Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh >
  Chuyện đời một Trung tướng Chuyện đời một Trung tướng , Người xứ Nghệ Kiev
 


 

 

(Baonghean) - Những ngày này, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang hướng tới Lễ kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2011) và Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Bạn đọc hôm nay cảm phục khi được đọc hồi ức “Niềm tin và lẽ sống” (Nxb Quân đội nhân dân, 1995) của Trung tướng Nguyễn Đệ quê Võ Liệt, Thanh Chương - Nghệ An, biệt danh Ba Trung (1928-1998). Cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng này là bản anh hùng ca bất hủ, là một điển hình trong quá trình tranh đấu vươn lên từ kiếp đời nô lệ, đánh bại các thế lực bạo tàn để giành lấy tự do và độc lập...
 
 
Tuổi thơ lưu lạc
 
Nguyễn Đệ sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Chưa đầy 4 tuổi, cậu bé Đệ đã phải gánh chịu phận mồ côi cha. Rồi 3 năm sau mẹ cậu đi bước nữa và theo bố dượng vào mưu sinh ở đất Nam Kỳ. Mới lên 7 tuổi, Nguyễn Đệ đã trở thành người ở đợ cho một gia đình hào phú trong làng. Lúc đầu, cậu được giao nhiệm vụ trông nom con trai út 2 tuổi của chủ nhà, sau đó chủ giao cho việc chăn đàn bò 5 con. Không thể kể hết những vất vả, tủi nhục trong thời gian đi ở đỡ. Cậu luôn sống trong tình trạng ăn đói, mặc rách. Mùa đông tê buốt, chỉ có tấm áo mỏng manh, chủ nhà lại bắt xuống ngủ dưới chuồng bò để canh kẻ trộm. Nhiều hôm cậu phải nhịn đói suốt đêm vì ngày hôm đó bò ăn không no. Có hôm, đi chăn bò về đói hoa mắt, mệt lử người, Nguyễn Đệ trông thấy nồi cám lợn trên bếp vốc mấy miếng để ăn. Bà chủ nhìn thấy liền xông vào đánh đập làm cậu té ngửa, nồi cám vung vãi tung tóe khắp nhà. Chưa hết, bà chủ còn dùng chiếc bát múc cám ném vào mặt cậu, mảnh vỡ găm vào mi mắt, máu chảy khắp mặt mũi. Mấy lần do bị chủ đánh đập tàn nhẫn, Nguyễn Đệ tìm cách bỏ trốn ra chợ để ăn xin, nhưng chủ nhà lập tức cho người đi tìm để đưa về và tiếp tục sống những ngày khổ ải. Đi ở được 4 năm, khi cậu đã thấm thía hết mọi đắng cay, tủi nhục thì người mẹ từ miền Nam trở về trả cho chủ nhà 30 đồng bạc Đông Dương để chuộc con trai. Sau đó, người mẹ đưa cậu con trai vượt hàng ngàn cây số vào tận sở cao su Bình Ba, thuộc Xuân Lộc (nay là huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Tại đây, cậu bé hơn 10 tuổi chính thức trở thành một phu đồn điền, sống cuộc đời cơ cực, cay đắng dưới đòn roi của bọn cai đồn. Năm Nguyễn Đệ 13 tuổi, mẹ con cậu phải dắt díu nhau chạy trốn khỏi sở cao su để lên Sài Gòn kiếm sống. Trên đất này, người mẹ tảo tần làm nghề gánh nước mướn và bán chè rong, còn "vị tướng tương lai" của chúng ta phải bỏ học đi bán báo và bán kem dạo khắp thành phố để kiếm tiền phụ giúp mẹ. Nhưng rồi đất Sài Gòn không dễ sống, mẹ con cậu lại trôi dạt về huyện Long Thành, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai). Ở Biên Hòa, người mẹ phải đi ở đợ, còn cậu bé chưa đến tuổi 15 được nhận vào làm mướn cho một tiệm may. Một thời gian sau, nhờ thông minh, cần cù và chịu khó học hỏi, chàng thanh niên 16 tuổi đến từ đất Nghệ trở thành một thợ may giỏi. Ông chủ tiệm may là người tốt bụng nên đã giúp Nguyễn Đệ mở được một tiệm may riêng. Tiệm may ngày càng đắt khách, từ đây cuộc sống của hai mẹ con đỡ phần vất vả. 
 
Bước ngoặt cuộc đời
 
Tháng 4/1945 đã mở ra bước ngoặt cuộc đời của người thanh niên đất Nghệ lưu lạc trên đất Nam Kỳ. Có thể nói bước ngoặt này đã mở đường cho Nguyễn Đệ trở thành Trung tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Lúc bấy giờ, một người có tên là Phú, thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong, huyện Long Thanh tìm đến vận động Nguyễn Đệ  tham gia tổ chức để góp một phần công sức, đẩy mạnh phong trào. Tham gia tổ chức Thanh niên Tiền Phong, ông được giao nhiệm vụ rải truyền đơn tuyên truyền, sau đó làm liên lạc cho Mặt trận Việt Minh cấp huyện. Do tích cực, hăng hái hoạt động, lại được tham gia lớp bồi dưỡng chính trị, Nguyễn Đệ được cử  làm thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong xã Phước Thiềng (huyện Long Thành). Ngày 13/8/1945, ông chỉ huy đoàn biểu tình của huyện Long Thành về Sài Gòn tham gia Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thành công, trước nguy cơ kẻ thù trở lại xâm lược, ông được cấp trên phân công tuyển chọn lực lượng thanh niên làm nòng cốt cho việc thành lập Vệ Quốc đoàn, tổ chức vũ trang đầu tiên của huyện Long Thành. Đầu năm 1946, Nguyễn Đệ được cử xuống Bà Rịa yêu cầu viện binh. Lúc này, địch đánh phá và bao vây hết các ngả đường, không thể trở về Long Thành, ông quyết định xin gia nhập và chiến đấu ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại đây, ông được giao nhiệm vụ làm đội trưởng Đội Quyết tử. Trong một lần đột nhập vào vùng địch hậu, ông bị sa vào tay giặc. Bọn giặc dùng mọi hình thức tra tấn dã man để buộc ông khai ra sự thật. Nhưng với bản lĩnh “thép” đã được tôi luyện, Nguyễn Đệ nhất mực không khai, dù có lúc cái chết đã cận kề. Không thể khai thác được gì, bọn Pháp thôi tra tấn nhưng vẫn giam giữ ông trong ngục. Một đêm trời tối như bưng, ông và hai người bạn tù quyết tâm vượt ngục. Khi đến hàng rào thứ 3, địch phát hiện và báo động, một người bạn tù bị bắn chết, ông và người bạn còn lại vẫn chạy thẳng theo hướng bìa rừng và trốn thoát.
 
Cuối năm 1946, Nguyễn Đệ được cử đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tại Sơn Tây, đồng thời chuyển một số  tài liệu quan trọng ra Trung ương. Trên đường đi, ông được nghe lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây chính là lời hiệu triệu của non sông đất nước và càng thúc dục ông hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Người thanh niên yêu nước và giàu nhiệt huyết cách mạng đã băng qua bao đèo cao, suối sâu của núi rừng Tây Nguyên, của dãy Trường Sơn. Đi đến buôn làng nào, ông và các đồng đội lại tổ chức giúp bà con thành lập chính quyền cách mạng ở đó. Đồng thời, nhờ sự kiên trì và vận động khéo léo, ông đã tổ chức thành lập  các trạm giao liên nối liền tuyến hành lang dài khoảng 300 km suốt từ Ninh Thuận đến Khánh Hòa. Có lần, Nguyễn Đệ và đồng đội của ông bị lọt vào ổ phục kích của buôn Du Oai, A Thổ. Đồng đội bị hy sinh và lạc đường, riêng Nguyễn Đệ bị trúng một mũi tên tẩm độc vào bắp tay. Ông phải một mình lần mò giữa rừng sâu trong cảnh trời mưa tầm tã, thú rừng hung dữ, tối ngủ hang đá, ngày lê bước hoặc trườn tấm thân giữa đại ngàn, bụng không có hạt cơm. Có lúc kiệt sức nên bị lả đi. Vết thương đã làm thối thịt, cái chết một lần nữa cận kề nhưng người thanh niên đất Nghệ vẫn gắng gượng bằng chút sức lực cuối cùng để tìm sự sống và tiếp tục chiến đấu. Rất may,  ông bò được đến cầu thang một ngôi nhà của đồng bào dân tộc, được tận tình cứu chữa và vượt qua được cơn hiểm nghèo. 
 
Tháng 5/1947, do điều kiện tình hình thay đổi, Nguyễn Đệ từ Phú Yên được lệnh trở về Nam bộ để nhận nhiệm vụ mới. Lại băng rừng, vượt qua bao gian nguy, vất vả, ông và đồng đội mới về được đến đích để nhận nhiệm vụ Đội trưởng kiêm chính trị viên Đội biệt động và vũ trang tuyên truyền tỉnh Bà Rịa. Sau 1 tháng thành lập, Đội do ông chỉ huy tổ chức đánh trận đầu và diệt gọn tiểu đội tuần tiễu của địch, mở màn cho những chuỗi thắng lợi vang dội về sau. Từ năm 1947- 1954, với nhiều cương vị khác nhau, Nguyễn Đệ đã chỉ huy các đơn vị đánh địch và giành hàng trăm trận thắng, thu được nhiều loại vũ khí, nhổ hàng trăm đồn bốt giặc, diệt hàng chục vạn tên giặc, góp phần giải phóng một vùng rộng lớn của tỉnh Bà Rịa. Với sự thông minh, mưu trí, dũng cảm của một người chỉ huy, ông đã góp phần đánh bại chiến thuật Đờ- la- tua (xây dựng hệ thống tháp canh kiên cố, dày đặc để ngăn chặn quân ta tiến công) của Pháp. 
 
Năm 1954, sau thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Nguyễn Đệ theo đoàn quân chiến thắng ra miền Bắc tập kết. Sau đó, được cử đi học tại Trường Sỹ quan lục quân tại Quế Lâm (Trung Quốc). Rời trường trở về nước ông được giao làm chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 78, Sư đoàn 330. Sau đó, năm 1956, Nguyễn Đệ lại được cử tham gia lớp đào tạo tạo tại Trường Sỹ quan Lục quân trong thời gian 2 năm. Trở về, ông được giao nhiệm vụ làm Tiểu đoàn trưởng kiêm chính trị viên Tiểu đoàn 307. Lúc này, ở miền Nam, bọn Mỹ- Diệm đã nắm chính quyền và công khai chống phá Hiệp định Giơ-ne-vơ, không thực hiện tổng tuyển cử, ra sức trả thù những người đi theo kháng chiến và đàn áp cách mạng. Nguyễn Đệ cùng toàn thể anh em chiến sỹ tập kết ra Bắc lòng như lửa đốt, luôn sống trong cảnh “Ngày Bắc, đêm Nam”. 
 
Tháng 4/1960, sau khoảng thời gian 6 năm tập kết, Nguyễn Đệ được cử trở lại miền Nam chiến đấu. Trước lúc lên đường, ông cùng với 53 anh em khác được Bác Hồ, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ, dặn dò và động viên tinh thần và hẹn ngày toàn thắng, thống nhất hai miền Nam- Bắc. Trên đường vào Nam, đoàn xe dừng lại ở khu vực Bến Thủy. Rất muốn được ngược dòng Lam về thăm quê Võ Liệt, nhưng vì yêu cầu nhiệm vụ, Nguyễn Đệ đành gác lại ước mong cháy bỏng với quê hương. 



Trung tướng Nguyễn Đệ (giữa) và Bộ Tư lệnh Tiền phương quân khu IX lên kế hoạch mở màn chiến dịch Đông - Xuân 1974 - 1975 ở mặt trận Vĩnh - Trà. 
Ảnh: Tư liệu

Vị “Thủ lĩnh” miền Tây
 
Sau hơn 4 tháng hành quân vất vả, đi xuyên rừng Trường Sơn, đối diện với đói rét, bệnh tật và sự truy lùng của địch, cuối cùng Nguyễn Đệ và các anh em về được với miền Nam. Nhiệm vụ mới của ông lúc này là được Trung ương cục phân về khu IX giữ chức vụ Tham mưu trưởng quân khu, sau đó được điều về tăng cường cho tỉnh Cà Mau. Và từ đây, ông kinh qua nhiều nhiệm vụ quan trọng khác nhau, luôn có mặt ở những vùng trọng điểm để xây dựng và củng cố lực lượng chiến đấu. Từ Vĩnh- Trà (Vĩnh Long, Cà Mau), đến Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng đều in dấu chân Nguyễn Đệ. Tháng 10/1963, đang chỉ huy trận đánh ở Đầm Dơi, Nguyễn Đệ bị địch bắn vào đùi. Khi chuyển về đến bệnh viện dã chiến thì vết thương đã nhiễm trùng uốn ván, chỉ có cách là tháo khớp hoặc cưa chân mới có cơ sống sót. Ông khẩn thiết xin các y- bác sỹ tìm phương pháp khác để bảo toàn đôi chân, để ông có cơ hội tiếp tục ra mặt trận chiến đấu với kẻ thù. Cuối cùng, đội ngũ y- bác sỹ cứu ông bằng cách rạch vết thương, rưới nước muối để diệt vi trùng. Vô cùng đau đớn nhưng Nguyễn Đệ vẫn cắn răng chịu đựng. Cuối cùng ý chí và bản lĩnh đã giúp ông chiến thắng, và ít lâu sau ông lại có mặt ở chiến trường để chỉ huy các trận đánh, khiến cho bọn Mỹ- Ngụy bao phen kinh hồn, bạt vía. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, với cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 306, Chỉ huy phó mặt trận Vĩnh- Trà, Nguyễn Đệ chỉ huy đánh chiếm Thị xã Vĩnh Long trong vòng 6 ngày. Chiều ngày 30/4/1975, sau khi Sài Gòn được giải phóng, với cương vị chỉ huy lực lượng Quân giải phóng Vĩnh- Trà, Nguyễn Đệ tổ chức bao vây Thị xã Vĩnh Long và buộc tên Tỉnh trưởng phải đầu hàng vô điều kiện.
 
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nguyễn Đệ được cấp trên giao trọng trách làm Sư đoàn trưởng, sau đó Tư lệnh mặt trận 797, rồi Tư lệnh Quân khu IX. Ông chính là người đã chỉ huy các lực lượng của ta chiến đấu bảo vệ vùng Biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp Cămpuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt và giúp nước bạn từng bước hồi sinh. Từ năm 1986- 1996, Nguyễn Đệ là Tư lệnh Quân khu IX.
 
Về chuyện tình yêu của tướng Nguyễn Đệ với bà Lê Thị Hồng Quý cũng thật sự tiêu biểu cho tình yêu nam nữ, tình nghĩa vợ chồng của con người Việt Nam trong thời chiến. Tình yêu của họ nảy nở khi người lính trận tuổi 26 bị thương nặng được người con gái tuổi 17 đất Bà Rịa tận tình chăm sóc. Nhưng do chiến tranh, đất nước bị chia cắt, trước lúc người con trai lên đường ra Bắc tập kết cũng không có cơ hội gặp nhau, chỉ gửi lời tâm tình hẹn ước qua những trang thư. Người ở đất Bắc không nguôi thương nhớ, người ở trời Nam giữ một lòng thủy chung, son sắt, dù phải trải qua bao thử thách khắc nghiệt của kẻ thù. Đám cưới hai người được tổ chức giản dị nhưng hạnh phúc và ấm cúng ở chiến trường Cà Mau (năm 1963), giữa hai trận đánh lớn và sau gần 10 năm xa cách. 
 
Với những cống hiến lớn lao cho đất nước, cho cách mạng và nhân dân, năm 1988, người con của mảnh đất Thanh Chương- Nghệ An này được phong  hàm Trung tướng. Trước đó 10 năm (năm 1978), ông được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cuộc đời Trung tướng Nguyễn Đệ tiêu biểu cho bản lĩnh, ý chí và nghị lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh của con người quê Nghệ. 

 

Công Kiên


  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65161074

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July