Từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, làng Mó có tên thôn Sách Mỗ, sau đó có tên là thôn Thái Thịnh, thuộc tổng Thái Thịnh, huyện Nghĩa Đàn cũ. Từ năm 1961 đến nay, làng có tên làng Mó (xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp). Cái tên làng Mó tuy được đặt lại, nhưng cũng để thể hiện bản sắc của người dân tộc Thổ đang sinh sống ở đây. Người Thổ có tập quán sinh sống dọc các mó nước, các bờ suối, bờ sông. Mó tức là nguồn nước, dòng nước tự nhiên, người dân sống nhờ mó nước, họ thờ thần Mó để cầu xin no ấm, bình an...
Tôi về làng Mó giữa ngày mùa tất bật, người dân trong bản làng đổ hết ra nương rẫy thu hoạch mía chở ra nhập cho nhà máy đường. Cuộc sống, tập quán sản xuất, làm ăn của người dân đã thay đổi nhiều. Nhưng dấu ấn của người Thổ vẫn in đậm trong tiếng nói, trong phong tục, tín ngưỡng, trong câu ca, điệu hát Đu đu điềng điềng, Tập tính, tập tang…
Ông Trương Công Huê và bộ cồng của người Thổ.
Tính đến nay, làng Mó đã có 13 năm tuổi Làng Văn hóa và 8 năm tuổi Làng Văn hóa thuần Thổ. Trong suốt quãng thời gian đó, bà con nơi đây đã không ngừng giữ gìn bản sắc dân tộc mình, xây dựng nếp sống văn hóa, tích cực lao động, sản xuất để cuộc sống ngày một no đủ, phong phú hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, làng Mó hiếm có các tệ nạn xã hội, tình làng nghĩa xóm gắn bó, đoàn kết. Đặc biệt, năm 2012, nhân dân làng Mó, cùng với sự ủng hộ, giúp sức của các doanh nghiệp, đã phục dựng lại được đền thờ Thành hoàng làng trên nền cũ (trước đó bị chiến tranh tàn phá), khôi phục lại những nét văn hóa, tín ngưỡng trong nhân dân.
Người dân làm lại những vật dụng và một số dụng cụ nỏ, tên, đan lát rổ rá, mẹt, đan võng gai… là nghề truyền thống từ xa xưa của đồng bào Thổ. Để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống người Thổ, làng Mó đã thành lập CLB Văn nghệ dân gian Thổ, hoạt động gần 10 năm qua, tìm lại, sưu tầm và đưa lời ca cổ của đồng bào Thổ về với cuộc sống hiện đại. Sinh hoạt văn nghệ không phải là để đi thi, để biểu diễn cho những ngày lễ, hội nữa, mà trở thành nếp sinh hoạt thường ngày của bà con.
Các cụ già phấn khởi lắm: "Thích hát, hát cả ngày cũng được. Nhà nước cho làng Mó là Làng Văn hóa ai cũng vui, cũng mừng lắm. Có CLB nên ngày một nhiều người hát bài hát Thổ hơn, trước đó biết mà giữ trong người thôi. Chỉ mong cứ sinh hoạt, tập văn nghệ lâu dài để sau ni tôi có chết rồi, con cháu ai cũng biết, cũng nhớ dân ca của ông bà tổ tiên...”.
Có được danh hiệu Làng Văn hóa không dễ, làng Mó được chọn để xây dựng Làng văn hóa thuần Thổ bởi nơi đây có lịch sử, văn hóa lâu đời của người Thổ. Hiện nay, số lượng đồng bào Thổ chiếm hơn 70%, với khoảng 201 hộ dân và hơn 1000 khẩu. Giữ và duy trì được danh hiệu là cả một chặng đường khó khăn, vất vả.
Cổng làng Mó, xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp).
Gặp xóm trưởng Ngô Thị Thoa, bà cho biết: “Năm 2000, chúng tôi được tỉnh công nhận là Làng Văn hóa, đến năm 2005 được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Làng Văn hóa thuần Thổ và xây dựng CLB Văn nghệ dân gian dân tộc Thổ. Từ đó đến nay, chúng tôi đã rất cố gắng, xứng đáng với danh hiệu. Chúng tôi đã khuyến khích nghề đan lát truyền thống, xây dựng được nhà văn hóa, sân bóng rộng rãi, có tới 11 đội bóng chuyền và 2 đội bóng đá. Bình thường, chiều đến là sân bóng đông nghịt người. CLB Văn nghệ dân gian Thổ với hơn 50 thành viên, từ các cụ cao tuổi, chị em phụ nữ đến thanh, thiếu niên. Nhưng, cái lo thì nhiều lắm. Lo làm sao để duy trì được cái thuần Thổ bởi khi mà cuộc sống dân bản còn quá nhiều khó khăn, miếng cơm manh áo và nuôi con cái học hành khiến cho sự quan tâm đến văn hóa, bản sắc của mình trở nên hạn chế!”.
Tôi tìm đến nhà ông Trương Công Huê (78 tuổi), người giữ gìn hộ làng bộ cồng chiêng, và cũng là một trong số ít các cụ còn giữ được những đồ dùng, vật dụng đặc trưng của người Thổ. Ông Huê tâm sự: “Bộ cồng của người Thổ có 4 cái, bị nứt mất một cái rồi. Nhà nước cũng cho tiền, nhưng dân làng chúng tôi đang góp tiền thêm mới đủ để mua bộ mới”. Rồi ông chỉ cho tôi xem những vật dụng do ông tự tay làm ra để sử dụng trong nhà, đem bán lấy tiền tạo thêm thu nhập, và cả để làm kỷ vật: cái nỏ, cái ống cắm dao đi rừng, cái nậm bắt cá… “Trước, tôi có nhiều thứ hơn nữa, nhưng cho huyện, cho xã bớt đi rồi đó” - ông Huê khoe. Rồi cụ già tóc bạc chợt trầm ngâm: “Những người già, có thời gian làm để mà nhớ cái nghề cha ông truyền lại, chứ người trẻ đang lo làm ăn kinh tế, không thể chỉ dựa vào đan lát để kiếm sống. Những đồ của tôi làm ra, đem đi bán, người ta mua hết ngay, thời gian làm ra nó thì lâu lắm. Hay như đan võng gai cũng thế, trồng được gai, rồi lấy sợi, đan thành võng, cũng cả mấy tháng trời mới được một cái, mà bán ra chỉ mấy trăm ngàn?!”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Thanh Hải - cán bộ văn hóa xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) cho biết: “Cái đáng quý nhất của làng Mó là đã duy trì và phát triển được Làng Văn hóa thuần Thổ suốt hàng chục năm qua. Điều đó không hề dễ. Điều còn trăn trở đó là đời sống người dân vẫn còn khó khăn nên chưa có điều kiện quan tâm đến văn hóa. Mặt khác, về lâu dài, công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Thổ, cần đến người có chuyên môn, am hiểu nữa!”.