Đến thăm nhà thờ dòng họ Nguyễn Hữu ở xóm 7 xã Nam Tân (Nam Đàn) nhiều người không khỏi ngạc nhiên về bộ sắc phong 19 bản cùng nhiều hiện vật cổ của đền Thống Chinh đang được lưu giữ gần như nguyên vẹn tại đây.
Có mặt ở nhà thờ dòng họ Nguyễn Hữu vào dịp cuối năm, khi anh em trong họ đang quây quần dâng hương ngày giỗ tổ, chúng tôi vô cùng xúc động khi được tận mắt chứng kiến cả lễ tế tổ, tế thần trong một nhà thờ họ. Ngôi nhà thờ 3 gian, xây dựng từ lâu đời, gian giữa và bên phải, đặt bàn thờ để thờ tổ tiên dòng họ Nguyễn Hữu, còn gian bên trái là nơi dành riêng để thờ Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng (1487 - ?) một tiến sĩ thời Lê, người có công lao lớn đối với quê hương đất nước.
Ông Nguyễn Hữu Quỳnh (70 tuổi), thành viên trong Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Hữu cho hay, khoảng năm 1947 – 1948, khi cuộc kháng chiễn chống Pháp đang diễn ra ác liệt, thì đền Thống Chinh ở xã Nam Lộc cách nhà thờ họ Nguyễn Hữu vài km cũng xuống cấp nặng nề. Đây là ngôi đền linh thiêng thờ Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng, một danh nhân văn võ song toàn (quê ở xã Nam Trung – Nam Đàn) từng cầm quân dẹp giặc và đảm đương nhiều chức vụ quan trọng của triều Lê (Lại bộ thượng thư, Đông các Đại học sĩ…). Ngày trước, người dân các làng thuộc xã Lương Tràng (Nam Tân, Nam Lộc bây giờ) hàng năm lần lượt luân phiên nhau cày ruộng đền và đảm nhận việc cúng tế. Đến lượt làng Phú Thọ đảm trách thì việc thờ phụng ở đền gặp nhiều điều trắc trở, do vậy người làng đã quyết định rước đồ tế khí và dời nơi thờ phụng thần về làng để đảm bảo an toàn.
Ngày rước thần bằng thuyền trên sông Lam năm đó, có sự tham gia của nhiều dòng họ trong làng như Nguyễn Văn, họ Đinh, họ Lê... Các dòng họ này đã bàn bạc rất kỹ và thống nhất thờ ngài Thống Chinh tại nhà thờ dòng họ Nguyễn Hữu vì đảm bảo được các yếu tố linh thiêng như nhà thờ lớn có diện tích để thiết đặt bàn thờ riêng, không có người ở trong nhà thờ… Ngay sau khi rước thần về làng, anh em dòng họ Nguyễn Hữu đã dùng một gian nhà thờ bên trái để đặt bàn thờ của ngài Thống Chinh, hàng năm tổ chức cúng tế chu đáo. Tính đến nay, nhà thờ “kép” của dòng họ Nguyễn Hữu, vừa thờ tổ tiên, vừa thờ thần đã trọn 70 năm. Trong khoảng thời gian đó, nhà thờ cũng đã di dời mấy lần, từ bờ sông Lam, đến vùng núi Cơn Du (1975), rồi chuyển đến vườn nhà ông Nguyễn Hữu Luân (1981) tọa lạc trên vị trí như hiện nay. Dù di chuyển qua nhiều nơi nhưng các thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Hữu vẫn thực hiện trọn vẹn việc chăm lo hương khói cho tổ tiên, cho thần, cũng như gìn giữ bảo quản tốt đồ tế khí, không bị mất cắp, hư hỏng.
Hiện trong nhà thờ còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý, có giá trị về lịch sử văn hóa, nhất là những hiện vật của đền Thống Chinh xưa. Bộ sắc phong 19 bản là bộ tư liệu quý liên quan thân thế và sự nghiệp của Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng. Các sắc phong được cuộn tròn, cất giữ trong 3 ống tre sơn son, nằm trong một hộp gỗ lớn để chính giữa bàn thờ. Trong 19 sắc phong thì 10 bản do các triều vua thời Lê ban cấp, 9 bản còn lại thuộc về thời Nguyễn. Bản sắc phong cổ nhất ban cấp năm 1670 thời Lê, niên hiệu Cảnh Trị , bản mới nhất là năm 1924 thời Nguyễn, niên hiệu Khải Định. Bộ sắc phong này đã được ông Trần Văn Hữu – cán bộ Hán Nôm, Ban quản lý di tích và danh thắng Nghệ An dịch năm 2013.
Trải qua hàng trăm năm, các sắc phong cổ vẫn còn nguyên vẹn, chữ Hán viết trên sắc, ngày tháng lập sắc, dấu ấn triện vẫn còn tươi nguyên nét mực. Các sắc phong thời Lê thường ghi khoảng 300 chữ, các sắc phong thời Nguyễn ít chữ hơn, khoảng 150 chữ, nội dung đều ca ngợi công đức, phong thần cho Quận công Tống Tất Thắng cũng như giao trách nhiệm thờ tự cho các địa phương. Sắc phong lập ngày 18 tháng 4 năm Cảnh Trị thứ 8 (1670) ghi công đức của thần: “Đức thần thịnh thay, rộng rãi chẳng khó. Bẩm thụ được khí dương linh, trăm phép huyền diệu, thần thông muôn biến, ngầm giúp vận nước, trải ức năm bảo vệ dài lâu. Thực là tương trợ lớn lao, nên cử lễ bao phong. Vì sức phù trì hoàng gia trường cửu, phúc hộ vương nghiệp dài lâu, trợ binh uy tiễu trừ giặc Mạc, thu phục đất đai một phát thành công, linh ứng sâu xa” (bản dịch). Sắc phong thời Nguyễn tuy nói ngắn gọn nhưng giao trách nhiệm cho các địa phương cụ thể. Bản sắc lập ngày mồng 1 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 5 (1824) ghi: “Chuẩn cho bốn thôn: Trường Thôn, Phú Thọ, Vạn Lộc, Đặng Xá, xã Lương Tràng, huyện Thanh Chương cùng thờ phụng như cũ” (bản dịch)
Mũ và hia dường như là những đồ tế khí gắn liền với tên tuổi, công trạng của Nghĩa Quận công. Hai thứ này đều làm bằng kim loại, được tạo tác công phu, tinh xảo, trang trí rồng phượng, hoa lá đẹp mắt. Mở nắp hộp gỗ lớn, ở bên trong, chiếc mũ cổ đã qua hàng trăm năm, vẫn rực sáng màu đồng huyền bí. Những đồ tế khí bằng kim loại như cổ bồng, mâm, chén, oản, cọc sáp, chim hạc, chuông, hay đồ tế khí bằng gỗ như long ngai, kiệu rồng, gươm đao, giáo mác... đều đã nhuốm màu thời gian và khá nguyên vẹn. Ngày trước đến dâng hương, tham quan, chiêm ngưỡng bộ sắc phong và đồ tế khí cổ kính tại nhà thờ Nguyễn Hữu còn khá dễ dàng, nay muốn vào nhà thờ thì phải chờ những ngày sóc vọng, còn muốn "mục sở thị" một số hiện vật quý giá thì phải được phép của Hội đồng gia tộc.
Ông Nguyễn Hữu Hậu, thành viên Hội đồng gia tộc cho biết: “Do yêu cầu của việc bảo vệ những hiện vật cổ, nên họ tộc phải đặt ra nội quy khi đến tham quan, chiêm ngưỡng, quay phim, chụp ảnh tại nhà thờ”. Ông Hậu kể rằng, giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, đại diện chính quyền xã có mượn một lư hương tại nhà thờ để làm lễ truy điệu liệt sĩ, nhưng sau đó không thấy trả lại và đã mất. Những năm gần đây, anh em họ Tống ở Nam Đàn, cũng như một số người ở xã Nam Tân muốn rước những đồ tế khí này về đền Thống Chinh (Nam Lộc) và đình Khoa Trường (Nam Tân) mới được khôi phục, nhưng anh em họ tộc Nguyễn Hữu đã không đồng ý.
Hàng năm tại nhà thờ họ Nguyễn Hữu có 4 lễ lớn: giổ thủy tổ, giỗ chi tổ, rằm tháng 7 và giỗ đức Thống Chinh ngày 15/2 âm lịch. Ngày sóc vọng hàng tháng cho đến lễ, tết hàng năm, con cháu trong họ mà trực tiếp là gia đình ông Nguyễn Hữu Luân vẫn chăm lo, bàn soạn, hương khói chu tất. Bà Nguyễn Thị Bảy, vợ ông Luân cho biết: “Mấy đời nay, anh em chúng tôi vẫn thờ thần như cố, can, ông bà đã từng làm. Tổ tiên là người đã sinh thành, còn thần là người đã có công vì dân vì nước”.
70 năm phụng thờ Nghĩa Quân Công và gìn giữ những hiện vật cổ kính của đền Thống Chinh, dòng họ Nguyễn Hữu đã được UBND xã Nam Tân ghi nhận bằng việc trao tặng giấy khen vào năm 2016. Ông Đào Văn Quang, Chủ tịch xã khẳng định: “Họ Nguyễn Hữu là dòng họ lâu đời ở địa phương, từng có những người học hành thành đạt. Hàng chục năm qua, dòng họ đã góp công bảo quản, gìn giữ những hiện vật quý của đền Thống Chinh là việc làm đáng ghi nhận. Nhờ đó mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn về một danh nhân và tự hào hơn về truyền thống của quê hương xứ Nghệ”.
An Nam.
(Báo in báo Nghệ An ngày 2/2/2017)
|