Hàng năm khi gió Đông về, tiết trời se lạnh, cũng là lúc người dân các xã ven sông Lam ở Hưng Nguyên bước vào một mùa rươi mới. Đêm trên những cánh đồng mênh mông nước lợ, lấp lánh đèn pin như ánh sao trời.
Chúng tôi về xã Hưng Nhân vào chiều một ngày Rằm âm lịch, khi bà con ở đây đang chuẩn bị sẵn sàng cho đêm “hội rươi”. Trên các cánh đồng ven làng kéo dài ra tận bờ sông, lưới xanh cao tầm 1 mét đã được giăng kín khắp từng ô ruộng. Nơi có thể be bờ, tranh thủ lúc triều xuống, người dân đang cẩn thận đắp lại những bờ vùng, bờ thửa, cho vững chắc, để tiện thu hoạch rươi. Những ai lần đầu đến Hưng Nhân, đi giữa những đồng rươi lưới giăng tít tắp, sẽ thú vị biết nhường nào và luôn muốn được trải nghiệm ngay cảm giác vớt “lộc trời”.cùng người dân địa phương.
Mỗi năm, rươi chỉ lên ruộng trong 3 tháng: 9, 10 và 11 âm lịch. Mỗi tháng chỉ có 2 kỳ, vào đầu và giữa tháng, mỗi kỳ lại chỉ có vài ba ngày, trong đó có một ngày rươi lên nhiều nhất. Nói một mùa rươi nhưng thật ra cũng chỉ thu hoạch trong 15 ngày, còn lại là khoảng thời gian chờ đợi. Lúc giao kỳ - ngày rươi chưa lên ruộng, bà con nông dân thường tranh thủ sửa sang lại bờ thửa, cắm thêm cọc tre giữ lưới, may vá lại vợt, trủ, mong kỳ rươi mới được nhiều hơn
Đêm về trên “làng rươi”, lúc đầu hôm dường như yên tĩnh khác thường. Trong làng không có người đi lại, ít nghe tiếng nói, cười, chỉ thảng hoặc đâu đó tiếng chó sủa vu vơ. Hỏi ra mới biết, tới kỳ rươi nổi, từ đầu chiều mọi người đã làm hết việc nhà, xạc các loại đèn pin “no” điện, ăn tối xong là đi ngủ, để thức dậy lúc nửa đêm. Người “làng rươi” đã quen với quy luật của con nước thủy triều, ai cũng tính và căn được thời gian ra ruộng thích hợp nhất, đó là lúc nước triều lên đỉnh. Từ nửa đêm, cả làng bắt đầu rộn rạo, người già, trẻ em í ới gọi nhau, kẻ đi xe, người đi bộ, tay xách, nách mang đủ thứ lưới, rổ, thau, chậu, hối hả ra đồng.
Ngoài ruộng lúc này vui hơn ở nhà, giữa mênh mông sóng nước lấp lánh ánh đèn pin như đêm hoa đăng, rộn rã tiếng nói cười. Cùng chồng con ra ruộng lúc 1 h sáng, chị Nguyễn Thị Lịnh (42 tuổi, ở xóm 1) – người có ruộng rươi nhiều nhất trong vùng cho biết: “Ngày trước khi rươi chưa “có giá”, bắt rươi tự do, mạnh ai nấy vớt. Từ ngày rươi đắt, ruộng rươi được giăng lưới hết, của nhà nào nhà đó bắt, ‘lộc trời” cho ai người ấy hưởng”. Nước lợ trào ngược từ dưới sông lên, ngập các cánh đồng đến đầu gối, đến bụng, càng gần sông nước càng to. Ở những thửa ruộng có bờ, nơi cửa trộ - chỗ nước chảy ra sẽ được người dân giăng trủ lưới để hứng rươi. Trủ lưới chính là một cái túi lớn. Ruộng nhà nào đặt được trủ thì công việc bắt rươi dễ dàng hơn. Lúc nước rút, rươi trên ruộng sẽ thi nhau bơi theo dòng nước, tuôn vào trủ. Nơi ruộng không có bờ, chỉ vây lưới, khi bắt rươi đòi hỏi tốn nhiều công sức, phải đội đèn vớt từng con rươi trên ruộng.
Nhà chị Lịnh, có hơn 7 sào ruộng, vừa chia khẩu, vừa đấu thầu, năm 2 vụ lúa, chỉ làm trọn vẹn vụ chiêm, còn vụ hè thu thường không làm hết diện tích, nhưng vẫn cày bừa, bón phân đầy đủ. Theo chị, làm như thế cho ruộng thâm thùng, nhất là khi gặt, trừ rạ nhiều, bón phân chuồng hoai mục, đất đai sẽ trở nên tơi xốp, ruộng sẽ có nhiều rươi, con rươi sẽ to, mập hơn. Ngoài ra mùa trồng lúa, “được sao ăn vậy” chứ người dân ở đây không còn xử lý thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Kinh nghiệm cho thấy nhà nào dùng những loại thuốc này, đến mùa rươi coi như mất trắng. Người dân “làng rươi” xem ruộng lúc cạn nước, đã biết rươi nhiều hay ít, theo họ trên mặt ruộng nếu có nhiều lỗ nhỏ li ti, thường gọi là “mà” rươi, thì dưới ruộng sẽ có nhiều rươi. Ngược lại những nơi mặt ruộng phẳng lỳ thì rươi sẽ ít.
Ruộng ở “làng rươi”, quan trọng là thu hoạch rươi chứ không phải là trồng lúa, vì rươi đem lại kinh tế hơn nhiều. Bà Nguyễn Thị Tâm ở xóm 1, có 2 sào 9 thước ruộng, vụ hè thu vừa rồi chỉ được 6 bì lúa, hơn 2 tạ, nhưng một đêm rươi trúng vụ đầu mùa này đã có 30 kg rươi, bán lấy tiền ngay tại ruộng là 15 triệu. Bà Tâm cho hay “Làm lúa thì cho vui vậy thôi, vụ chiêm thì đủ gạo ăn, chứ vụ mùa không đủ tiền thuê máy dập, máy gặt. Cả năm người dân ở đây cũng chỉ mong đợi mấy ngày rươi”.
Đêm đang dần về sáng, khi con nước thủy triều bắt đầu xuống, người dân trên ruộng xôn xao “nước rút rồi”, đó cũng chính là lúc rươi bơi tung tăng trên ruộng. Nhà nào giăng trủ thì ngồi chờ nước xuống nhanh để trút rươi, cứ 10 – 15 phút lại trút một mẻ rươi. Nhà nào không có trủ thì đội đèn vớt rươi trên lưới ngăn nơi nước xuôi dòng. Rươi sau khi vớt sẽ được đổ vào một chiếc rổ thưa để từng con tự chui xống chiếc xô nhựa. Đó là cách làm sạch rươi đơn giản nhất. Trên những cánh đồng Hưng Nhân từ xóm 1 cho đến xóm 8 (trừ xóm 3,4) khắp nơi lấp lánh ánh đèn. Bên kia con hói nhỏ, người dân các xóm 1, 2, 3 của xã Hưng Lợi, Hưng Châu cũng đang náo nức làm rươi. Cả màn đêm như sáng hẳn lên, lung linh sao trời và hoa đăng trên ruộng.
Ngày trước, khi còn dùng đèn dầu, mỗi mùa rươi đến, người dân nơi đây phải hì hục chuẩn bị làm đuốc, làm đèn để thắp sáng. Hồi đó chưa có vợt, chưa biết làm trủ lưới hứng nơi cửa trộ, cả làng đều dùng những chiếc rá tre đi vớt rươi trên ruộng. Dưới ánh đuốc lập lòe, ánh đèn dầu leo lét, công việc bắt rươi vô cùng khó nhọc, nhiều người “mặt sém, tóc cháy vì rươi”. Ngày nay, dụng cụ đánh bắt đã có nhiều cải tiến, ánh đèn dầu đã được thay bằng đèn điện, đèn pin, nhưng công việc làm rươi vẫn phải lăn lộn giữa đêm khuya, thức cùng mưa dầm, gió rét. Kỳ rươi giữa những ngày Đông ít khi gặp được thời tiết hanh khô, thuận lợi.
Khi trời chưa sáng hẳn, người làm rươi trên ruộng ở Hưng Nhân đã cuốn gói ra về, ai nấy đều phấn khởi với số rươi vừa bắt được. Tùy vào loại ruộng, con nước, hên xui…mà ‘lộc trời” ban nhiều hay ít. Nếu bội thu, cả mùa rươi cũng bắt được khoảng 20 kg/sào. Nhà nào trúng vụ, mỗi năm cũng kiếm được vài tạ rươi là chuyện thường tình. Rươi chế biến được nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng, hiện là mặt hàng đắt khách, cung chưa đáp ứng nổi cầu. Rươi vừa đưa lên bờ, lái buôn đã có mặt ngay trên ruộng để mua rươi cho bà con, giá giao động từ 450 000 đến 500 000 đ/kg.
Người dân vùng rốn lũ Hưng Nguyên, hàng năm phải oằn mình chống chọi với nhiều đợt lũ lụt, chịu bao tổn thất, nhưng trời đất cũng đã ban tặng cho họ những thứ “lộc trời” như rươi, như cáy… để làm vui, để sinh nhai, để vươn lên trong khó khăn, hoạn nạn. Mùa hoa đăng đang về trên ruộng, hi vọng người dân Hưng Nguyên ven sông Lam năm nay lại trúng rươi.
Huy Thư
|