Vâng, xin được dùng một đoạn ca từ của ca khúc “Màu hoa đỏ” của nhạc sỹ Thuận Yến để mở đầu cho một câu chuyện cổ tích kể về một người lính ra đi từ xứ Nghệ, hoạt động và hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước tại Bình Định, để rồi tên ông trở thành tên một con đường ở thành phố Quy Nhơn, Bình Định – đường Trần Độc.
Liệt sỹ Trần Độc - tên thật là Trần Xêu
Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa vào cuối thế kỷ 20, tại làng Tiền, xã Diễn Thịnh, thuộc Phủ Diễn (Nay là Diễn Châu) xứ Nghệ, có bốn anh em trai sinh ra trong một gia đình họ Trần, vốn là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Chính từ truyền thống gia đình, cả bốn anh em trai, gồm người anh cả là Trần Ty (sinh 1908), người thứ hai là Trần Ánh (1911), người thứ ba là Trần Xêu (1914), và người em thứ tư là Trần Út (1918) đều sớm giác ngộ cách mạng, cùng tự nguyện dấn thân tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931), cho dù người em út đang độ tuổi thiếu niên. Trong quá trình hoạt động cách mạng, hai trong số bốn anh em lần lượt hy sinh trong nhà tù thực dân đế quốc. Đó là người anh cả Trần Ty. Do bị nghi tham gia “hội kín”, năm 1928 ông Trần Ty bị địch bắt, nhốt, giam giữ và bị địch tra khảo hòng khai thác những thông tin về tổ chức cách mạng, nhưng ông nhất mực không khai báo. Sau vì địch không đủ chứng cứ, địch buộc phải thả ông Trần Ty. Cho đến đầu năm 1942, khi đang là bí thư phủ ủy Diễn Châu, ông Trần Ty bị mật thám Pháp bắt khi đang về thâm nhập chỉ đạo hoạt động ở cơ sở. Lần này, ông bị địch tra tấn bằng nhiều cực hình dã man, nên đã hy sinh tại nhà lao Vinh vào tháng 5/1942.
Tác giả trước nhà số 2 đường Trần Độc (7/2005)
Cũng như người anh đầu Trần Ty, và tiếp đến là người anh thứ hai Trần Ánh - một trong những đảng viên đầu tiên của xã Diễn Thịnh bị địch bắt tra tấn đến mù cả hai mắt (sau này ông Trần Ánh mất năm 1993), người em thứ ba là ông Trần Xêu, cũng bị địch bắt vào năm 1942. Đến năm 1945, sau ba năm bị cầm tù, Đảng viên Trần Xêu sau khi được trả tự do, đã được tổ chức phân công cùng các đồng chí Đảng viên trung kiên khác vào hoạt động bí mật tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với bí danh Trần Độc.
Lần lượt bám trụ, xây dựng phong trào cách mạng ở các địa bàn với cương vị phó bí thư chi bộ, tỉnh ủy viên, bí thư thị ủy Quy Nhơn... tháng 11/1955 ông Trần Độc bị địch bắt. Trong nhà tù của Mỹ-Diệm, người Đảng viên trung kiên ra đi từ xứ Nghệ vẫn giữ vững khí tiết người cán bộ cách mạng, kiên quyết không khuất phục đầu hàng kẻ thù. Biết không thể lay chuyển được ông, tháng 2/1957, kẻ thù đã hèn hạ bí mật thủ tiêu ông cùng những Đảng viên khác trong trại tù.
Tác giả trước nhà số 2 đường Trần Độc (10/2006)
Ghi nhận phẩm cách kiên trung của người chiến sĩ cách mạng, sau chiến tranh, Đảng viên Trần Xêu không chỉ được nhà nước Truy tặng Huân chương độc lập với bí danh đã thành tên Trần Độc, và cũng với cái tên mới Trần Độc đó cũng được dùng thành tên một con đường trung tâm thành phố Quy Nhơn – đường Trần Độc. Một con đường phố mà khi gõ tên lên mạng, sẽ có ngay 591 nghìn kết quả chỉ sau 0,50 giây. Và khi ai đó đến Quy Nhơn, có nhu cầu tìm đến đường Trần Độc, hoàn toàn có thể yên tâm lên Taxi hoặc xe Hon Da “ôm”… để các tài xế chở thẳng đến nơi mà không có bất cứ một chút ngập ngừng tìm kiếm… Vậy nhưng, không phải ai cũng biết rằng tên đường Trần Độc, chính là bí danh của người chiến sỹ cách mạng Trần Xêu quê ở Diễn Châu Nghệ An.
Tương truyền, bí danh Trần Độc là một trong chuỗi bí danh Việt – Nam – Độc – Lập được tổ chức cách mạng đặt cho nhóm bốn Đảng viên cốt cán được đưa vào hoạt động bí mật trên địa bàn Trung Trung Bộ. Rất tiếc, trải qua những biến cố khắc nghiệt của cuộc tranh đấu khốc liệt thời gian nan nhất của cách mạng, đến nay vẫn chưa thể tìm ra được dấu vết ba trong bốn người mang các bí danh Việt - Nam - Lập. Để rồi manh nha như một câu chuyện cổ tích rằng… ngày xửa ngày xưa… tại làng Tiền, xã Diễn Thịnh, thuộc phủ Diễn Châu, Nghệ An, từng có một chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam mang bí danh chi bộ “Tình Thân Ái”, nơi đó có bốn Đảng viên anh em họ Trần được gắn chuỗi bí danh Việt Nam Độc Lập thành tên như một lời thề dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng với mục tiêu chiến đấu cho một khát vọng Việt Nam Độc Lập, và một trong bốn chàng trai họ Trần… mùa xuân ấy ra đi, đã mãi mãi thành tên một con đường!
Quy Nhơn 1997 – Nha Trang xuân Đinh Dậu 2017
|