(Baohatinh.vn) - Mặc dù đến 2014, UNESCO mới xét công nhận “Dân ca ví, giặm là di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể đại diện của nhân loại”, nhưng nhìn lại hành trình đến với UNESCO của loại hình văn hóa dân gian đặc sắc này, chúng ta có quyền hy vọng vào kết quả tốt đẹp nhất. Và những câu hát từ ruộng đồng, sông nước Nghệ Tĩnh – một nét văn hóa cổ xưa của cư dân vùng đất nắng lửa, mưa chan này sắp có cơ hội được thế giới biết đến và chung tay gìn giữ...
|
Liên hoan dân ca ví, giặm là một trong những cách gìn giữ, phát huy cũng như quảng bá với bạn bè bốn phương về giá trị đặc sắc của loại hình văn hóa dân gian này |
Tan đi cùng mưa phùn, gió bấc, mùa xuân đang bắt đầu trở lại trên phố phường, trên chồi lá và trong lòng người. Hân hoan cùng không khí ấy là những làn điệu dân ca ví, giặm được viết lời mới mừng Đảng, mừng xuân, mừng quê hương rộn ràng trên khắp các phố phường, xóm thôn. Một cảm giác gần gũi, thân thương đến lạ. Quê hương Nghệ - Tĩnh phải được biết đến qua những khúc hát dân ca mộc mạc mà thấm đượm nghĩa tình như thế. Có lẽ cũng bắt nguồn từ những nguồn cơn đó mà cả 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh đã cùng nhau tìm lại những giá trị đặc sắc của ông cha, lưu giữ và phát triển nó trong đời sống hiện đại… Được bắt đầu từ cuối năm 2012, đến nay, hồ sơ dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh đã đến được với tổ chức UNESCO. Bà Phan Thư Hiền – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: “Những ngày đầu, khi 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An bắt tay lập hồ sơ, công việc quả thật rất vất vả. Hầu như ở cả 2 tỉnh đều không có CLB dân ca ví, giặm nào, nghệ nhân ví, giặm cũng rất ít và hầu như không biểu diễn.
Sản sinh trên mảnh đất bao đời phên dậu chan chứa nghĩa tình, dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh là tiếng lòng sâu thẳm của cư dân nơi đây. Được kết tinh từ những tập quán sinh hoạt trên vùng đất cách xa những biến cố lịch sử và hợp lưu các dòng văn hóa bên ngoài nên dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh có những nét độc đáo riêng không thể trộn lẫn. Hơn nữa, đây cũng chính là vùng đất của rất nhiều bậc hiền tài, danh nhân và được họ trực tiếp tham gia sáng tác, biểu diễn nên có những thời kỳ tồn tại vô cùng rực rỡ với lời ca đậm tính văn chương. Chính vì thế, dân ca ví, giặm có sức sống nội sinh bền bỉ. Bên cạnh đó, dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh muốn được lưu truyền và phát triển thì cần rất nhiều đến những tác động ngoại sinh. Cùng với việc sưu tầm, nghiên cứu các thể loại dân ca ví, giặm thì các hình thức biểu diễn, truyền dạy… cũng đã góp phần to lớn trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị của loại hình văn hóa đặc sắc này.
Những ngày đầu tiên trong hành trình lập hồ sơ di sản, cùng với cán bộ các trung tâm VH-TT huyện, cán bộ phụ trách văn hóa ở cả 2 tỉnh đã lặn lội xuống từng xã, từng xóm, thôn vận động nghệ nhân, vận động các hạt nhân văn nghệ tích cực tham gia, tập hát và biểu diễn dân ca ví, giặm. Chị Trần Thị Cảnh – Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Nghi Xuân cho biết: Thời kỳ đầu, cứ rảnh việc là chúng tôi lại cơm đùm, cơm nắm xuống tận từng gia đình vận động, thuyết phục. Sau những nỗ lực tận tâm ấy, hiện nay, Nghi Xuân đã thành lập được 19 CLB dân ca ví, giặm, trong đó có nhiều CLB hoạt động thường xuyên, có nhiều thành tích trong các kỳ liên hoan, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn nghệ quần chúng ở các khu dân cư”. Đến nay, 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có 51 CLB dân ca ví, giặm với sự tham gia sinh hoạt của hơn 800 nghệ nhân và nhiều cư dân trong cộng đồng.
Sau khi thành lập được các CLB dân ca ví, giặm, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh lần lượt tổ chức các kỳ liên hoan dân ca toàn tỉnh, khu vực. Thông qua các kỳ liên hoan, hội diễn, các CLB dân ca ví, giặm cũng đã dần hoàn thiện tổ chức và hoạt động thường xuyên, hiệu quả hơn. Nhiều CLB đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng như CLB Thạch Châu, Cẩm Mỹ, Thạch Thanh, Cương Gián (Hà Tĩnh); Hồng Sơn, Ngọc Sơn, Hoàng Trù, Nghi Trung, Phúc Thành (Nghệ An)… Ngoài ra, thông qua hoạt động này, dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh cũng có thêm một lớp nghệ nhân mới. Đây chính là yếu tố quan trọng cho việc gìn giữ và phát triển lối sinh hoạt hát dân ca ví, giặm trong giai đoạn hiện nay. Nghệ nhân Thanh Minh (phường Tân Giang – TP Hà Tĩnh) cho biết: “Với khả năng và trách nhiệm của một nghệ nhân, tôi sẽ nỗ lực hết mình trong việc truyền niềm say mê hát ví, giặm trong cộng đồng dân cư của mình”. Vừa qua, một số thành viên của tổ chức UNESCO đã đến 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, trực tiếp xuống các vùng quê, hát với nghệ nhân và thành viên một số CLB, đối thoại với các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian để tìm hiểu về sức sống và giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh hiện nay. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng cho bước đường tới gần hơn với việc được công nhận là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngoài sự hỗ trợ đắc lực từ hình thức sân khấu hóa, những năm qua, dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh còn được tiếp thêm sức sống thông qua các hoạt động dạy hát dân ca trên truyền hình và trong các nhà trường. Đó cũng là một trong những cách để dân ca thực sự sống trong đời sống, trở thành máu thịt, thành món ăn tinh thần, thành phương tiện giãi bày cho con người hôm nay.
Để tích cực thúc đẩy việc UNESCO công nhận DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại cho dân ca ví, giặm, vừa qua, đoàn công tác của Việt Nam do PGS TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa – Nghệ thuật làm trưởng đoàn đã tới tham dự buổi gặp gỡ, giới thiệu với bà con trong hội đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh và đại biểu của một số hội đồng hương khác tại Liên bang Nga về việc hồ sơ di sản “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh” đã đến với UNESCO. Tại buổi làm việc này, đoàn đã giới thiệu di sản bằng đĩa DVD có phụ đề tiếng Anh và giới thiệu quyển sách dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh bằng 3 thứ tiếng Pháp, Anh, Việt. Hoạt động này nhằm giới thiệu cho cộng đồng thế giới và UNESCO biết về DSVH đặc sắc này.
Từ nay đến lúc UNESCO xem xét, công nhận DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại cho dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh đã rất gần, hồ sơ cũng đã hoàn tất và có rất nhiều hy vọng. Việc được công nhận là di sản của thế giới chắc chắn sẽ giúp dân ca ví, giặm được biết đến nhiều hơn và rất có thể sẽ được nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ trong quá trình lưu truyền và phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cần phải khẳng định, dân ca là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nó được sinh ra tại cộng đồng và phải được chính cộng đồng lưu giữ. Và, đó là trách nhiệm của chính những cư dân trên vùng đất Nghệ - Tĩnh nhọc nhằn và sâu nặng nghĩa tình…
|
Phong Linh - Theo Baohatinh.vn
|