằm rải rác xung quanh đền Vua Mai, trong vòng bán kính chưa đầy 4km, có khá nhiều di tích, địa danh đã từng gắn liền với tên tuổi, công tích của Vua Mai, tạo thành một quần thể di tích độc đáo, có nhiều lợi thế về mặt khai thác tiềm năng du lịch như của ông, mộ thân mẫu Vua Mai nằm trên núi Giẻ (xã Nam Thái), đền Nậm Sơn thượng tướng - nơi thờ vị tướng trong tứ trụ triều đình của Vua Mai (xã Vân Diên), Ngọc Đại Sơn - nơi đóng quân của bộ chỉ huy thống lĩnh toàn bộ các đạo quân thủy bộ của nghĩa quân Vua Mai (xã Vân Diên), Núi Voi - nơi quân Đường đóng đại bản doanh và tổ chức các đợt tấn công vào thành Vạn An (xã Nam Tân). Hiện nay các di tích này đã được huyện Nam Đàn bảo tồn, gìn giữ để phát huy.
1. Mùa Xuân năm Quý Dậu (1993), huyện Diễn Châu đã quyết định lấy ngày 15 tháng 2 Âm lịch làm ngày tổ chức Lễ hội Đền Cuông hàng năm. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, năm 2004, Bộ VHTT và DL đã đồng ý chủ trương của UBND tỉnh về việc lập dự án bảo tồn - tôn tạo di tích Đền Cuông. Năm 2005 Dự án di tích Đền Cuông đã được khởi công. Năm 2006 hoàn thành các hạng mục chính như: bảo tồn, tôn tạo và nâng cấp đền Cuông; xây dựng nhà làm việc của BQL di tích, hệ thống bãi đậu xe, nâng cấp mở rộng sân lễ hội. Hiện nay, huyện đang có dự án khôi phục lại miếu Mỵ Châu và giếng Trọng Thủy (bị phá hoại trong chiến tranh) với tổng diện tích khoảng 2000m2, dự định xây thêm hòn Thần, lầu Kim Quy, mở rộng diện tích sân phụ làm bãi cắm trại trong lễ hội...
2. Ghi nhớ công lao của Vua Mai, hằng năm nhân dân Nam Đàn tổ chức nhiều kỳ lễ trọng như: giỗ thân mẫu Vua Mai 14/7 âm lịch, giỗ Vua Mai vào 16/9 âm lịch, giỗ Mai Hoàng Hậu 15/7 âm lịch. Riêng Lễ hội Đền Vua Mai là lễ hội được tổ chức quy mô lớn và long trọng nhất. Các hoạt động sôi nổi trong Lễ hội Đền Vua Mai luôn thu hút được đông đảo người dân và du khách đến tham gia, kéo dài từ ngày 14 tháng Giêng đến hết ngày 17 tháng Giêng Âm lịch. Vào những ngày này, quanh khu vực Đền Vua Mai, du khách từ thập phương về dự hội kín cả một vùng. Tham gia Hội, du khách được hòa mình với những trò chơi truyền thống, được trở về với những nét văn hóa xa xưa rất thú vị như: đua thuyền, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, đấu vật... Ban đêm, du khách sẽ được thưởng thức những loại hình ca hát từ thuở xưa: ca trù, ví phường vải, chèo, tuồng, giao duyên...
|
Thanh Thủy - Thanh Lê
|