- Ngược dòng sông Giăng, hay theo đường 533 qua Thanh Liên, vượt cầu treo là đến đất Chợ Chùa, thuộc xóm Liên Chung (xã Phong Thịnh, Thanh Chương, Nghệ An). Vùng đất đắc địa, thuận đường thủy bộ, có núi, sông, đồng, bãi ôm ấp nhau, tạo lợi thế mưu sinh, cho dân cư quần tụ. Hơn nửa thế kỷ, dù nơi đây không còn bóng dáng chùa chiền, nhưng mảnh đất này với bao công trình như chợ, cầu, bưu điện, bệnh viện, trường học, bách hóa… đều có danh xưng Chợ Chùa như một sự hoài niệm, tiếc nhớ về quá khứ.
Tương truyền, 500 năm trước, trên núi Chùa, “Chung Linh cổ tự” đã xuất hiện, là một ngôi chùa lớn, khẳng định vùng đất cổ với sự có mặt lâu đời của Phật giáo ở đây. “Chung Linh” có nghĩa là tiếng chuông linh thiêng. Những năm trước cách mạng, chùa vẫn còn hiện diện với nhiều tượng phật sơn son thếp vàng. Tuổi thơ của không ít ông già, bà lão vùng này đã từng chăn trâu, bắt dơi trong rừng Chùa, rậm rạp những cây đa, cây gió, cây sông nhiều tuổi, to bằng mấy người ôm. Trải qua thời gian, mất mát điêu linh, chỉ còn dấu vết là sân nền, bia cổ và rùa đá cụt đầu, chùa Chung Linh được khôi phục lại trên vị trí xưa trong niềm mong đợi của bà con và quý phật tử xa gần.
Toạ lạc trên núi Chùa với diện tích 11 nghìn m², trước mặt là sông Giăng, bên phải là bàu Chuông, bên trái là bàu Chiếng, 2 bàu kéo dài ôm lấy chân núi, thế phong thuỷ hữu tình đã tôn thêm vẻ đẹp hiếm có cho chùa Chung Linh. Sư trụ trì Thích Quảng Bảo cho biết: “Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự ủng hộ, đóng góp của phật tử, của bà con, và những nhà hảo tâm, chùa Chung Linh đang được khôi phục, tôn tạo, trở thành ngôi chùa đẹp, bề thế nhất ở Thanh Chương, xứng đáng là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của cả vùng”. Tiếng chuông chùa lại vang vọng như xưa. Dân chúng muôn nơi lại hành hương về chùa để quy y cửa Phật. Sự hồi sinh của chùa xưa trên đất cũ, không chỉ đem lại nét duyên dáng, thanh bình cho một vùng quê, mà như còn làm sống dậy bao giá trị văn hoá lâu đời của cha ông, hướng con người tới chân – thiện – mỹ...
Nơi đây có cái trầm mặc tĩnh lặng của chùa chiền, có cái xôn xao rộn ràng của miền sông nước “trên chợ dưới thuyền”. Không xa, so với cổng chùa, sát với sông Giăng là chợ cổ có tự ngày xưa, do gần chùa nên gọi là chợ Chùa. Trước kia, chợ họp tháng 9 phiên nhưng bây giờ sáng nào cũng họp. Hàng hoá là sản vật của cả vùng Cát Ngạn theo đường sông, đường bộ đổ về. Nơi đây nổi tiếng với cá, khoai, măng… của miền trung du, đã đi vào thơ ca truyền tụng: “Thanh Chương ngon cá sông Giăng / Ngon khoai La Mạc, ngon măng chợ Chùa”. Trong những ngày cách mạng Tháng Tám lịch sử, người dân La Mạc đã tập trung tại chợ Chùa, đi bắt lý trưởng, chánh Trung, lệnh Mỵ, phối hợp cùng dân các xã, đứng dậy cướp chính quyền. Dẫu bao sự đổi thay, chợ Chùa vẫn còn trên đất cũ, không chỉ là trung tâm buôn bán của vùng mà còn là địa chỉ đỏ gắn liền với lịch sử quê hương .
Dọc theo bờ sông Giăng, từ chợ, đi về xuôi là đền Cả, đi về ngược là miếu Đức Thánh. Đền Cả thờ người có công khai phá, che chở cho làng - Bản Cảnh Thành Hoàng và Song Đồng Ngọc Nữ. Theo cụ Nguyễn Bá Tốn – cựu chiến binh 80 tuổi, thì đền Cả trước đây có 3 toà: hạ, trung, thượng điện uy nghi lắm. Phía trước đền có cổng tam quan, với những bức tượng, tướng canh, ngựa chầu, ngoảnh mặt ra sông rất đẹp. Đền thiêng, người đi qua phải cất mũ nón, cúi đầu. Dân cư trong vùng thường đến thắp hương cầu nguyện. Những năm chiến tranh, đền bị phá hỏng, chỉ còn lại sân nền, sau đó thành nhà bưu điện…
Miếu Đức Thánh ở Cồn Ná thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền, nơi đây từng bị Pháp chiếm giữ, đóng quân, xây đồn. Cụ Võ Văn Thường 99 tuổi, thông thạo chữ Hán, hoạt động cách mạng những ngày dân ta mới cướp chính quyền, cho biết: Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, giặc Pháp đã bắt giam những chiến sĩ cách mạng của ta tại đây như Nguyễn Xuân Quỳ, Phan Bá Hoàn… trước khi chúng đưa đi hành quyết tại eo núi, gần bàu Chiếng, sau đền Cả. Miếu xưa đã bị tàn phá, chỉ còn lại tấm bia chữ Hán, mà cụ Thường đã được đọc, do cử nhân Võ Văn Hoán biên soạn, ghi danh những người đậu đạt và có công với làng. Qua thời gian, bia đá cũng lưu lạc không còn chỗ cũ. Dấu tích xưa của những đền, miếu nổi tiếng trong vùng đã mờ phai theo năm tháng, chỉ còn đọng lại ít nhiều trong ký ức của người dân.
Trước mặt đền Cả là bến đò Chợ Chùa. Trước kia, bến, đền và chợ nối liền bằng một con đường ven sông. Sự vật vần xoay, bến xưa chỉ còn lại những tảng đá chông chênh, cây cối um tùm. Là người dân đã từng sống và chèo đò trên sông Giăng những ngày tuổi trẻ khi chưa nhập ngũ, với cụ Tốn, bến sông quê có biết bao kỷ niệm. Cụ chia sẻ: “Trước kia, tôi cũng là dân vạn chài. Cha tôi tham gia chống Pháp, bị giặc bắt giam tại nhà lao Vinh, khi ra tù vẫn về lại bến sông này, chèo đò sinh sống và đón đưa cán bộ cách mạng mỗi lúc họp hành”. Cầu treo Chợ Chùa đã nối hai bờ sông Giăng, bến đò xưa, trở thành kỷ niệm khó quên trong tâm khảm của những con người đã một thời gắn bó, ngược xuôi với sông quê như cụ Tốn.
Đất Chợ Chùa quần tụ đông vui, vẫn nếp xưa làng cũ, trên bộ dưới thuyền, trong ngoài hoà thuận. Lương dân, giáo dân, phật tử, đoàn kết, chăm chỉ làm ăn, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Đi giữa “thị trấn tương lai”, trung tâm vùng miệt ngược Thanh Chương, nghe tiếng chuông chùa Chung Linh chậm rãi mỗi chiều, như gợi lại trong lòng người cả một miền ký ức .
An Nam
|