Tiếng Nghệ trong thơ Nguyễn Bùi Vợi
TS. Nguyễn Hoài Nguyên
04/09/2011
Lớp từ ngữ tiếng Nghệ này càng tô đậm chất Nghệ trong thơ ông, làm nên cái duyên cho thơ ông. Sự chắt lọc nghiệt ngã của thời gian đã giữ lại cho tiếng Nghệ những nét tinh tế nhất và chúng đã lấp lánh trong thơ Nguyễn Bùi Vợi.
>> Tình yêu người Nghệ qua một bài thơ
1. Dẫn nhập
1.1. Theo thuật ngữ ngôn ngữ học, tiếng địa phương hay phương ngữ là những biến thể và dạng tồn tại của ngôn ngữ toàn dân làm nên những đặc điểm riêng về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và được sử dụng trong một môi trường địa lí hẹp hơn. Tiếng Nghệ (còn gọi phương ngữ Nghệ Tĩnh), theo nhiều nhà ngữ học là một trong vài thứ tiếng còn bảo lưu nhiều yếu tố cổ của tiếng Việt. Tiếng Nghệ trầm nặng, trọ trẹ nhưng lại là chất liệu để tạo nên một nền văn nghệ dân gian giàu có và đầy bản sắc. Ngày nay, tiếng Nghệ vẫn cứ hội nhập ngôn ngữ văn hóa dân tộc với một thứ của để dành quý hiếm bằng cách nhiều từ ngữ tiếng Nghệ tham gia vào tác phẩm văn chương và đã phát huy hiệu lực thẩm mĩ cao hơn nhiều so với từ phổ thông tương ứng. Điều này có thể được chứng tỏ qua thơ Nguyễn Bùi Vợi.
1.2. Có thể nói, suốt một đời, Nguyễn Bùi Vợi đã cố gắng không mệt mỏi cho lao động thơ ca. Ông luôn luôn rèn luyện phẩm chất của người làm thơ với ý thức muốn vượt lên chính mình để có những câu thơ làm rung động lòng người. Ông có nhiều câu thơ thấm đẫm hồn quê và tình người xứ Nghệ. Chất Nghệ trong thơ ông, đó là sự thẳng thắn đến mộc mạc, chân chất đến hồn nhiên được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ mà ông đã nhận diện bằng cảm thức của người bản ngữ: Gió Lào thổi rạc bờ tre/ Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn (Tiếng Nghệ). Có thể nói, Nguyễn Bùi Vợi rất có ý thức sử dụng lớp từ ngữ Nghệ Tĩnh trong thơ và ông đã thành công. Bài viết này, chúng tôi muốn góp phần làm sáng tỏ vai trò văn hóa - xã hội của tiếng địa phương thông qua việc tìm hiểu tiếng Nghệ trong thơ Nguyễn Bùi Vợi.
2. Lớp từ Nghệ Tĩnh trong thơ Nguyễn Bùi Vợi
2.1. Tư liệu khảo sát
Màu sắc địa phương trong tác phẩm văn chương là tổng hòa những yếu tố thuộc các mặt khác nhau của ngôn ngữ nhưng đáng chú ý nhất là mặt từ vựng. Theo đó, tiến hành thống kê trong 132 bài thơ của Nguyễn Bùi Vợi, chúng tôi thu tập được 55 từ ngữ Nghệ Tĩnh. Các từ ngữ này được sử dụng theo những dạng thức sau đây:
Trước hết, những từ ngữ không có trong tiếng Việt toàn dân. Đây là những từ ngữ được người địa phương tạo ra trên chất liệu ngôn ngữ dân tộc để gọi tên những sự vật chỉ tồn tại trên khu vực địa phương. Nguyễn Bùi Vợi đã dùng bốn từ loại này: ghế gủng, móm (cọ), nhút, cáu sườn. Từ ghế gủng, từ láy, nghĩa sắc thái hóa theo hướng khái quát hóa: ghế nói chung. Từ móm (cọ), danh từ, lá cọ buộc túm lại dùng để đựng cái gì đó. Từ nhút, danh từ, thức ăn được chế biến từ quả mít non, có vị chua. Từ cáu sườn, động từ, tức giận ở mức độ cao. Các từ này tham gia vào hệ thống từ vựng tiếng Việt. Tiếng Nghệ, nhờ đó lại tham gia vào ngôn ngữ văn hóa dân tộc, làm cho ngôn ngữ văn hóa dân tộc trở nên phong phú hơn, đa dạng hơn. Tiếp đến là những từ ngữ có dạng biến thể ngữ âm (tương ứng về ngữ âm, tương đồng về ngữ nghĩa) so với tiếng Việt toàn dân. Đó là các từ có sự tương ứng về âm đầu như: tê - kia, chi - gì, trụng - nhúng, sèm - thèm, nhởi - chơi, truồng- chuồng. Các từ tương ứng về phần vần: cơn - cây, ni - này, tê - kia, hột - hạt, tui - tôi. Các từ tương ứng về thanh điệu: ga - gà, ni - này. Những từ ngữ vốn là tiếng Việt cổ tồn tại trên khu vực địa phương (những từ này khác âm nhưng tương đồng về nghĩa), đó là các từ: hao - gầy, ra răng - làm sao, mồm - miệng, cựa mình - trở mình, vốc - nắm, đài - gầu, cươi - sân, chộ - thấy, đọi - bát, cá tràu - cá quả, vo trốôc - gội đầu, mô - đâu, choa - chúng tôi, bà o - bà cô, cơ man - nhiều, rú - núi, nỏ - không, con nít - trẻ con, bầy tui - bọn tôi, răng - sao, rứa - thế. Những từ ngữ trên đây, Nguyễn Bùi Vợi sử dụng trong thơ rất tự nhiên vì đây là những từ ngữ gắn bó với đời sống hàng ngày của người Nghệ Tĩnh, được họ sử dụng thường xuyên trong giao tiếp trên khu vực địa phương. Cuối cùng là những từ láy địa phương như: ghế gủng, bụi bậm - bụi bặm, khật khừ - khặc khừ, lầm lụi - lầm lũi, lụi hụi - lúi húi, ngơm ngớp - nơm nớp, lao phao - lào phào, ọc ạch - óc ách. Những từ láy này có tư cách ngữ pháp là động từ, tính từ được sử dụng phổ biến ở Nghệ Tĩnh. Trong đó, từ ghế gủng là từ đặc phương ngữ vì không có đơn vị hoặc dạng thức tương đương trong tiếng Việt toàn dân và các phương ngữ khác. Các từ láy khác có dạng biến thể ngữ âm của tiếng Việt toàn dân. Chẳng hạn, từ láy ọc ạch trong tiếng Nghệ tương ứng với từ óc ách trong tiếng Việt toàn dân. Điều đó cho thấy, các mô hình chung của từ láy trong tiếng Việt vẫn có những thể hiện độc đáo trong các phương ngữ. Nhờ những mô hình chung đó mà người Việt ở các vùng địa phương khác, nhìn chung đều có thể hiểu được những từ láy tiếng Nghệ.
2.2. Giá trị thẩm mĩ của các yếu tố từ ngữ tiếng Nghệ
Phương ngữ học đã khẳng định phương ngữ không phải là một hình thái hư hỏng hay thấp kém của ngôn ngữ. Tuy phương ngữ là một khái niệm thường gắn với một vùng địa lí - dân cư nhất định, song nó không chỉ có ý nghĩa địa lí mà còn có ý nghĩa xã hội. Với tư cách là công cụ giao tiếp, phương ngữ gắn bó với một tập thể của những người tham gia trực tiếp vào đời sống xã hội - văn hóa của địa phương. Mặt khác, trong các phong cách chức năng, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật xử lí các yếu tố địa phương, xem các yếu tố địa phương là chuẩn. Việc dùng từ ngữ địa phương là một biện pháp có tác dụng tốt đối với hiệu lực thông báo của tác phẩm văn chương. Dĩ nhiên, lạm dụng từ ngữ địa phương trong văn chương là điều cần tránh nhưng thờ ơ, không dùng nó thì cũng là một thái độ không đúng. Nhận thức được điều đó, Nguyễn Bùi Vợi đã thực hiện một sự lựa chọn cá nhân nhằm phát huy hiệu quả của tiếng Nghệ trong ngôn ngữ thơ, làm thành một thương hiệu Nghệ: Lấy chồng xứ Nghệ vui lắm nhé/ Bữa cơm ăn no là đứng lên/ Mặc cho khách ngồi nhai nhỏ nhẻ/ Cười hì: cái tính bầy tui quen (Chồng Nghệ). Cái tính bầy tui (bọn tôi) quen là nói cái mộc mạc nhưng chân tình, bình dị nhưng đằm thắm trong giao đãi của người Nghệ. Nhưng đây cũng là cái thói quen ngôn ngữ của người Nghệ. Bầy tui (bọn tôi): Đã thẳng, thẳng như ruột ngựa/ Đã nói thì nói oang oang/ Ông trời nói sai cũng cãi/ Như rứa là dân Nghệ An (Giao thừa trằn trọc). Ở các câu thơ trên, nếu thay các từ bầy tui bằng bọn tôi, như rứa thành như thế thì sẽ không làm nổi rõ tính cách Nghệ tuy có chút gàn bướng nhưng thẳng thắn, bộc trực, tuy có chút thô vụng nhưng đằm sâu tình đời, tình người.
Trong nhiều bài thơ của Nguyễn Bùi Vợi, từ ngữ tiếng Nghệ được sử dụng hết sức tự nhiên như chính lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân quê ông. Các từ ngữ địa phương có tác dụng miêu tả những cảnh sắc mang tính chất địa phương cụ thể bộc lộ cách nghĩ, cách cảm của người địa phương. Chẳng hạn: Mít cơn ni cơn tê/ Bở dai chi cũng ngọt (Nỗi nhớ không mùa). Hai câu thơ ngắn mà có đến năm từ tiếng Nghệ: cơn (cây), ni (này), cơn (cây), tê (kia), chi (gì) làm cho câu thơ gần với lời nói hàng ngày nhưng lại rất thơ bởi nói được cái đằm thắm của tình người xứ Nghệ. Nếu ta chuyển dịch hai câu thơ trên thành Mít cây này cây kia/ Bở dai gì cũng ngọt thì chất thơ chỉ còn một nửa. Là người con Nghệ Tĩnh, Nguyễn Bùi Vợi đã xây dựng một tứ thơ từ tiếng Nghệ. Đó là bài thơ Tiếng Nghệ. Bài thơ như một từ điển về vốn từ tiếng Nghệ: Cái gầu thì bảo cái đài/ Ra sân thì nói ra ngoài cái cươi/ Chộ nghĩa là thấy em ơi/ Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em... Bằng giọng thơ lục bát nhẩn nha và dùng cái mã thẩm mĩ là hàng loạt từ địa phương, Nguyễn Bùi Vợi đã xây dựng thông điệp thẩm mĩ: tiếng Nghệ - người Nghệ - tình Nghệ: Gió Lào thổi rạc bờ tre/ Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn/ Từ trong đá sỏi đất cằn/ Chắt yêu thương mới sâu đằm đó em (Tiếng Nghệ).
Một khía cạnh khác của tính cách Nghệ cũng được Nguyễn Bùi Vợi mô tả và thể hiện khá rõ nét qua cách ông sử dụng từ ngữ tiếng Nghệ trong thơ: Vợ tui nó đảm nên còn đỡ/ Cơm nỏ có nhiều chỉ no khoai/ Nghe bầy con nít ngoài ni hát/ Nghệ Tĩnh mình ơi cũng cáu sườn (Một nét chân dung). Các từ ngữ tiếng Nghệ: tui (tôi), nỏ (không), con nít (trẻ con), ni (này), cáu sườn (tức giận) góp phần khắc họa chân dung người Nghệ chịu khó chịu khổ nhưng một phía khác là thái độ sống dứt khoát, quyết liệt trong cuộc sống.
Có trường hợp, từ tiếng Nghệ có sự tương ứng ngữ âm với tiếng Việt toàn dân nhưng ý nghĩa là tinh tế hơn, sâu sắc hơn. Chẳng hạn: Thương quê mình ngọn gió Lào thổi mãi/ Túp nhà tranh mẹ lụi hụi ra vào (Phù sa đời anh). Lụi hụi là biến thể ngữ âm của từ lúi húi trong tiếng Việt toàn dân. Lúi húi có nghĩa là mải mê cắm cúi vào việc đang làm không để ý đến xung quanh [5, 316]. Còn từ lụi hụi Nghệ Tĩnh, ngoài nét nghĩa như lúi húi còn có thêm nét nghĩa lẻ loi, cô đơn tha thủi một thân một mình. Qua cách dùng từ lụi hụi, người đọc thấy được nỗi trăn trở của người con đối với người mẹ ở quê, tình cảm yêu thương đằm thắm đối với mẹ và đối với quê hương. Cũng có trường hợp, do nhu cầu lựa chọn một hình thức từ ngữ mà vỏ ngữ âm của nó phù hợp với âm luật của thơ, tạo nên sự hài thanh hoặc tạo âm hưởng đặc biệt cho câu thơ. Chẳng hạn: Đưa các cháu vào Nghệ/ Toàn vào dịp gió Lào/ Chị vuốt tóc từng đứa/ Khổ, nóng cháu tôi hao (Nỗi nhớ không mùa). Từ hao tương ứng với từ gầy trong tiếng Việt toàn dân. Nguyễn Bùi Vợi dùng từ hao tiếng Nghệ để hiệp vần với Lào ở câu trên (vần ao). Nếu thay từ hao bằng từ gầy thì không những thất vận mà âm hưởng câu thơ cũng không còn nữa.
Có thể kể thêm một số bài thơ khác của Nguyễn Bùi Vợi phảng phất phong vị tiếng Nghệ cùng với tác dụng văn chương của nó. Nguyễn Bùi Vợi có nhiều bài thơ được người đọc yêu thích, dù sự yêu thích đó không phải chỉ do tiếng Nghệ tạo ra, song lớp từ ngữ tiếng Nghệ mà nhà thơ đã sử dụng có một vai trò hết sức quan trọng.
3. Kết luận
Nguyễn Bùi Vợi là người trung thực và thẳng thắn nhưng lại hồn nhiên và thoải mái. Ông chủ yếu tìm nguồn thi hứng ở cái tâm đối với cuộc đời và con người, trong đó có tình cảm ông dành cho quê hương theo kiểu Vắt máu tim mình làm mực viết (thơ Trần Lê Văn tặng Nguyễn Bùi Vợi). Đó chính là tính cách Nghệ, chất Nghệ ở người ông và nó đã khúc xạ vào thơ ông rất đậm nét. Ông còn đưa vào ngôn từ thơ ca những mô, tê răng, rứa của thứ tiếng mà Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn. Lớp từ ngữ tiếng Nghệ này càng tô đậm chất Nghệ trong thơ ông, làm nên cái duyên cho thơ ông. Sự chắt lọc nghiệt ngã của thời gian đã giữ lại cho tiếng Nghệ những nét tinh tế nhất và chúng đã lấp lánh trong thơ Nguyễn Bùi Vợi²
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Phan Cảnh, Ngôn ngữ thơ, NXB VHTT, Hà Nội, 2001.
2. Nguyễn Xuân Đức, Tiếng Nghệ trong ngôn ngữ văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa Dân gian, 1997, số 3.
3. Nguyễn Quang Hồng, Các lớp từ địa phương và chức năng của chúng trong ngôn ngữ văn hóa tiếng Việt, trong cuốn “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ”, NXB KHXH, Hà Nội, 1981.
4. Nguyễn Hoài Nguyên, Định vị phương ngữ Nghệ Tĩnh trong các phương ngữ Việt, Ngữ học trẻ 2007, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội, 2007.
5. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển từ láy tiếng Việt, NXB GD, HN, 1995.
6. Nguyễn Bùi Vợi, Tuyển tập thơ Nguyễn Bùi Vợi, NXB Văn học, Hà Nội, 2002.
|