(Baonghean.vn) - Với 5 dân tộc thiểu số: Thổ, Thái, Khơ Mú, Ơ đu, Mông cùng chung sống, Nghệ An là một tỉnh có nền văn hóa các dân tộc khá phong phú và đa dạng. Trong đó, kho tàng truyện dân gian thực sự là những viên ngọc quý…
Trong số truyện cổ dân gian còn lưu lại hiện nay của đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An, chiếm đại đa số là của đồng bào Thái. Điều này dễ hiểu bởi dân tộc Thái là dân tộc thiểu số đông nhất, có nền văn hóa dân gian phong phú và sống lâu đời nhất ở Nghệ An. Cũng bởi có lượng dân cư đông đúc nên trong quá trình chung sống, giao lưu văn hóa, dân tộc Thái không bị đồng hóa và bị ảnh hưởng bởi các dân tộc khác.
Giáo sư Ninh Viết Giao bên những tác phẩm đã được sưu tầm trong thời gian qua
Với khoảng 500 truyện mà chúng ta sưu tầm và lưu giữ được hiện nay, có khoảng 85% là truyện của đồng bào Thái, số còn lại là của các dân tộc Khơ Mú, Mông, Thổ… truyện của đồng bào Ơ Đu hầu như không còn tìm thấy. Trong số này có nhiều câu chuyện nổi tiếng và có giá trị văn học cao. Đó là những bản trường ca mang tính sử thi như “Lái Khủn chưởng”, “Lái Nàng Han”, hay là những câu chuyện cổ tích về “Cái lốt khái”, truyện về “Chim tăng lo” về “Hòn đá củ xôi”. Nhiều nhà phê bình đã đánh giá, truyện cổ dân gian của đồng bào các dân tộc Nghệ An “là gia tài vô giá, trong như suối đầu nguồn, vừa là truyện kể, đồng thời cũng thể hiện thế giới quan về triết học, sử học, dân tộc học, xã hội học”.
Tuy có số lượng truyện dân gian phong phú và đa dạng nhưng trước đây việc lưu giữ các câu truyện chỉ dưới hình thức truyền miệng. Từ sau năm 1991, kể từ khi Hội Văn nghệ Dân gian ra đời, công tác sưu tầm, bảo tồn mới chính thức được xem trọng và tổ chức có hệ thống, trong đó người xâu nối chính là giáo sư Ninh Viết Giao – Chủ tịch Hội và cũng là người có nhiều năm say mê với kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc. Bằng các hình thức như trực tiếp đi điền giã, trực tiếp ghi lại từ đồng bào dân tộc, qua các thầy cô giáo đang giảng dạy tại vùng cao, qua lời kể của phụ huynh, học sinh hoặc qua từ những câu chuyện kể mà đồng bào dân tộc ghi lại và gửi về cho Hội hàng trăm câu chuyện dân gian một thời lưu lạc, đã được gìn giữ và ghi chép lại.
Cũng nhờ đó, sau một thời gian sưu tầm, tìm kiếm, năm 1996 lần đầu tiên Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An đã cho xuất bản tập sách “Truyện kể của các dân tộc miền núi Nghệ An”. Cuốn sách ra đời đã tạo được dấu ấn trên văn đàn, qua đó những người yêu văn học trong tỉnh và cả nước có thêm một cái nhìn, một kho tư liệu quý giá về truyện dân gian Xứ Nghệ. Ngoài ra một số tác phẩm quý giá khác đã được in cùng với một số tập sách của các tác giả Ninh Viết Giao, Quán Vi Miên…
Mặc dù đã có được những kết quả nhất định, nhưng theo giáo sư Ninh Viết Giao việc sưu tầm, bảo tồn truyện dân gian của các dân tộc thiểu số Nghệ An hiện nay đang gặp một số khó khăn do người thực sự có tâm huyết, có đam mê với truyện cổ đang ngày một lớn tuổi và không có nhiều thời gian để đi sưu tầm tại cơ sở. Bên cạnh đó, những người biết tiếng dân tộc, đặc biệt làtiếng Khơ Mú, Mông, Ơ Đu… không có nhiều nên lâu nay mảng truyện dân gian của các dân tộc này chưa tập hợp được nhiều như mong muốn. Ngoài ra, do kinh phí của tỉnh, của Hội còn hạn hẹp nên thời gian qua số lượng truyện sưu tầm được giới thiệu đến với bạn đọc chưa nhiều. Mới đây nhất, thông qua dự án xuất bản toàn tập cuốn “Nghệ An toàn chí”, Hội đang có kế hoạch đưa tập sách đã xuất bản năm 1996 vào bộ sách này, tuy nhiên những truyện được giới thiệu “chỉ là số nhỏ so với kho tàng đồ sộ hiện nay mà chúng ta đang có” – Giáo sư Giao cho biết thêm.
Trước thực trạng trên, trong năm 2012 thực hiện Quyết định 84 của UBND tỉnh, Ủy ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã quyết định trích một phần kinh phí từ tiền hỗ trợ bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số để hỗ trợ cho Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An trong việc sưu tầm, biên tập, giới thiệu một số truyện dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây thực sự là một tín hiệu mừng, qua đó những tác phẩm văn học có giá trị có cơ hội đến với bạn đọc, để chúng ta thêm một dịp để hiểu hơn bản sắc, văn hóa, con người miền núi Nghệ An.
Mỹ Hà
|