(Baonghean) - Tại Nghệ An, những năm 1930-1931, chính quyền Xô viết ra đời ở các xã thuộc huyện Thanh Chương, Nam Đàn, một phần huyện Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Diễn Châu. Tại Hà Tĩnh, Xô viết hình thành ở các xã thuộc huyện Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, một số xã thuộc huyện Nghi Xuân và Hương Khê… Tuy chỉ duy trì trong 4 đến 5 tháng, Xô viết Nghệ-Tĩnh đã chứng tỏ bản chất cách mạng và tính ưu việt của nó.
Tôi ghé thăm Bảo tàng vào một ngày cuối tháng Tám. Kỷ niệm 81 năm ngày Xô viết Nghệ-Tĩnh năm nay, là năm lẻ nên các anh chị ở đây chủ yếu chỉ tổ chức lễ dâng hương các chiến sĩ cách mạng tại nhà tưởng niệm của Bảo tàng, và thi tìm hiểu lịch sử đối với học sinh của Tp.Vinh mà lực lượng chủ chốt là trường PTTH Thái Lão (Hưng Nguyên) và trường PTTH Lê Viết Thuật (Vinh). Lấy truyền thống hào hùng của cha ông nhằm giáo dục đạo đức, lý tưởng cho tuổi trẻ được lãnh đạo Bảo tàng đặc biệt chú ý từ nhiều năm nay. Chiều ngày 30/8/2011, tại Bảo tàng diễn ra buổi gặp gỡ trao đổi thú vị và giàu ý nghĩa giữa Sở VHTTDL và Sở GDĐT Nghệ An là một dẫn chứng còn nóng hổi, cho biết sự quan tâm của các bên đối với tình hình học sử, thi sử của học sinh hiện nay!
Hiện Bảo tàng Xô viết Nghệ - Tĩnh có 2 phòng chuyên môn và 1 phòng Hành chính tổng hợp. Hai phòng chuyên môn gồm phòng Trưng bày, tuyên truyền và phòng Kiểm kê, bảo quản tài liệu, hiện vật. Các phòng đều có vị trí chức năng riêng, hỗ trợ lẫn nhau nhưng phải thừa nhận phòng Trưng bày, tuyên truyền luôn giữ vị trí chủ đạo. Ngoài trưng bày tại chỗ, 7 anh chị em trong phòng còn tổ chức những chuyến trưng bày lưu động, kết hợp với điền dã, sưu tầm tài liệu, hiện vật đang có xu hướng hiếm dần…Năm 2010, phòng đã tiến hành được 11 cuộc trưng bày, giao lưu, nói chuyện tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Những chuyến đi lên miền núi Nghệ An như Anh Sơn, Quỳ Châu, Con Cuông… tuy rất vất vả nhưng đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc trong anh chị em Bảo tàng và cả bà con cô bác. Nên nhớ, ở huyện Con Cuông, chỉ riêng xã Môn Sơn đã có 3 di tích: Nhà cụ Vi Văn Khang (1900-1978), cây đa Cồn Chùa, cây trổ Bãi Cánh… đều gắn bó với Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Chị Trần Thị Kim Phượng, một nhân viên của phòng Trưng bày, tuyên truyền rất say mê với nghề, cho biết: Thời gian trước đây, Bảo tàng đã tổ chức thành công khá nhiều Hội thảo khoa học về các danh nhân cách mạng trên quê hương như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Lê Mao, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Phong Sắc…Những dịp kỷ niệm 60, 70 năm Xô viết Nghệ-Tĩnh, Bảo tàng đều biên soạn và xuất bản kỷ yếu. Năm 2010, đáng chú ý là cuốn sách về 50 năm hoạt động của Bảo tàng Xô viết Nghệ - Tĩnh. Trong tổng số khoảng 13.000 tài liệu, hiện vật mà đa số có giá trị gốc hiện có tại Bảo tàng, đáng lưu ý những năm gần đây, là hơn 5000 hồ sơ các chiến sĩ và liệt sĩ cách mạng đã hi sinh xương máu và tính mạng của mình tại Nhà lao Vinh. Số hồ sơ này Bảo tàng sưu tập được từ Cục hồ sơ nghiệp vụ an ninh của Bộ Công an và Trung tâm lưu trữ hải ngoại của Pháp. Gia đình nào phát hiện có người thân liên quan tới hồ sơ, đều được Bảo tàng giúp đỡ chỉ dẫn, sao chụp mà không mất một đồng lệ phí nào.
Một việc làm đáng kể nữa, là từ đầu năm 2009, Bảo tàng đã cho ra mắt bạn đọc trang Thông tin điện tử của cơ quan mình. Với nội dung bước đầu khá phong phú, gồm tin tức, sự kiện trong ngày; Hệ thống trưng bày và di tích; Hồ sơ chiến sĩ cách mạng; Nhân vật Xô viết Nghệ - Tĩnh; Nghiên cứu khoa học; Thư viện; Những cảm tưởng và trao đổi của khách tham quan…Trung bình mỗi ngày có từ 700-900 lượt người truy cập. Tính đến nay, đã có gần 650 ngàn lượt người truy cập. Đây là một cố gắng cần được ghi nhận của lãnh đạo và anh chị em Bảo tàng khi đất nước quê hương bước sang thời kỳ hội nhập!
Ngày 15/1/1960, tại Tp.Vinh, Bảo tàng Xô viết Nghệ-Tĩnh ra đời. Đến năm 1963 thì nhà trưng bày đi vào hoạt động. Cùng với thời gian và sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ chuyên môn, nơi đây dần trở thành trung tâm lưu giữ, giới thiệu, không ngừng phát huy đối với các thế hệ hôm nay và mai sau, truyền thống oanh liệt của Xô viết Nghệ-Tĩnh, nguồn sức mạnh ban đầu thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước tiến lên, dẫn đến Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ - đúng như mong muốn của Bác Hồ khi Người viết lời Đề tựa cho Bảo tàng vào ngày 3/2/1964… Một sinh viên Nhật Bản ghi trong sổ cảm tưởng: “Bảo tàng này đã giúp tôi hiểu biết sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam. Sau khi học xong tiếng Việt, tôi mong muốn trở lại đây một lần nữa. Cán bộ, nhân viên của Bảo tàng đã đón tiếp và thuyết minh cho tôi đầy nhiệt tình!”.
Kim Hùng
|