Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 24/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Dân ca Nghệ Tĩnh >
  Đôi điều về dân ca Nghệ Tĩnh Đôi điều về dân ca Nghệ Tĩnh , Người xứ Nghệ Kiev
 
  •   Thái Kim Đỉnh

Đối với âm nhạc, tôi là “môn ngoại hán”, là người đứng ngoài cửa. Nhưng là người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian, nên với dân ca, tôi tự coi mình là người trong nhà vì ở dân ca lời hát không kém phần quan trọng so với làn điệu, hơn nữa lời hát là yếu tố đầu tiên, yếu tố xuất phát. Mà lời hát, tức là phần văn học, thì có liên quan đến công việc của tôi, do đó, tôi muốn được trao đổi đôi điều.

Đây chỉ là những ý kiến tản mạn, những suy nghĩ chưa lấy gì làm chín. Nhưng mong các bác, các anh, các chị cảm thông cho.

Trước tiên, tôi nghĩ: Nên có sự đánh giá tương đối thống nhất về vốn dân ca của tỉnh ta.

Dân ca Nghệ Tĩnh có giàu không?

Đây là vấn đề mà lâu nay anh em làm công tác sưu tầm, nghiên cứu trong tỉnh quan tâm, và chưa thật thống nhất nhận định. Người thì cho rằng dân ca của ta rất giàu, và khẳng định ta có thể sử dụng làn điệu đủ để dùng cho một kịch chủng riêng. Người khác lại cho rằng dân ca của ta nghèo và đơn điệu.

Tôi thấy mỗi ý kiến đều có cái lý của nó, tùy theo cách nhìn của mỗi người.

Quả thật, về lời hát, thì dân ca Nghệ Tĩnh rất giàu, giàu như  “Trăng gió khi vô tận”, giàu hơn hẳn dân ca nhiều địa phương trong nước. Và tuy nói chung, văn lời hát thiên về lý trí, trí tuệ, do đặc điểm hát đố, đáp, nhưng không phải hiếm những câu văn trữ tình đặc sắc.

- “Gió mô gió thổi sau lưng,

Dạ mô dạ nhớ người dưng thế này?”

- “Có phải lươn mô, lươn trườn qua ngọn cỏ

Có phải cò mô, cò thẳng cánh cò bay,

Đôi ta tình mỏng, nghĩa dày.

Có quên nhau chăng nữa, ba vạn sáu nghìn ngày mới quên”

Hoặc:

- “Tui (Tôi) lên rú Nhật Lệ,

Mự (Mợ) xuống rú Báu Đài.

Bứt cơn (cây) mây cho dài,

Về ta chẻ làm hai,

Nón tui buộc một ngoai,

Nón mợ buộc hai ngoai,

Nón ta giữ lấy quai,

Trùng triềng mô được nữa,

Mô trùng triềng được nữa”.

- “Đôi ta nay đội nón chung quai,

Chung thầy, chung mẹ như ai chung tình.

Chộ (thấy) nết ở em xinh,

Anh muốn chung nơi nương tựa.

Ta chung nhà chung cửa,

Ta chung lợn, chung ga (gà)

Ta chung mắm, chung cà

Ta chung nồi chung bát.

Sốt (nóng) thì ta chung quạt,

Rét thì ta chung chăn,

Trù (trầu) thuốc chung một khăn,

Tiếng đồn chung ta chịu”.

Còn về làn điệu thì như chúng ta đã biết, ngoài các lối “hát nhà nghề”, chỉ có những người chuyên nghiệp hát, như hát cúng lễ, hát sắc bùa, hát xẩm, hát ả đào (hay nhà trò, nhà tơ, ca trù)… mà các nơi khác đều có ngoài các điệu hát đồng dao, hát ru có ít nhiều nét riêng của địa phương, thì dân ca Nghệ Tĩnh thuần túy chỉ có một số điệu hò lao động (hò kéo gỗ, xeo gỗ, kéo thuyền, chèo thuyền, hò đường trường, hò leo dốc…) và hát ví, hát giặm, hai “đặc sản” của vùng đồng bằng xứ Nghệ mà thôi.

Mặc dầu trong quá trình phát triển, hát ví, hát giặm có sự thay đổi về nhịp nhanh chậm, về độ cao, độ dài tùy theo môi trường diễn xướng thành ra có ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví trèo non,…, có giặm đò đưa, giặm đường trường, giặm vè,… Nhưng chung quy chỉ có hai điệu ví giặm cơ bản.

Nhân đây, cũng xin góp bàn thêm một chút: Có bạn khi ghi âm hát giặm, chia ra giặm và vè. Chia như vậy là không ổn.

Trước hết, cần rõ vè là một thể loại văn học, mà giặm (hiểu theo khái niệm hát giặm) là một điệu hát dân gian. Người Nghệ Tĩnh thường gọi vè là “chuyện vè”, mà chuyện vè thì chỉ có kể chứ không hát. Có điều, vè Nghệ Tĩnh phần lớn đặt theo thể văn lời hát giặm, nên người ta không kể vè như Bình Trị Thiên, Liên khu 5, mà người ta hát bài vè theo điệu ví giặm. Cũng vì vậy, loại vè này thường được gọi là “vè giặm” nghĩa là vè có câu 5 chữ (trừ khi có biến thể), khác với loại vè “lục bát”, “song thất lục bát” (vè Bình Trị Thiên) hay vè “bốn chữ” (lô - tô khu 5). Điệu hát giặm, thì một điệu cơ bản, có những khác biệt về nhịp, độ, tùy theo từng vùng, từng môi trường diễn xướng, từng người hát. Nếu hát trên sông nước thì dài hơi, khoan thai, bay bổng, thường hát theo nhịp chèo thuyền xuôi, thì gọi là “giặm đò đưa” (Sông Lam). Nếu hát ở vùng Thạch Hà, Cẩm Xuyên, vùng “đồng chua nước mặn” xa sông lớn, thì nhanh, trầm, khỏe, nhưng đều đều, buồn buồn. Nếu hát ở vùng Kỳ Anh chẳng hạn thì chậm, nhưng tươi hơn. Như vậy, thật ra, không có điệu hát vè mà chỉ có điệu hát giặm.

Tuy điệu cơ bản chỉ là một, nhưng do chưa định hình như ca Huế, quan họ Bắc Ninh… nên có thể biến hóa hết sức linh hoạt tùy theo môi trường diễn xướng. Do đó, ví, giặm hóa ra có đến năm, bảy hoặc hàng chục cách hát khác nhau.

Ví, giặm với nhiều cách hát, cộng thêm hàng chục điệu hò, đồng dao, hát ru, và các loại “hát nhà nghề” khác, làm cho ta cảm thấy dân ca Nghệ Tĩnh không phải là không phong phú.

Thêm vào đó, hát ví trong trẻo, nhẹ nhàng, lả lướt, hát giặm trầm lắng khỏe chắc mang “chất Nghệ Tĩnh” rõ nét, độc đáo, nên gây cảm hứng mạnh mẽ, không những với người địa phương mà cả với người tỉnh khác. Cái lắng đọng của giặm hài hòa với cái bay bổng của ví, qua những “tổ khúc ví giặm” làm cho mọi người yêu thích dân ca xứ Nghệ.

Dù làn điệu không nhiều, chưa đủ để diễn đạt mọi loại hình tình cảm, tôi vẫn tán thành và rất hoan nghênh việc thể nghiệm đưa dân ca Nghệ Tĩnh lên sân khấu, xây dựng thành một kịch chủng mới. Tất nhiên chúng ta cần có cách bổ sung, bổ khuyết những mặt yếu của ta. Về mặt này, dân ca Bình Trị Thiên, Liên khu 5 đã có những thành công đáng kể. Và ở ta, vở kịch ngắn “Không phải tôi” cùng một số tiết mục khác cũng gợi cho ta suy nghĩ, mang đến ta niềm hy vọng.

Tôi cho rằng, ta nên giữ độ thể nghiệm dân ca như một tổ chức nghiên cứu, và đầu tư cho nó hoạt động tốt hơn, chứ hoàn toàn không nên biến nó thành một “đoàn văn công”. Tôi cũng cho rằng ngoài việc thể nghiệm, thực hành cần có những công trình lý thuyết, đúc rút kinh nghiệm từng bước nữa.

Phần thứ hai, tôi muốn nêu ý kiến về việc xác định gốc gác của hát ví, hát giặm.

Lúc nhỏ, tôi thường theo lớp đàn anh, đàn chị đi nghe hát ví phường vải ở Phổ Đông, Nam Kim (Nam Đàn). Lớn lên, có dịp đi lại nhiều lần dọc sông Lam, nhất là đoạn từ Lường về Sa Nam, ngã ba phủ. Tôi rất mê tiếng ví của các cô gái Đò Lường. Đúng như chú tôi thường bình phẩm: “Họ hát nghe vong vong”, nghĩa là trong trẻo, ngân vang. Về sau, tôi lại được nghe hát ví nhiều nơi: Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh…

Tôi cho rằng hát ví thì ở vùng Đô Lương, từ thời Lý, Trần là nơi trù mật, là thủ phủ của châu Hoan, là trung tâm chính trị và văn hóa của xứ Nghệ. Một điệu dân ca đẹp như hát ví, tất phải sinh ra từ vùng đất này.

Theo tôi tìm hiểu và phán đoán, thì hát ví ban đầu chỉ là những câu hát lẻ trên sông, do người chèo đò, người buông bè xuôi đợi diễn sẽ thỏa mãn nhu cầu tình cảm của mình.

- "Gió mô gió thổi sau lưng,

  Dạ mô dạ nhớ người dưng thế này?”

- "Nước chảy cho bè anh trôi,

  Ai bắt bè anh lại, kết nên đôi vợ chồng”.

Người chèo đò, người chở bè buông tiếng hát giữa khoảng mênh mông trời nước, chỉ có mình hát cho mình thưởng thức, mình hát để trải tình cảm của mình trước thiên nhiên. Và thiên nhiên như người bạn lòng đáp lại cảm hứng của nghệ sĩ dân gian bằng tiếng dội của núi non, sông nước.

Khi nào đó, gặp một thuyền bạn ngang qua, thì từ con thuyền ấy sẽ có lời đáp lại, chỉ đôi ba câu hát, đôi ba câu trao đổi đủ để tỏ mối đồng cảm, rồi hai thuyền lại xa nhau. Rồi có những con thuyền cùng xuôi, cố ý chèo gần nhau, hoặc cặp lại bên nhau mà hát… Hoặc nữa, có người từ trên bờ “hát vọi” ra, đáp lại tiếng hát giữa dòng sông. Từ đó có ví đối đáp. Căn cứ vào những câu hát tôi ghi chép được từ vùng Đô Lương đến ngã ba phủ (nơi sông La đổ vào sông Lam), thì thấy rằng:

- Đây là những câu hát trữ tình đặc sắc, lời rất hay, rất chải chuốt nữa, và không thấy pha tiếng Hán - Việt nào (trừ đôi câu có dùng hình ảnh Loan, Phượng):

- “Nước chảy hòn đá trôi nghiêng,

  Anh chơi chung với bạn, em sầu riêng một mình”.

- “Thuyền anh xuôi chế sáu chèo,

  Thuyền em ngược phuống cheo leo một mình”.

- “Nước lên xấp xỉ cầu dày,

  Anh thương em chưa trọn một ngày ghe lui”.

- Thuyền ngược anh bỏ cội trào (sào) ngược,

  Lên không được, anh bỏ cội trào xuôi,

  Khúc sông bỏ vắng, đôi người sầu riêng”.

- "Thuyền ngược hay là thuyền xuôi,

  Thuyền về chợ Vịnh cho tôi theo cùng”.

- "Nước lên xấp xỉ bờ rào,

  Thuyền người ta sang cả em cắm sào đợi ai?”.

- "Bóng trăng em tưởng bóng đèn,

   Bóng cây em tưởng bóng thuyền anh xuôi”. v.v…

Nội dung câu hát chỉ là lời giao duyên nhẹ nhàng, thoải mái, không có sự đố, đáp, “đấu trí” căng thẳng như trong hát phường vải. Và tất nhiên, cách hát cũng chưa được tổ chức có luật, có lề như trong hát ghẹo, hát phường vải.

Đáng chú ý là văn lời rất hoàn chỉnh, hình ảnh được dùng là bè xuôi (bè gỗ, bè nứa, mét) chứ không phải là bè mảng nhỏ; thuyền cũng là thuyền buôn lớn: “sáu chèo”, chứ không phải thuyền độc mộc, thuyền ba ván… Vậy thì lịch sử hát ví chưa phải lâu lắm. Song tôi vẫn tin rằng có những câu ví cổ hơn nhiều so với những câu trên.

Tôi cho rằng hát ví gốc từ ví đò đưa ở vùng Đô Lương, dần dần theo dọc hai bờ sông Lam lan ra những vùng đồng đất xa hơn trong tỉnh, về sau được hoàn chỉnh bằng lời hát đối đáp nam nữ trong “hát ghẹo” ở Thanh Chương, “hát phường vải” ở Nam Đàn và các vùng bờ nam sông Lam, hát “phường cấy”, “phường gặt”, “phường cỏ”, “phường củi”, “phường nón”, “phường vàng”… ở khắp Nghệ Tĩnh.

Khác với hát ví, hát giặm với những câu hát ngắn (5 tiếng), giọng hát trầm, chắc, đều đều, lời hát nôm na, mộc mạc, dùng nhiều thổ ngữ hơn, tất phát sinh ra ở nơi đồng đất hẻo lánh, không có đò lớn sông dài, xa nơi đô hội, ít giao lưu hơn. Chắc quê hương của hát giặm là đất Thạch Hà xưa, ở vào khoảng từ Nghèn (Can Lộc) đến Hội (Cẩm Xuyên) ngày nay.

Một chứng cứ rõ rệt là hầu hết những nghệ nhân hát giặm nổi tiếng trước cách mạng đều ở vùng từ nam Can Lộc đến bắc Cẩm Xuyên, tập trung nhất là ở Thạch Hà, vùng quanh thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh) với đường bán kính 10 - 20 km.

Chúng ta có thể kể tên một số người quen biết: Xã Tam ở Vĩnh Lại (Cẩm Xuyên); Cháu Tạu ở Phù Minh, bà Hiệp ở Thanh Chương, Ngoéc Em ở Thuần Thiện (Can Lộc); số còn lại đều là người Thạch Hà: Chắt Bớm, Dái Thông ở Tiền Lương; Lương Đấu, Dái Bốn ở Đồng Lưu; Tri Lương ở Kim Đôi, Cháu Vận ở Xuân Tình; O Yến ở Kẻ Nen; Ông Nhương, chị Đồng Chương ở Ba Giang; O Chuột, Cố Ngờn ở Đan Chế; Chị Nguyên, Cửu Hai ở Đại Tiết; Út Lan ở Hà Hoàng; Nguyên Hạnh ở Văn Hội; rồi O Cúc, O Miện, O Sỹ, O Hai Vạn, O Tương, cùng các cặp Sợi Đường - O Tiu Hào, Nhiêu Ngọ - O Tộ v.v… Các huyện khác cũng có một số nghệ nhân hát giặm nhưng không nhiều: Đĩ Điếm ở Xuân Viên (Nghi Xuân), Ngoác Sáu cai ở Đông Khê, Cháu Xanh ở Kẻ Láng (Đức Thọ). Một số nơi ở bắc sông Lam cũng có một số người nhưng họ chỉ là những người làm vè, hát vè giặm (chứ không hát giặm đối đáp): ông Liễn, Dương Miên ở Hậu Luật (Diễn Châu) chẳng hạn. Một số nghệ nhân nổi tiếng khác như O Nhẫn ở Đan Du (Kỳ Anh), Tri Được ở Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên) thì chủ yếu lại hát ví.

Ở Phổ Minh (Can Lộc) có tục đi củi tập thể trước tết hàng năm gọi là “đi lượt” liên quan đến hát giặm, cũng như ở Diễn Châu, Nghi Lộc có tục “đi cỏ tết” liên quan đến hát ví.

Hát giặm nguyên là loại ca khúc lao động ngắn, được ứng tác khi đi củi, đi buôn bộ,… dần dần biến thành lối hát giao duyên đối đáp nam nữ ở vùng Thạch Hà (xưa), giống như hát ví phường vải vậy.

Về sau, giặm phát triển thành những bài hát dài hơi, thành “vè giặm”, được phổ biến rộng rãi khắp Nghệ Tĩnh và một số vùng ở Bắc Quảng Bình.

Ở Quảng Bình có “hát reo”, tôi chưa được rõ là lối hát như thế nào. Nhưng tôi cũng ghi lại được ở Quỳnh Hồng (Cầu Giát) mấy bài hát giặm ngắn có tính chất như những khúc hát lao động hoặc giao duyên. Tuy vậy, theo một số cụ già thì ở miền Diễn - Yên - Quỳnh không có hát giặm đối đáp nam nữ như ở vùng Thạch Hà, Cẩm Xuyên.

III

Từ những suy nghĩ trên tôi xin đề nghị:

1. Về âm nhạc: Nên tập trung nghiên cứu hát ví, hát giặm, hai loại “đặc sản” của nhân dân Nghệ Tĩnh, trước hết ở hai địa bàn Đô Lương và Thạch Hà, xác định điệu gốc, điệu nguyên thủy; tìm hiểu sự phát triển, sự chuyển hóa của chúng: tìm hiểu những đặc điểm về khúc thức, về cách diễn xướng v.v…

- Ví như: Điệu gốc của hát ví có phải là ví đò đưa không, nếu vậy thì ví đò đưa sang ví phường vải chẳng hạn, bước chuyển của nó ra sao? Về hát giặm cũng vậy.

2. Về các loại hát khác, theo tôi được biết, anh em làm âm nhạc của ta cũng đã có tư liệu ghi chép khá dồi dào, có thể đủ làm vốn cho một số công trình nghiên cứu. Tôi ước ao ta sẽ có những công trình, dù là bước đầu, nghiên cứu về các loại hát, nhạc múa tế lễ (tế thần, rước thần, chạy đàn…); về hát nhạc, múa (“lộn”) sắc bùa, về hát xẩm, hát nhà trò, hát chèo (trò Kiều, trò Trương Viện); về hát ru, đồng dao, hò lao động v.v… Các loại này không phải chỉ Nghệ Tĩnh mới có, nên cần rút ra được những nét riêng, độc đáo của địa phương.

- Ví như: Có phải thật có những điệu hát xẩm, hát ả đào riêng của Nghệ Tĩnh như một vài ghi nhận nói không? “Trò Kiều ở Nghệ Tĩnh có gì khác với chèo Bắc?...

3. Về văn học ta đã có những công trình sưu tầm, nghiên cứu rất quý: “Hát ví Nghệ Tĩnh” của Nguyễn Chung Anh; “Hát phường vải” của Ninh Viết Giao; “Bàn về hát ru con” của Trần Hữu Thung; “Truyện dân gian Nghệ Tĩnh” (nhiều tập) của Thái Kim Đỉnh; “Truyện dân gian miền núi Nghệ Tĩnh” (tập I) của Lê Đình Thiều v.v… và những bài viết về hát giặm của Thanh Minh, Thái Kim Đỉnh, về “hát ghẹo” ở Thanh Lâm của Trần Đức Các v.v… Nhưng số bài hát còn hát rải rác trong nhân dân còn rất nhiều. Ở một bà mẹ, trong vài ba giờ, tôi đã ghi được trên 300 câu  hát ru, hát ví, rất nhiều câu mới lạ, khá nhiều câu hay. Tôi cho rằng về mặt này, ngoài phương pháp “khoanh vùng tát cạn”, cần tổ chức một mạng lưới cộng tác viên sưu tầm rộng rãi, ghi chép được càng nhiều càng tốt.

Tôi hy vọng sẽ có nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu mới về dân ca Nghệ Tĩnh, ví như công trình về “hát ghẹo” của Trần Đức Các.

4. Một mảng vốn mà ta còn rất ít quan tâm, và việc sưu tầm nghiên cứu chưa làm được bao nhiêu là dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào ít người miền núi.

Tôi nghĩ là ta nên có một tổ chức (có thể là một bộ phận của đội thể nghiệm dân ca, cùng với một số anh chị em làm công tác ca, nhạc, múa) chuyên lo việc này, được tạo điều kiện (phương tiện, chế độ bồi dưỡng tinh thần và vật chất…) để công việc có thể xúc tiến sớm.

Dân ca, dân nhạc các dân tộc ít người chiếm một mảng khá lớn trong dân ca Nghệ Tĩnh. Nếu ta quên đi, không những thiệt hại đến vốn liếng văn hóa cổ truyền mà còn ảnh hưởng không tốt về chính trị nữa.

Như đã trình bày, trên đây là những nhận xét bước đầu, ít nhiều có tính chất suy luận, phỏng đoán, và chỉ là những gợi ý để tham khảo.

Theo Văn hóa Nghệ An


  Các Tin khác
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66032488

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July