Khe Sanh – Làng Vây – Tà Cơn trong cảm thức của tôi bao giờ cũng chỉ với 2 màu đen - trắng và những hình ảnh bom đạn vần vũ. Ấy là vì tôi chỉ mới biết đến miền đất này thông qua những bộ phim tài liệu lịch sử và những câu chuyện chiến đấu mà cha, chú tôi kể lại. Sẽ mãi mãi là như vậy nếu không có chuyến công tác dọc đường Trường Sơn huyền thoại hướng tới kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ…
Từ hang Tám Cô – đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình), chúng tôi xuôi về đường Hồ Chí Minh, theo hướng Tây đi thẳng vào Khe Sanh. Đó là cung đường đầy dấu tích chiến tranh. Trên đường đi, chúng tôi rẽ vào thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang TNXP và Nghĩa trang Trường Sơn.
Ban trưa, các khu mộ quạnh vắng bóng người, chỉ có tiếng thì thầm của rặng thông trong gió. Kính cẩn thắp hương lên các ngôi mộ mà bên tai tôi cứ vang lên câu nói của người bạn đồng hành Ngô Thanh Long – phóng viên Báo Quảng Bình: “Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó 3 nghĩa trang liệt sỹ quốc gia”. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đây vốn được coi là “miền đất chết”, là nơi mà những chàng trai, cô gái tuổi 20 của cả nước đã thể hiện tình yêu Tổ quốc của mình, chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng. Họ đã ngã xuống cho đất nước đứng lên.
|
Tượng đài chiến thắng Khe Sanh tại Hướng Hóa |
Tôi ngắm nhìn những bông trang đỏ rực trên các khu mộ, những cánh hoa dường như đỏ thắm hơn và đều vút thẳng lên đón ánh nắng mặt trời một cách mạnh mẽ. Phải chăng, đó là hiện thân của lý tưởng lẫn phong thái hiên ngang của những người chiến sỹ đã chiến đấu và hy sinh tại vùng đất nóng bỏng này…
Dải đường lên Hướng Hóa xanh mướt bóng cây và những ngôi nhà sàn nằm lặng lẽ bên sườn núi gợi cho tôi cảm nhận về cuộc sống thanh bình. Chúng tôi dừng chân bên cầu Dakrông, địa điểm mà trước khi lên đường, chú ruột tôi từng là cựu binh chiến đấu ở đây đã dặn: “Qua đó nhất định cháu phải dừng lại!”.
Chú tôi kể, vào những năm 1959 - 1964, khúc sông đó là điểm vượt bí mật của tuyến đường 559 và về sau, chiếc cầu sắt bắc qua khúc sông ấy là tuyến vận tải quan trọng cho chiến trường miền Nam. Sông Dakrông mùa này nước cạn đến trơ cả đá ngầm, tuy vậy, vóc dáng của dòng chảy vẫn toát lên vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình. Đứng trên chiếc cầu treo màu trắng thanh mảnh, ngắm nhìn những vách núi hùng vĩ dựng đứng dọc những khúc sông uốn lượn mềm mại và những người phụ nữ Pa Cô gùi măng rừng đi bán, tôi không thể nghĩ rằng đây là nơi một thời đạn lửa cày xéo.
Cảm giác yên bình xâm chiếm hồn tôi. Những đau thương mất mát đã được dòng sông chở ra biển lớn. Giờ đây, Dakrông lại hiền hòa, trữ tình như nó chưa từng thấm máu đỏ và buôn làng lại cất lên những điệu hát thanh bình để mỗi nụ cười sơn cước đều trở lại hiền hòa như con sông, con suối giữa đại ngàn…
|
Đakrong mềm mại giữa núi rừng |
Khe Sanh đón chúng tôi bằng một cơn mưa chiều xối xả. “Hoa tiêu” Trương Quang Hiệp trấn an chúng tôi bằng giọng Quảng Trị trìu mến: “Mưa xíu thôi, lát lại nắng ngay ấy mà”. Hiệp là phóng viên Báo Quảng Trị, lại là người con của miền quê Hướng Hóa nên hiểu rất rõ “tính khí” vùng đất này. Quả đúng như vậy, chỉ chừng 10 phút thì ánh dương bắt đầu trở lại. Những vườn tiêu, vườn cà phê dọc hai bên đường lại ánh lên màu xanh loang loáng bạc và những vùng đất đỏ bazan lộ thiên đỏ bầm một màu thâm thẫm như màu gỉ sắt trên những vỏ bom còn sót lại.
Lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa vừa mới diễn ra nên không khí nơi đây vẫn còn rộn ràng. Điều đó không chỉ thể hiện ở những băng rôn và cờ vui phấp phới treo trên mỗi tuyến đường mà còn biểu lộ rất rõ trên gương mặt người dân Hướng Hóa. Khe Sanh vốn là vùng đất đỏ bazan hoang sơ, khi cuộc chiến tranh ở miền Nam phát triển khá mạnh thì quân đội Mỹ phát hiện ra vị trí chiến lược của Khe Sanh nằm án ngữ trên đường 9 – con đường chiến lược có thể dẫn sang Lào và dẫn tới đường mòn Hồ Chí Minh.
Tướng Westmoreland của Mỹ đánh giá: Khe Sanh là cái “mỏ neo”, là bàn đạp cho các cuộc hành quân trên bộ để cắt đứt tuyến chi viện miền Nam theo đường Hồ Chí Minh của quân dân ta, đồng thời là vị trí có thể ngăn cản quân đội Việt Nam đưa quân từ rừng núi xuống đồng bằng ven biển và từ Lào sang theo đường 9. Từ đó, Khe Sanh trở thành căn cứ chiến đấu lớn của Mỹ với một sân bay hiện đại cho các máy bay trinh sát của Mỹ cất cánh tìm và tiêu diệt bộ đội chủ lực Việt Nam, với căn cứ Làng Vây có nhiều hầm hào cùng công sự kiên cố và các điểm hỏa lực rất mạnh.
|
Máy bay Mỹ bị bắn rơi trong chiến dịch Khe Sanh trưng bày tại Bảo tàng sân bay Tà Cơn |
Năm 1966, ta quyết định mở mặt trận đường 9 – Bắc Quảng Trị nhằm tiêu hao sinh lực địch, đồng thời kéo một lực lượng lớn quân Mỹ ra khỏi Hướng Hóa. Ngày 20/1/1968, quân ta nổ súng ở Khe Sanh và nhanh chóng chiếm huyện lỵ Hướng Hóa. Cùng ngày, ta tiến công địch ở các cao điểm 845, 950 án ngữ phía tây bắc Tà Cơn, tiến hành bao vây Làng Vây, Tà Cơn mở đầu chiến dịch Khe Sanh huyền thoại.
Sau hơn 170 ngày đêm chiến đấu liên tục và vô cùng anh dũng, quân ta đã chiến thắng oanh liệt, buộc Mỹ phải chịu thất thủ. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 11.900 tên địch; bắt sống hàng trăm tên khác; bắn rơi và phá hủy 197 máy bay các loại, 78 xe quân sự, hơn 46 khẩu pháo, phá hủy hơn 50 kho xăng, đạn, thu hàng ngàn súng các loại, hàng trăm tấn lương thực…
Chiến thắng Khe Sanh đã làm cho “uy tín nước Mỹ suy sụp” và được lịch sử phân tích, đánh giá cao trên nhiều phương diện. Hôm nay, đặt chân lên mảnh đất một thời đạn lửa này, lòng chúng tôi lại không thôi thắc thỏm về những người dân Vân Kiều, Pa Cô trong trắng, thủy chung. Đêm Khe Sanh đầy sao và huyền hoặc trên mặt hồ nhấp nhánh ánh điện.
|
Hình ảnh người dân tộc Vân Kiều trong bảo tàng Sân bay Tà Cơn |
Mùi cà phê Khe Sanh rất đậm, như có sự quyện lẫn của đất, của suối, của lòng người Hướng Hóa khiến tâm trí tôi rất tỉnh táo dù mới trải qua một ngày đi đường mệt nhọc. Đêm thâm u nhưng ý nghĩ tôi lại bừng sáng khi nghĩ về đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô thân thương đã ăn sâu trong hồi ức chiến trường của cha tôi. Trong chiến dịch Khe Sanh, ngay từ đợt đầu đã có hơn 3.000 người tình nguyện đi dân công. Đồng bào Vân Kiều, Pa Cô các xã Nam Hướng Hóa đã tìm củ rừng ăn thay cơm, quyên góp để dành 20 tấn gạo, 2 triệu gốc sắn phục vụ chiến dịch.
Câu chuyện với ông Hồ Văn Xang ở bản Pa Nho (Khe Sanh) lúc chiều hôm càng làm tôi thêm khâm phục ý chí kiên định và lòng yêu nước của người dân nơi đây. Ông Xang cho biết: “Ngay từ năm 12 tuổi đã làm giao liên cho cán bộ cách mạng, các tài liệu mật, công văn… được tôi ngụy trang trong điếu thuốc, bó củi và chuyển đến tận tay cán bộ an toàn. Hồi ấy, tôi cũng đã biết theo người trong bản ăn củ và rau rừng nhường gạo nuôi bộ đội. Năm 1963, tôi nhập ngũ và tham gia lực lượng bộ đội địa phương. Trung đội tôi đã tham gia hàng chục trận đánh nhỏ, quấy rối quân lực địch trên tuyến đường 9. Đến cuối năm 1967, quân đội ta chuẩn bị đánh lớn, chúng tôi được giao nhiệm vụ giúp công binh mở đường bí mật vào Khe Sanh. Vào chiến dịch, chúng tôi dẫn đường cho bộ đội chủ lực tấn công Làng Vây, sân bay Tà Cơn, đồi Động Tri và một số cứ điểm khác”.
|
Nhân viên Bảo tàng sân bay Tà Cơn bên một chiếc máy bay vừa sưu tầm được |
Những người dân Vân Kiều, Pa Cô năm xưa từng chở che bộ đội, hôm nay đang tích cực lao động sản xuất, bắt nhịp với tư duy làm ăn mới. Từ những mô hình trồng cà phê, tiêu, sắn nguyên liệu đã xuất hiện nhiều triệu phú chân đất. Niềm vui như cơn gió mát lành quấn quýt thôn bản khi năm 2012, thu nhập bình quân đã đạt 18,5 triệu đồng/người/năm. Hơn thế nữa, Khu kinh tế – thương mại Lao Bảo đã trở thành “đô thị vàng” nơi đầu cầu xuyên Á với hơn 400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, 57 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn 3.670 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Tám – người có 15 năm làm chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Sau giải phóng, Hướng Hóa là bãi chiến trường hoang tàn, đổ nát với nhiều vết tích chiến tranh, trên đất dày đặc hố bom và bom mìn còn sót lại. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hướng Hóa phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục chiến tranh. Đến năm 1990, KT-XH Hướng Hóa mới có bước phát triển. 100% thôn, bản định canh, định cư. Toàn huyện có 4.620 ha cà phê, 4.355 ha sắn, 876 ha cao su… hàng năm đạt doanh thu hàng trăm tỉ đồng”.
Những câu chuyện về Tà Cơn trong chiến dịch Khe Sanh đã thôi thúc tôi tìm đến xã Tân Lập ngay sáng hôm sau. “Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy”, đất Tà Cơn hôm nào “một tấc đất được dọn sạch đạn bom phải đổi bằng tính mạng con người” giờ đã ngút ngát màu xanh của hồ tiêu và cà phê.
|
Tà Cơn ngày mới |
Nằm sâu trong các rẫy cà phê là di tích sân bay Tà Cơn. Dẫu đang trong quá trình sưu tầm, phục dựng đầy đủ, nhưng hàng năm, Bảo tàng sân bay Tà Cơn đã thu hút hàng nghìn lượt du khách. Tôi dừng lại khá lâu bên những vỏ bom đã lên gỉ màu nâu đỏ. Những người lính Mỹ năm xưa còn sống sót đã nhiều lần tìm đến nơi đây với lòng hối hận. Họ cũng đã phải sống những năm tháng day dứt khôn nguôi về những gì mình đã gây ra… Chẳng có cớ gì người dân nơi đây lại nuôi giữ nỗi căm hận trong lòng. Tôi tin thế!
Rời Khe Sanh trong những xúc cảm chưa dứt về miền đất một thời đạn bom vần vũ, tôi thầm hẹn ngày trở lại để đi hết cả vùng đất, để được gặp nhiều hơn nữa những chàng trai, cô gái Pa Cô, Vân Kiều hồn nhiên, trong trắng… Những Làng Vây, Tà Cơn, Khe Sanh, Cam Lộ, Dakrông, Nghĩa trang đường 9, địa phận hàng rào Macnamara, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải… lần lượt nằm lại phía sau… Tôi không ngoái nhìn lại những vùng đất ấy, nhưng tâm trí vẫn mường tượng về cánh chim cơ-tia chấp chới bay trên những triền đồi xanh mướt, về hình ảnh cô gái Pa Cô gùi măng mộc mạc, yên bình…
Và đêm đêm, trong tiếng đàn Ta-lư âm vang, trai gái khắp các bản làng Hướng Hóa lại cất lên những điệu hát tình yêu như chiến tranh chưa từng đi qua…
Khe Sanh, tháng 7/2013
ANH HOÀI
Theo báo hà tĩnh
|