Tết Nguyên đán Mậu Tuất, chúng tôi ngược lên Phủ Quỳ, ghé thăm gia đình ông Trương Công Hoạt (SN 1950) ở xóm 8, xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn). Từ xa, đã nghe rộn ràng giai điệu “Tập tính tập tang”, “Đu đu điềng điềng” - những làn điệu dân ca đặc trưng của cộng đồng dân tộc Thổ.
Xuân này, ông Trương Công Hoạt có khá nhiều niềm vui: Hoàn thiện ngôi nhà mới, các con ngày càng trưởng thành và tình cảm vợ chồng luôn bền chặt sau 35 năm gắn bó. Với người khác những điều ấy là rất đỗi bình thường, nhưng với một thương binh mất 91% sức lao động là cả một kỳ tích.
Rót rượu mời khách, người thương binh ấy nở nụ cười hồn hậu và thân thiện, giọng ấm áp và chứa đựng niềm hạnh phúc: “35 năm trước, cũng vào dịp đầu xuân, tôi hát “Đu đu điềng điềng” và tình cờ gặp được bà ấy, tức vợ tôi bây giờ. Đến nay, có lúc tôi vẫn nghĩ hạnh phúc mình đang có giống như một giấc mơ kỳ diệu. Bởi khi trở về từ chiến trường, mất 91% sức lao động, việc di chuyển phải nhờ chiếc xe lăn mà nay tôi lại có được một mái ấm thế này...”.
Vợ chồng ông Trương Công Hoạt. Ảnh: Công Kiên
Năm 1967, vừa tròn độ tuổi “bẻ gãy sừng sâu”, chàng thanh niên người dân tộc Thổ Trương Công Hoạt gia nhập quân ngũ rồi lên đường vào miền Nam chiến đấu. Hành quân dọc dãy Trường Sơn. Là lính trận không thể nhớ hết những năm tháng ác liệt có bao nhiêu lần “chạm trán” với địch ngay trong sào huyệt của chúng, có lúc chỉ cách mấy bước chân.
Một lần, vào năm 1970, sau khi tiếp cận điểm đóng quân của địch ở vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, trên đường trở về tiểu đội, Trương Công Hoạt bị rơi vào ổ phục kích của địch và bị đạn đại liên xuyên vào lưng. Tỉnh dậy, ông mới biết mình đang nằm trong tay địch, vừa được phẫu thuật nhưng không thể lấy được viên đạn nằm trong tủy sống, đôi chân bị liệt, lưng không thể đứng lên. Cũng từ đó, ông trở thành tù binh của trại giam Biên Hòa, không ít lần bị đánh đập, tra tấn và được trả vào đầu năm 1973 - khi hiệp định Pa-ri có hiệu lực.
Từ sông Thạch Hãn (Quảng Trị), nơi diễn ra cuộc trao trả tù binh, ông Trương Công Hoạt được về an dưỡng tại Thanh Hóa, Hà Nam rồi chuyển về Khu điều dưỡng thương binh 4 (xã Nghi Phong – Nghi Lộc). “Biết mình không thể đứng dậy, phải di chuyển bằng xe lăn thời gian đầu tôi vô cùng chán nản, có lúc cảm thấy không thiết sống. Nhưng còn ở trong tay kẻ thù, xung quanh bao đồng chí, đồng đội cũng đang gánh chịu đau đớn, tôi quyết tâm gượng dậy để sống. Rồi khi về trại điều dưỡng, thấy nhiều người cũng mang thương tật nặng như mình nên phải chấp nhận sự thật” - ông Hoạt tâm sự.
Ông Trương Công Hoạt kể về thời trẻ xông pha trên chiến trường. Ảnh: Công Kiên
Hồi còn trẻ, ông nổi tiếng khắp các bản làng người Thổ bởi tài đàn hát, nhất là khi các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Về trại điều dưỡng, người lính năm xưa lại tìm về với cây đàn cùng khúc nhạc, lời ca để làm vơi đi nỗi buồn, cơn đau được nhẹ bớt và chia sẻ, động viên những người cùng cảnh ngộ. Một dạo, trong căn phòng chứa đầy các loại nhạc cụ, nào ghi-ta, măng-đô-lin và có cả sáo, đàn nhị, ông trở thành “cây văn nghệ” của trại và tích cực tham gia các cuộc giao lưu.
Mùa xuân năm 1983, chàng thương binh Trương Công Hoạt về ăn Tết ở quê nhà, hành trang mang theo là cây đàn ghi-ta và những khúc hát nồng ấm, mượt mà. Một người bạn cũ đã đẩy chiếc xe lăn và ông Hoạt đi khắp các bản tham gia các cuộc vui xuân, đến đâu người thương binh ấy cũng ngân lên tiếng đàn, giọng hát thiết tha khiến ai nấy trầm trồ thán phục, cuộc vui cũng thêm phần náo nức.
Rồi chàng thương binh ấy tình cờ gặp Trương Thị Thành (SN 1953) - cô gái làng bên, những năm chiến tranh cũng từng tham gia lực lượng dân công tiếp tế cho chiến trường. Lần gặp đầu tiên, cô gái bị mê hoặc bởi giọng hát của người đàn ông mang thương tật, không hiểu sao đôi chân cứ lần bước theo chiếc xe lăn.
Từ chỗ thán phục tiếng hát, trái tim cô gái thêm một lần xao động và dâng trào một nỗi cảm thương, thương vì có tài đàn hát lại phải gánh chịu nỗi bất hạnh vì tật nguyền. Bạn bè có ý trêu đùa, má cô gái chợt ửng đỏ, đôi mắt hiện rõ nỗi thẹn thùng. Người lính trở về từ trận mạc lâu nay vẫn ao ước có người bạn đời để sẻ chia những nỗi buồn vui và có nhau những lúc ấm, lạnh. Nay gặp cô gái làng bên, trái tim bỗng có những nhịp đập khác thường, nhưng người lính ấy không dám nghĩ xa xôi, càng không dám mong ước tình yêu sẽ đến.
Nhưng rồi, tình yêu có lý lẽ riêng và vượt qua những cái được gọi là lẽ thường, sau những ngại ngần hai người đã trở nên thân thiết, cùng ngôi bên nhau chia sẻ những nỗi tâm tư. Mọi người cùng vun vén, ai cũng mong họ cùng nhau xây đắp tương lai. Rồi không lâu sau, gia đình và bạn bè đôi bên cùng hân hoan trong ngày cưới, một đám cưới đặc biệt khi chú rể ngồi trên chiếc xe lăn, cô dâu đứng cạnh bên với nụ cười e ấp.
Ngôi nhà mới của gia đình ông Trương Công Hoạt. Ảnh: Công Kiên
Bà Trương Thị Thành đã sinh cho ông Hoạt 4 người con trai, nay đều đã trưởng thành và tự lập cuộc sống, có 2 người là sỹ quan quân đội. Làm vợ ông Hoạt, bà Thành phải sớm hôm chăm con khôn lớn, bởi phần lớn thời gian ông ở Trại điều dưỡng thương binh, chỉ về thăm nhà vào dịp Tết và những lúc sức khỏe đảm bảo.
Không thể kể hết những vất vả, thiếu thốn bà Thành đã trải qua, nhất là những năm mất mùa, đói kém và các con còn nhỏ dại, nay ốm mai đau. Chỉ có tình thương yêu chân thành và sự cảm thông, chia sẻ người phụ nữ ấy mới đủ sức để vượt qua khó khăn, nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Ông bà vừa dành dụm được khoản tiền để xây ngôi nhà mới khang trang và sắm một số tiện nghi sinh hoạt, xuân này gia đình có thêm những niềm vui.
Tết năm nay, ông Trương Công Hoạt lại về quê sum vầy, đoàn tụ với gia đình, họ hàng và bà con làng bản. Trong không khí yên vui, đầm ấm, người thương binh ấy lại bồi hồi, xao xuyến nhớ về kỷ niệm 35 năm trước, ông gọi đó là “Nơi tình yêu bắt đầu”...