Xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm đã có hàng trăm năm. Trước đây nghề này vốn vất vả, thu nhập thấp nên người dân không mặn mà. Đến 2016, ông Nguyễn Văn Trường - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Diễn Kim đã ra huyện Mỹ Đức (Hà Nội) để tìm hiểu, học hỏi mô hình tằm tự đan của nghệ nhân Phan Thị Thuận.
Thấy mô hình hiệu quả, không vất vả như kiểu truyền thống, ông Trường đã về quê phổ biến cho người dân.
Theo ông Trường, sau khi con tằm chín, tằm được rải đều trên sàn khuôn, trên khuôn được trải một tấm vải mỏng và nhả tơ đan thảm trong 3 ngày đêm. Giai đoạn này cần loại bỏ tằm xấu, thu nhặt tằm đã nhả hết tơ để cho hóa nhộng. Đồng thời, điều chỉnh tằm trên sàn cho sợi tơ của thảm đan có độ dày đều nhau. Mô hình tằm tự đan không những tiết kiệm được công lao động, mà còn giải quyết vấn đề môi trường, nhất là hạn chế được không khí ô nhiễm từ các lò than ươm tơ truyền thống.
Mô hình này đòi hỏi nhà xưởng phải rộng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
Được biết, sau 19 ngày nuôi thì tằm cho thành quả. Nhờ tằm tự đan, chất lượng tơ cao nên giá tơ thành phẩm tăng trên 200 nghìn đồng/kg, giá nhộng đạt hơn 20 nghìn đồng/kg so với phương pháp truyền thống. Tính kỹ thì phương pháp nuôi mới này, sẽ giúp nông dân tăng nguồn thu trên 700 nghìn đồng/vòng trứng tằm/lứa (lãi ròng tăng khoảng 15 - 20%). Từ tháng 3.2016 đến thời điểm này, ông Trường đã sản xuất được trên 100kg thảm tằm tựđan với doanh thu trên 100 triệu đồng.
Ông Phạm Xuân Bang, Chủ tịch UBND xã Diễn Kim phấn khởi: “Mô hình này rất hợp với người dân Diễn Kim, vừa dễ nuôi, hiệu quả cao, đầu ra tốt vì vậy thời gian sắp tới sẽ tuyên truyền rộng rãi để áp dụng cho toàn địa phương”.
Được biết, tằm tự đan là mô hình độc nhất vô nhị trên thế giới, do nghệ nhân Phan Thị Thuận xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, (Hà Nội) trình làng vào năm 2010.
Video: Tằm tự đan ở xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An
Mô hình tằm tự đan độc nhất vô nhị trên thế giới đã có mặt tại Nghệ An
Vừa đơn giản, hiệu quả cao và đầu ra tốt