Cụ Nguyễn Thị Nhứt 85 tuổi, nghệ nhân lớn tuổi nhất làng, cho biết: “Từ khi tui còn con nít đã thấy ông bà làm nồi bày ra khắp nhà. Lớn lên hỏi thì ông bà chỉ nói rằng nghề này do tổ tiên đời trước để lại, đời nào thì không ai biết”.
Nói rồi, cụ bộc bạch thêm: “Quê tui vốn nghèo, đất đai chẳng làm nên hạt lúa, ông cha sợ con cháu đời sau phải tha hương kiếm sống nên đã nghĩ ra cái nghề này, trong cái khó ắt ló cái khôn thôi”. Theo ông Võ Công Hà, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Trù Sơn, trải qua nhiều thế hệ, người dân vẫn miệt mài bám trụ với nghề như một sự tri ân tổ tiên. Nồi đất ngày nay đã "lọt" vào nhữngnhà hàng sang trọng bán cơm niêu, cơm đập, cá kho tộ…
Không hề có một tài liệu lưu giữ bí quyết làm nồi, cũng chưa hề có một lớp dạy làm công việc này, nhưng kỹ thuật làm nồi vẫn được truyền qua từng thế hệ Trù Sơn. Lớp hậu thế không những duy trì được độ bền dẻo, chất lượng của nồi mà còn không ngừng sáng tạo ra nhiều mẫu mã hữu dụng hơn. Có một điều khá bất ngờ, những “truyền nhân” của làng chỉ toàn là phụ nữ.
“Làm nồi không khó, nhưng phải thật khéo tay và kiên trì thì sản phẩm làm ra mới đạt yêu cầu”, chị Nguyễn Thị Hương, xóm 11 cho biết. Trên chiếc bàn xoay là một nắm đất đã luyện kỹ, người phụ nữ này dùng chân xoay bàn, hai tay nhẹ nhàng uốn nắn từng thớ đất và chỉ 5 phút sau một chiếc nồi đã có hình dạng. Theo chị Hương, nếu làm nhanh, thành thạo mỗi ngày sẽ có 40 đến 50 chiếc nồi đất hoàn thành.
Hàng chục năm ngồi một chỗ khiến nhiều phụ nữ Trù Sơn mắc một số bệnh như viêm khớp, gai cột sống, gan... nên họ mất dần khả năng lao động ở độ tuổi còn rất trẻ. “Tiếp xúc nhiều hơi đất nên giờ tui nỏ mần được việc chi”, chị Nguyễn Thị Mùi, 43 tuổi nhưng đã có 26 năm gắn bó với nghề tâm sự. Mặc dù đau ốm nhưng chị vẫn thường sang hàng xóm xem làm nồi đất, trao cho nhau những kinh nghiệm trong nghề.
Bệnh tật là nỗi lo của người phụ nữ làng Trù, nhưng hàng năm vẫn có không ít “truyền nhân” bước vào nghề. Họ mải mê tạo ra những sản phẩm ngày một chất lượng mà gạt những tổn hại về sức khoẻ sang một bên.
Mưu sinh và quảng bá "hồn quê"
Hành trình tiêu thụ nồi đất gắn với từng bước chân của những người đàn ông. Trước đây, nồi được chất đầy trên những đôi quanh gánh. Còn bây giờ, những chiếc xe đạp cũ đã thay thế cho những đôi quang, đôi vai người đàn ông.
Thị trường tiêu thụ nồi đất chủ yếu là các vùng quê Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Ninh Bình… Mỗi người lên đường với trên 300 chiếc nồi các loại, kèm theo xoong nồi, bát đũa, chăn màn, gạo, muối cùng vài chục ngàn lận lưng.
“Trung bình mỗi ngày tui đi bộ khoảng 70 - 80 km bán hàng, nếu may mắn thì cũng bán được 3 - 4 chục cái, trừ những chi phí dọc đường còn kiếm được 30.000 -35.000, anh Nguyễn Văn Thìn, một người bán nồi trên 10 năm nay cho biết. Trên nửa tháng cho một chuyến đi, chiếc xe chở nồi lăn qua biết bao vùng quê. Nồi đất không hoàn toàn quen thuộc với mọi người, nhất là giới trẻ.
“Có những nơi người ta nhìn nồi đất bằng ánh mắt lạ lẫm, dò xét. Muốn bán được thì mình phải... giới thiệu sản phẩm. Gặp ba ông khách kiểu này coi như hết buổi”, nói rồi chú Thìn tay cầm chiếc nồi đất giới thiệu cho chúng tôi một cách kỹ càng nguồn gốc ra đời, tiện ích, độ bền của nó. Đối với người dân Trù Sơn, bán nồi đất không chỉ để mưu sinh mà còn là dịp để quảng bá sản phẩm truyền thống của quê hương.
Theo Nông Nghiệp Việt Nam