1 - Quân sự gắn kết chặt chẽ với chính trị nhằm phát huy cao độ nhân tố con người tạo sức mạnh tổng hợp to lớn.
Luận điểm này trước hết bắt nguồn từ nhiệm vụ thực tế được giao. Năm 1963, đồng chí Chu Huy Mân được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cử vào miền Nam công tác. Từ đó, ông gắn bó với chiến trường nóng bỏng này trong suốt quá trình đấu tranh gian khổ, cho đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, Tổ quốc thống nhất. Trên tuyến đầu chống Mỹ, cứu nước ấy, đồng chí Chu Huy Mân đã giữ nhiều chức vụ khác nhau: Tư lệnh Quân khu, Phó Bí thư Khu ủy và Quân khu ủy 5, Tư lệnh kiêm Chính ủy mặt trận Tây Nguyên; trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Chính ủy nhiều chiến dịch lớn: chiến dịch Ba Gia (Quảng Ngãi, 28.5-20.7.1965), chiến dịch Plây Me (tỉnh Gia Lai, 19.10-26.11.1965), chiến dịch Sa Thầy, (trên địa bàn hai tỉnh Kon Tum, Gia Lai, 18.10-6.12.1966),... Do đặc thù công tác, nên tư duy quân sự của ông luôn gắn kết chặt chẽ với tư duy chính trị, kết hợp và phát huy hiệu quả song song hai mặt công tác quân sự và công tác chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông được cán bộ, chiến sĩ vẫn thường gọi bằng cái tên thân thương, trìu mến: “anh Hai Mạnh” (mạnh cả về quân sự, chính trị).
Đặt trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, luận điểm đó của đồng chí Chu Huy Mân có một ý nghĩa to lớn, đóng góp quan trọng cho đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng. Bởi kẻ thù của nhân dân ta là đế quốc Mỹ có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Đó là một đội quân xâm lược nhà nghề “được trang bị đến tận chân răng” với nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, chưa từng chịu thất bại trong bất cứ cuộc chiến tranh nào trước đó và đang theo đuổi chiến lược toàn cầu. Do đó, muốn giành được chiến thắng, chúng ta không chỉ dựa vào lực lượng, vào kỹ-chiến thuật, phương tiện đã có, mà chúng ta cần phát huy cao độ sức mạnh chính trị-tinh thần của con người Việt Nam, lấy đó là nhân tố có vị trí, vai trò quyết định đến kết quả cuộc chiến tranh. Đồng chí Chu Huy Mân thường nhớ đến câu nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Đế quốc Mỹ là tỷ phú về đôla, vũ khí, nhưng nhân dân ta lại tỷ phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta nhất định sẽ thắng!”. Muốn phát huy được nhân tố chính trị-tinh thần đó, cán bộ, chiến sĩ phải là những người tiên phong. Theo đồng chí Chu Huy Mân, nội hàm cụ thể của phát huy nhân tố chính trị-tinh thần ấy là bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, chiến sĩ tinh thần cách mạng triệt để của giai cấp công nhân, phát huy lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, ý chí chiến đấu ngoan cường, chấp hành nghiêm tổ chức kỉ luật.
Tư duy quân sự gắn kết chặt chẽ với tư duy chính trị đã được đồng chí Chu Huy Mân thể hiện rõ nét qua hoạt động trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng trên chiến trường miền Nam. Năm 1963, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho đồng chí Chu Huy Mân làm Đoàn trưởng Đoàn kiểm tra của Quân ủy Trung ương vào làm việc với Khu ủy và Quân khu ủy Khu 5. Sau một thời gian làm việc, cùng những chuyến đi thực tế chiến trường, đồng chí Chu Huy Mân đã thống nhất cùng Khu ủy và Quân khu ủy về những hạn chế và nguyên nhân hạn chế của chiến trường này trong thời gian vừa qua. Thay mặt Đoàn kiểm tra, đồng chí Chu Huy Mân chỉ ra 5 vấn đề quan trọng về xây dựng lực lượng vũ trang quân khu:
- Một là, bộ đội chủ lực cần thay đổi cách đánh: từ đánh theo lối phân tán, đánh nhỏ, đánh tiêu hao sinh lực địch không hiệu quả, nay cần chuyển sang đánh tiêu diệt lớn, tác chiến tập trung với quy mô thích hợp để tiêu diệt từng đơn vị địch, đáp ứng yêu cầu phát triển của chiến tranh.
- Hai là, để thực hiện tư tưởng tiến công đánh tiêu diệt lớn, cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng bản chất giai cấp công nhân cho quân đội, nâng cao khí thế cách mạng sôi nổi, phát huy tinh thần dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu, bồi dưỡng tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khắc phục tư tưởng hữu khuynh tiêu cực.
- Ba là, củng cố, tăng cường ý thức tổ chức kỉ luật của bộ đội trong chấp hành mệnh lệnh, chính sách và kỷ luật chiến trường, đặc biệt cần nghiêm khắc với hiện tượng đánh xua, đánh đuổi, không thu được vũ khí, trang bị của địch mà còn làm mất vũ khí, đạn dược của ta.
- Bốn là, nâng cao khả năng cơ động chiến đấu của bộ đội chủ lực; tổ chức đơn vị gọn, nhẹ, từng bước nâng dần thành phần chiến đấu; tăng đơn vị chiến đấu, giảm bớt đơn vị phục vụ.
- Năm là, nâng cao trình độ kỹ-chiến thuật của đơn vị vũ trang, nhất là bộ đội chủ lực; đồng thời nghiên cứu đánh bại các thủ đoạn chiến thuật của địch, trước mắt cần đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của Mỹ-quân đội Sài Gòn ngay trên địa bàn[1].
Những nội dung trên chính là sự cụ thể hóa của tư duy quân sự gắn chặt với tư duy chính trị. Nhờ thực hiện tốt những nội dung biện pháp trên, phong trào cách mạng Khu 5 có bước phát triển mạnh mẽ. Lực lượng vũ trang đẩy mạnh tác chiến tập trung giành những thắng lợi liên tiếp, tiêu biểu như chiến thắng Kỳ Sanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) tháng 8.1964, trận tiêu diệt chi khu quân sự An Lão (bắc Bình Định) tháng 12.1964, chiến dịch tiến công Ba Gia (khu vực Ba Gia, Tịnh Sơn, Bình Sơn, Trà Bồng, Quảng Ngãi) từ ngày 28.5 đến ngày 20.7.1965,... Những thắng lợi liên tiếp giành được trong thời gian này góp phần làm xoay chuyển cục diện chiến tranh trên chiến trường Khu 5 nói riêng, chiến trường miền Nam nói chung, phá sản về cơ bản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-chính quyền Sài Gòn.
Trong những năm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên (1965-1967), đồng chí Chu Huy Mân vẫn luôn giữ vững, thúc đẩy công tác quân sự và công tác chính trị kết hợp chặt chẽ với nhau trong mỗi hoạt động tác chiến, mỗi đơn vị, và trên toàn chiến trường. Trước mỗi chiến dịch, cán bộ, chỉ huy đều nêu rõ quyết tâm, củng cố niềm tin cho cán bộ cấp dưới và bộ đội. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, vừa nhận nhiệm vụ tại “chiến trường mới”, đồng chí Chu Huy Mân cùng với tập thể Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên xây dựng quyết tâm đánh thắng Mỹ ngay từ trận đầu. Đây là “trận đánh lớn” không chỉ có ý nghĩa chiến thuật, chiến dịch mà nó còn mang ý nghĩa chiến lược giúp cho Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương rút ra những phương châm chỉ đạo cách mạng toàn Miền. Trước những câu hỏi của một số cán bộ, chỉ huy về kinh nghiệm thắng Mỹ, đồng chí nêu rõ: “chúng ta phải làm cho cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch có ý chí quyết tâm đánh, trước hết là phải dám đánh Mỹ, cứ đánh thắng khắc tìm ra cách đánh. Với phương châm: vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu, vừa rèn luyện”[2]. Câu nói đó thể hiện cho một nhà quân sự có phẩm chất quyết đoán, bản lĩnh chính trị vững vàng trong những thời điểm mang tính lịch sử. Sau chiến dịch Plây Me, trong điều kiện chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ nảy sinh những tư tưởng sai trái, những biểu hiện tiêu cực (sinh hoạt rời rạc, kỉ luật lỏng lẻo nên mệnh lệnh có ít hiệu lực, cấp trên quát mắng cấp dưới làm chiến sĩ chây lười, kỷ luật dân vận sút kém, nội bộ phê bình mất đoàn kết, tư tưởng ngại khó, ngại khổ...). Trước tình hình đó, Đồng chí Chu Huy Mân đề nghị Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên tổ chức lớp chỉnh huấn chính trị nhằm quán triệt tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam nói chung, chiến trường Tây Nguyên nói riêng; học tập bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam; thực hiện phê bình và tự phê bình. Đánh giá về đợt học tập chính trị này, đồng chí Chu Huy Mân cho biết đây là “một cuộc sinh hoạt chính trị nghiêm túc và sâu sắc, một cuộc đấu tranh không khoan nhượng trên lĩnh vực tư tưởng giữa một bên là tư tưởng cách mạng tiến công, quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi cuối cùng với một bên là tư tưởng ngại gian khổ hy sinh, dao động, giảm sút ý chí chiến đấu”[3]. Nhờ đó, sức mạnh đoàn kết, ý chí quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược ngày càng được nâng cao, phát huy trong thực tế chiến đấu.
2- Phát huy thế chủ động chiến lược trên chiến trường, thực hiện tư tưởng tiến công, buộc đối phương phải đánh theo lối đánh của ta.
Đầu 1965, khi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đứng trước nguy cơ bị phá sản hoàn toàn, Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ, quân một số nước đồng mình cùng nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến tranh vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Cuối năm 1965, quân Mỹ có mặt ở miền Nam đạt 184.000 tên. Việc Mỹ trực tiếp đưa quân vào tham chiến ở miền Nam khiến dư luận thế giới xôn xao, tạo ra một bầu không khí căng thẳng ở trong và ngoài nước. Việc đi tìm lời giải đánh thắng Mỹ là một việc làm không hề đơn giản.
Về phía ta, sau 4 năm chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, lực lượng vũ trang ba thứ quân phát triển không ngừng. Ngoài ra, lực lượng du kích được phát triển rộng đến hầu khắp các địa phương, vận dụng nhiều phương thức tác chiến linh hoạt tiêu diệt sinh lực địch. Các cuộc đấu tranh chính trị tại những khu vực do Mỹ - chính quyền Sài Gòn kiểm soát ngày một lớn mạnh cả về hình thức và nội dung, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Vùng giải phóng được giữ vững; đặc biệt, lực lượng vũ trang ta vẫn đứng chân tại những địa bàn chiến lược trải rộng trên toàn Miền từ Quảng Trị, miền Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, trực tiếp đe dọa vùng địch kiểm soát không chỉ ở nông thôn, vùng ngoại tuyến mà ngay tại các thành phố lớn miền Nam. Trên cơ sở đó, Trung ương Đảng tiếp tục đề ra phương hướng cơ bản cho cách mạng miền Nam là phát huy thế chủ động chiến lược trên chiến trường, quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công tiếp tục tiêu diệt địch.
Trong quá trình tham gia trực tiếp lãnh đạo cách mạng trên địa bàn Khu 5, Tây Nguyên, đồng chí Chu Huy Mân luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo này của Trung ương Đảng. Ngay đầu năm 1965, Quân dân Khu 5 đã có những trận đánh Mỹ đầu tiên chúng mới đến, đó là chiến thắng Núi Thành, Vạn Tường. Bên cạnh đó, Khu 5 còn là địa phương đi đầu trong việc lập các “vành đai diệt Mỹ”.
Khi làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên (1965-1967), đồng chí Chu Huy Mân tham gia trực tiếp lãnh đạo quân dân Tây Nguyên mở nhiều chiến dịch như chiến dịch Plây Me(Gia Lai, 19.10-26.11.1965), chiến dịch Sa Thày(Kon Tum, Gia Lai, 18.10-6.12.1966), chiến dịchĐắc Tô I (bắc Kon Tum, 3-22.11.1967). Đó đều là những chiến dịch tiến công đạt hiệu suất tiêu diệt địch cao.
Từ 1967 đến 1975, khi trở lại tham gia lãnh đạo cách mạng Khu 5, đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục phát huy tư tưởng tiến công, với những thắng lợi mang dấu ấn to lớn, tiêu biểu nhất là chiến dịch tiến công tổng hợp bắc Bình Định (9.4-3.5.1972)[4], trận tiến công tiêu diệt chi khu quân sự địch ở thung lũng Quế Sơn (Quảng Nam), tháng 8.1972. Trong trận Quế Sơn, mặc dù cấp trên có điện “không nên đánh Quế Sơn vì lực lượng ta không đảm bảo”, yêu cầu không được sử dụng pháo 130 ly và xe tăng, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế chiến trường, phát huy tinh thần nắm thế chủ động chiến lược, thực hiện tư tưởng tiến công, đồng chí Chu Huy Mân ra lệnh cho cán bộ, chiến sĩ quyết tâm giải phóng Quế Sơn, góp phần giữ vững thế tiến công của cách mạng[5]. Thung lũng Quế Sơn với gần 2 vạn đồng bào sau 18 năm bị kẻ thù chiếm đóng kìm kẹp đã được giải phóng[6].
Ngày 27.1.1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Mỹ-chính quyền Sài Gòn ngang nhiên phá hoại hiệp định, theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược. Quân dân ta trên địa bàn Khu 5 tiếp tục đẩy mạnh tiến công địch, giải phóng một số địa bàn quan trọng trong năm 1974 như Thượng Đức (tây Quảng Nam), Nông Sơn-Trung Phước (Quảng Nam), Đường 16 Quế Sơn (Quảng Nam), Minh Long (Quảng Ngãi)... tạo thế, tạo lực cho quyết tâm chiến lược mới. Đánh giá về tinh thần chủ động tiến công này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói đồng chí Chu Huy Mân: “Thời gian qua, Khu 5 làm như thế là khôn khéo, nhờ kiên trì chỉ đạo thực hiện nên hiện nay có cả lực mới và thế mới. Làm như Khu 5 là một kinh nghiệm rất tốt, tiêu diệt địch giải phóng từng quận lỵ, chi khu, mở từng mảng, giành từng khối dân, lại hiểu được sức địch, sức ta, làm như vừa rồi là đúng bài bản”[7].
Muốn phát huy thế chủ động chiến lược trên chiến trường, thực hiện tư tưởng tiến công, buộc đối phương phải đánh theo lối đánh của ta, thì yêu cầu đặt ra trước tiên là phải làm sao hạn chế ưu thế của địch (vũ khí, hỏa lực, khả năng cơ động,...) và phát huy những điểm mạnh của ta (tác chiến ở vùng rừng núi, tổ chức lực lượng bất ngờ đánh địch ngoài công sự,...). Xuất phát từ lối tư duy quân sự đó, đã hình thành một phong cách-lối đánh mang đậm chất Chu Huy Mân: đánh (vây) điểm - diệt viện, nghi binh lừa địch. Có người gọi đó là “điệu hổ ly sơn”. Nó được thể hiện thực tế trong đa số những chiến dịch, trận chiến do đồng chí Chu Huy Mân chỉ huy. Nhận xét về phong cách-lối đánh Đại tướng Chu Huy Mân trong kháng chiến chống Mỹ, cố Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo đã viết: “Anh lãnh đạo và chỉ huy bộ đội có nhiều sáng tạo. Anh là linh hồn của bộ đội Tây Nguyên và Quân khu 5 [...] Mưu kế của Chu Huy Mân thật tài tình. Sau này, mưu kế “điệu hổ ly sơn” đó, cũng được bộ đội Tây Nguyên vận dụng [...] Kể về các chiến dịch, bộ đội Tây Nguyên thường nhắc tới mưu kế của Chu Huy Mân và vận dụng các mưu kế đó”[8].
Dân tộc Việt Nam tự hào với những người con ưu tú như Đại tướng Chu Huy Mân. Việc tìm hiểu tư duy quân sự giúp cho chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về những công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, cho nền nghệ thuật quân sự Việt Nam nói riêng; trên cơ sở đó, có thể vận dụng một cách khoa học, sáng tạo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
[1]Xem: Khu 5-30 năm chiến tranh giải phóng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, 1989, tr.141.
[2]Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.420. Thượng tướng Nguyễn Hữu An cho biết thêm: “Ngay từ khi nhận được tin Mỹ vào chiến trường này không phải trong đầu mọi người không có ý gì thắc mắc, trái lại có nhiều là khác, nhưng có thể quy mọi thắc mắc vào một câu hỏi: “đánh Mỹ như thế nào?”. Đúng vậy, anh em cán bộ, chiến sĩ Tây Nguyên lúc đó tập trung theo một hướng “Đánh Mỹ như thế nào?” không hề có hơi thở hoảng sợ dù là len lỏi. Chính vì vậy, câu giải thích giản dị của Chính ủy Chu Huy Mân: “Ta chưa có kinh nghiệm chiến đấu với quân Mỹ thì quyết tâm của ta vừa đánh vừa rút kinh nghiệm. Đánh đi rồi sẽ biết” đã được toàn quân ở Tây Nguyên tiếp nhận dễ dàng”. Thượng tướng Nguyễn Hữu An: Chiến trường mới, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.35-36.
[3]Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.444.
[4]Nhận xét về chiến dịch này, Đại tướng Văn Tiến Dũng viết: “chiến dịch Bắc Bình định đánh dấu một thành công về nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh nhân dân địa phương phát triển đến trình độ cao ở vùng đồng bằng ven biển nằm sâu tong hậu phương quân địch. Với lực lượng quy mô sư đoàn phối hợp với lực lượng địa phương của tỉnh, huyện và lực lượng chính trị trên địa bàn chiến dịch, ta có thể mở được một chiến dịch tiến công tổng hợp, thực hành kết hợp đấu tranh hai chân, ba mũi nhằm tiêu diệt sinh lực và đánh phá kế hoạch bình định của địch trên một khu vực rộng lớn, đạt hiệu quả chiến dịch tương đối lớn”. Đại tướng Văn Tiến Dũng: Về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Qđnd, HN, 2005, tr.343.
[5]Sau này, trong Hồi ký của mình, Đại tướng Chu Huy Mân cho biết: “Chúng tôi thống nhất với nhau giấu kín điện của Bộ Tổng tham mưu, tiếp tục cho bộ đội tiến công giải phóng chi khu, quận lỵ Quế Sơn. Mấy tháng sau tôi ra Hà Nội, Cục trưởng Cục Tác chiến đến xin lỗi. Tôi cười và trả lời: Trong chiến tranh có trường hợp trên chiến trường tự quyết định và chịu trách nhiệm là việc bình thường”. Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.525.
[6]Ngày 28.8.1972, hãng thông tấn AP của Mỹ đã viết: “Ý nghĩa của trận Quế Sơn là ở chỗ quận lỵ này mất vào lúc các quan chức Mỹ ở cả Sài Gòn lẫn Oa-sinh-tơn đều coi cuộc tiến công của cộng sản đã kết thúc. Họ nói rằng phía bên kia không còn khả năng chiếm những mục tiêu quan trọng nữa. Như vậy là đồng minh đã đánh giá nhầm khả năng của đối phương”.
[7]Dẫn theo Lê Hải Triều: Tướng Hai Mạnh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 143.
[8]Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo: Thương nhớ anh Chu Huy Mân. Bài đăng trong sách: Đại tướng Chu Huy Mân-Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.58-59.
Theo Tạp chí Văn hóa Nghệ An