(Baonghean.vn) - Trên gác hai của căn nhà riêng gần Ngã Tư Sở (Hà Nội) nơi nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ làm việc hàng ngày, lúc nào cũng thường trực một chiếc đàn organ, cạnh đó là bộ bàn ghế nhỏ dành để tiếp khách - những người bạn trong giới văn nghệ sỹ, những học trò, bạn tâm giao và cả những người mến mộ nữa. Họ đến để học, lắng nghe, chia sẻ và bày tỏ... Một vài lần trong số đó là tôi. Tôi đến gặp Nguyễn Tài Tuệ với tư cách là một người mến mộ.
Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936 tại Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An, hiện đang sống tại Hà Nội. Năm 1955, ông rời quê hương ra với đất Thủ đô. Ông bước vào con đường văn chương với mục đích sau này làm giáo viên dạy văn nhưng đồng thời cũng học guitar. Dần dần, ông nhận ra con đường âm nhạc mới là khát vọng của mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ
Ra trường, Nguyễn Tài Tuệ tham gia hát trong một dàn hợp xướng của Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, đến năm 1957 ông lên công tác tại Đoàn Ca múa Lao - Hà Yên. Năm 1959, ông về Hà Nội công tác tại Ban Nghiên cứu âm nhạc dân gian (nay là Viện Nghiên cứu âm nhạc dân gian). Ông gắn bó với đất Hà Thành từ đó cho tới nay.
Người nhạc sỹ có vóc dáng nhỏ bé, giọng nói vẫn đậm chất Nghệ, mái tóc bạc gần hết, và một đôi mắt ấm áp nụ cười. Cách nói chậm rãi, rành mạch, giọng điệu ân cần cùng tất cả những cử chỉ lịch thiệp của ông khiến tôi bị cuốn hút một cách kỳ lạ. Ông nói về công việc sáng tác của mình, về quê hương Thanh Chương, về các ca sỹ hát nhạc ông sáng tác... Và rồi ông nói về một giấc mơ đẹp nhất trong đời mình, "cũng là giấc mơ đẹp nhất của mỗi người", đó chính là tuổi ấu thơ. Giấc mơ đó ông đã mơ suốt cả cuộc đời tha hương của mình, để rồi trong một lần, khi cảm thấy mình đã xa quê lâu quá và cần phải trở về nếu không sẽ thành kẻ "lỗi hẹn", người nhạc sỹ đã vẽ nên giấc mơ ấy bằng từng nốt nhạc và gọi tên nó là "Mơ quê".
Là tác giả của các ca khúc nổi tiếng như "Xa khơi", "Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó", "Xôn xao bến nước"..., nhưng Nguyễn Tài Tuệ dành cho "Mơ quê" một tình yêu đặc biệt. Ông tiết lộ "Xa khơi" và "Mơ quê" là hai ca khúc ông "ưng ý" nhất trong toàn bộ các nhạc phẩm đã sáng tác, nhưng "Mơ quê" là tác phẩm duy nhất mang dấu ấn quê hương. Trong "Mơ quê" hiện lên hình ảnh của quê hương Thanh Chương, đó là chợ Rạng, là câu đò đưa trên sông Lam với khắc khoải một nỗi chờ, là câu nói "còn lưa" gần gũi, thân thuộc...
Song theo ông, mặc dù có chút riêng tư khi ông đưa vào ca khúc những hình ảnh thân thiết với lòng mình đó, vẫn có thể coi đó là quê hương của tất cả mọi người. Nguyễn Tài Tuệ quan niệm rằng, nghệ thuật phải vượt lên trên giới hạn không - thời gian, vượt lên trên tất cả để phản ánh những vấn đề vĩnh cửu của nhân loại như tình yêu, cái đẹp, những giá trị nhân văn... Cái cuối cùng mà nghệ thuật hướng tới phải là những giá trị vĩnh cửu ấy. "Chiến tranh ư? Rồi cũng sẽ qua đi. Mọi thứ đều sẽ qua, chỉ có tình người, tình yêu là ở lại. Vậy thì, để sống mãi cùng với thời gian, nghệ thuật phải chuyên chở những điều ấy. Và để làm được
vậy thì người nghệ sỹ cần phải có tri thức và có tâm". Ông nói một cách đầy tâm huyết: "Tôi cho rằng quan niệm của triết gia người Đức Nietzsche về sáng tác nghệ thuật là cực kỳ chuẩn mực. Theo Nietzsche, điều kiện để một tác phẩm ra đời phải bao gồm 3 yếu tố: hoàn cảnh xã hội, thời gian và thời điểm. Bạn cứ suy nghĩ mà xem, một tác phẩm ra đời không thể thiếu 3 yếu tố này, đây là điều kiện khách quan của nó. Còn theo tôi, điều kiện chủ quan là tri thức, trí tuệ, và yếu tố đặc biệt quan trọng nữa chính là tình yêu. Nếu người nghệ sỹ không có cái tâm, cái tình thì sẽ không có tác phẩm nghệ thuật với ý nghĩa đích thực của nó".
Có một lần, tôi đến thăm và được Nguyễn Tài Tuệ mở cho nghe một số ca khúc của ông, trong đó có "Mơ quê" với hai giọng nữ ca sỹ khác nhau thể hiện. Ông bảo giọng Anh Thơ rất đẹp, rất mượt, còn giọng Tố Uyên thì đằm thắm, già dặn và có độ chín. Được sáng tác trong hơn 10 năm, "Mơ quê" chứa đựng những tình cảm mà nhạc sỹ ấp ủ. Ông đã viết ca khúc đó với những ám ảnh về tuổi thơ, thời gắn bó với tiếng trống trường, tiếng sáo diều ven đê, tiếng gà tan trong những giấc mơ, ám ảnh về câu ví dặm xứ Nghệ, những câu lẩy Kiều, câu hát ru của cha mẹ... Ông nói ông yêu lắm câu ví dặm quê mình, và dường như không thể không nhắc đến nó, ông ngâm một làn điệu quen thuộc: "Chứ anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở. Chứ anh đến bến đò thì đò đầy đò đã sang sông. Chứ đến em thì em đã lấy chồng...". Nhạc sỹ nói tiếp: "Chính làn điệu đó đã khiến tôi viết trong "Mơ quê": "Hỏi câu ví dặm có lỡ hẹn cùng ai chưa". Nhưng từ trong sâu thẳm tôi biết rằng sự chờ đợi có một sức mạnh ghê gớm, và rằng ước hẹn vẫn còn, như người Nghệ quê tôi vẫn nói: "ước hẹn còn lưa".
Như một lời thúc giục, niềm thương nỗi nhớ quê nhà luôn khắc khoải trong người nhạc sỹ với giai điệu: "Về đi thôi, ta về đi thôi". Tôi có cảm giác "Mơ quê" chính là chuyến trở về của người nhạc sỹ ấy, để ông không lỡ hẹn với quê hương, không lỡ hẹn với chính tuổi thơ mình. Ông trở về bằng một giấc mơ tuyệt đẹp. Cái giấc mơ vừa hư vừa thực đeo đẳng hoài trong tâm trí ông và sẽ chẳng bao giờ nguôi tan. Ông chỉ có thể làm cho nó, giấc mơ ấy, bay bổng hơn, lung linh hơn và giúp nó đến được với tất cả mọi người. Nguyễn Tài Tuệ đã làm được điều ấy khi viết nên những ca từ và giai điệu đẹp đẽ của "Mơ quê".
Lần nào cũng vậy, từ căn phòng nhỏ của ông trở về, tôi cứ thấy luyến tiếc điều gì đó, cảm giác như mình chưa hiểu hết được những gì Nguyễn Tài Tuệ muốn nhắn nhủ, chưa nghe hết được "Mơ quê", hay chưa sống cho trọn vẹn, chưa yêu thương cho hết mình... Có lẽ chăng, những giai điệu của ông đang đánh thức cái giấc mơ còn đang chập chờn dang dở trong mỗi người chúng ta?
Thùy Vinh
|