Mạch nguồn dòng họ Tôn ở Võ Liệt ( Thanh Chương)
(Baonghean) - Chúng tôi tìm đường về xã Võ Liệt (Thanh Chương - Nghệ An), vùng quê giàu truyền thống lịch sử văn hóa và chính là nơi phát tích của dòng họ Tôn ở đất Nghệ An.
Các vị trong Hội đồng gia tộc họ Tôn đưa cho xem tập gia phả đã được ông Tôn Quang Phiệt (1900- 1973) dịch ra chữ Quốc ngữ. Theo thông tin trong tập gia phả thì thủy tổ của dòng họ Tôn ở Võ Liệt là cụ Tôn Đăng Thường, xã Yên Hồ, huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Cụ Tôn Đăng Thường từng làm Tri châu, Bố chánh tại Quảng Bình dưới thời Lê, sau đó vì loạn lạc nên tìm đến vùng đất Võ Liệt- Thanh Chương để sinh cơ lập nghiệp. Tính đến này, dòng họ Tôn cư trú ở Võ Liệt đã được 20 đời.
Tập Gia phả họ Tôn do cụ Tôn Đức Tiến (1795- 1877), hiệu Lỗ Xuyên soạn thảo và được cháu nội là Tôn Quang Giáp bổ sung. Và đến đời ông Tôn Quang Phiệt dịch ra chữ Quốc ngữ, bổ sung một vài chỗ, có thêm phần đối chiếu giữa Âm lịch và Dương lịch để đời sau dễ hiểu. Theo một số tư liệu con cháu dòng họ Tôn còn lưu giữ, được biết cụ Lỗ Xuyên từng thi đậu 3 khóa Tú tài, nhưng do thời thế loạn lạc nên về quê sống ẩn dật, mở trường dạy học và chữa bệnh cho dân nghèo. Là người tinh thông cả nho, y, lý, số nên cụ Lỗ Xuyên thường được người dân khắp vùng tìm đến nhà "tham vấn" khi gia đình có việc đại sự. Học trò theo học cụ rất đông và nhiều người đỗ đạt. Riêng 5 người con của cụ có tới 4 người đỗ Cử nhân và 1 người đậu Tú tài.
Đối với con cháu dòng họ Tôn, cụ Lỗ Xuyên chính là người khởi nguồn cho truyền thống hiếu học cũng như việc tôn trọng lễ nghĩa, nề nếp gia phong. Sinh thời, nếu con cháu trong họ có khuyết điểm, sai trái, cụ lập tức có hình thức giáo dục, quyết không để ô danh dòng họ và ảnh hưởng đến luân thường, đạo lý. Trong tập Gia phả họ Tôn, cụ Lỗ Xuyên đã dành một số trang để dặn dò và khuyên răn hậu thế. Về việc cai quản gia đình, cụ răn rằng: "Phàm cai quản việc nhà lấy cần làm đầu, lấy nghĩa làm gốc, lấy trung hậu làm chất, lấy kiệm cần làm trọng, lấy cờ bạc rượu chè làm răn. Chung thân theo đó mà làm thì không thể trở thành người bậy được". Đặc biệt, để nhắc nhở con cháu đời đời giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp và phân biệt ngôi thứ giữa các thế hệ của dòng họ, cụ Lỗ Xuyên một hệ thống chữ lót có ý nghĩa như những lời răn về cách đối nhân xử thế, về lẽ sống ở đời. Đó là các chữ: "Đức - Huy - Quang - Gia - Tích - Thiện - Lương". Qua đây, chúng ta có thể hiểu ý của cụ Tôn Đức Tiến rằng: Đạo đức dòng họ Tôn sáng ngời do nhiều nhà làm việc tốt, việc thiện.
Theo lời chỉ bảo của cụ Lỗ Xuyên, các thế hệ con cháu nối tiếp nhau đều thứ tự lấy các chữ nói trên làm tên lót. Tính đến thời điểm hiện nay, đã đi hết một vòng 7 chữ và trở về với chữ "Đức". Điều đáng nói là con cháu dòng họ Tôn luôn nêu cao ý thức tiếp nối mạch nguồn truyền thống để làm rạng danh cho tổ tiên.
Có lẽ, do nắm rõ được nguồn gốc và am tường về truyền thống tổ tiên tạo thành một sức sống dồi dào, mãnh liệt đã giúp các thế hệ con cháu dòng họ Tôn kế tiếp nhau làm nên sự nghiệp vẻ vang. Thế hệ Tôn Huy có cụ Tôn Huy Định là người có tư tưởng chống Pháp, yêu nước thương dân. Cụ Tôn Huy Định đã có công sinh thành và nuôi dạy hai người con, hai chiến sỹ cách mạng là Tôn Quang Phiệt (1900- 1973) và Tôn Thị Quế (1905- 1992), cả hai người đều được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh vì có những đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, riêng ông Tôn Quang Phiệt còn được tặng thưởng Huân chương Sao vàng. Đến thế hệ Tôn Gia, dòng họ này tiếp tục có những người con sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng như các ông Tôn Gia Chung (được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh) và Tôn Gia Tinh (Huân chương Độc lập).
Bên cạnh đó, nhiều người thuộc thế hệ Tôn Gia từng được Đảng và Nhà nước giao phó những trọng trách tương đối lớn như các ông Tôn Gia Huyên (Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính), TS Tôn Gia Ngân (Giám đốc Nxb Văn học), TS Tôn Gia Hóa, Tôn Gia Các (giảng viên ĐHSP Hà Nội) và bà Tôn Thị Kim Thanh (PGS, TS, Giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương)... Thế hệ Tôn Tích có nhiều người tham gia quân ngũ và chiến đấu khắp các chiến trường và nhiều người trở thành những nhà khoa học và cán bộ quản lý có uy tín. Đó là GS- NGƯT Tôn Tích Thạch (Đại học Kinh tế Quốc dân), GS-TS-NGƯT Tôn Tích Ái (ĐHQG Hà Nội), NGƯT Tôn Tích Long (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội), Tôn Tích Nghệ (Bộ Tài chính),Tôn Tích Dũng (Giám đốc Nhà máy thủy tinh Khánh Hội), Tôn Tích Phong (nguyên Bí thư Quận ủy quận Đống Đa, Hà Nội), Tôn Tích Bân (Đại tá QĐND Việt Nam)... Con cháu thuộc thế hệ Tôn Thiện tiếp tục tham gia cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước và tích cực vươn lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Có thể kể đến những người tiêu biểu như TS, Đại tá Tôn Thiện Chiến (Bộ Quốc phòng), ThS Tôn Thiện Việt (Phó giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam), Kỹ sư Tôn Thiện Tùng (Trưởng phòng Thương mại - Dịch vụ Liên doanh Việt - Xô Pê-tơ-rô)... Còn thế hệ Tôn Lương hiện đang khẳng định trong việc học tập và lao động sản xuất để xứng đáng với truyền thống của tổ tiên bao đời gây dựng.
Chúng tôi ghé thăm từ nhà thờ dòng họ Tôn ở Võ Liệt. Khuôn viên và quy mô nhà thờ không lớn nhưng tôn nghiêm. Phía ngoài là hai nhà bia ghi công đức cụ Tôn Đức Tiến và Tôn Huy Thân được các thế hệ học trò khắc và dựng lên để tưởng nhớ những người thầy đạo cao, đức trọng. Bên cạnh các đồ tế khí, bảng ghi phả hệ, nhà thờ họ Tôn còn trưng bày các loại huân - huy chương và thành tích của các thế hệ đi trước để làm gương cho đời đời con cháu.
Hàng năm, vào ngày mồng 5 tháng Giêng (Âm lịch), con cháu dòng họ Tôn khắp mọi miền đất nước lại tìm về nhà thờ để dự lễ Tế tổ, thắp hương tưởng nhớ công đức của các thế hệ tiền nhân. Đây cũng là dịp để mọi người ôn lại truyền thống dòng họ, nhắc nhở đời sau ghi nhớ ngọn nguồn để ân đức tổ tiên không bao giờ vơi cạn.
Công Kiên
|