(Baonghean.vn)- Nép mình bên dòng sông Cửa Tiền, phía sau khu chợ Vinh ồn ào có một ngôi làng có tên khá lạ: làng Tân Kiều. Nơi đây được biết đến là “xứ sở” của tre, nứa, mét; là điểm dừng chân cho những ai muốn kiếm tìm những vật liệu dung dị nhưng hữu ích trong cuộc sống đời thường.
Phía sau khu chợ ồn ào lại là một khoảng không gian đẹp đẽ, yên bình. Mọi người vẫn thường gọi tên ngôi làng ấy là làng tre, nứa bởi đơn giản đây quả thật là một xứ sở của những loài cây ấy.
Chúng được người dân trải dài hút mắt hai bên đường, để người mua tha hồ chọn lựa. Trên thực tế, ngôi làng ấy có tên là làng Tân Kiều, hoặc cũng có người gọi nó là làng Kiều Thái. Thực chất cụm dân cư này thuộc tổ 5 - khối 1 - phường Hồng Sơn (TP. Vinh).
Tre, nứa, mét trải dài hút mắt trên đường vào làng Tân Kiều |
Tìm hiểu về lịch sử hình thành của ngôi làng, được biết từ năm 1945, để tránh nạn đói khủng khiếp người dân phải di tản qua biên giới Thái Lan. Tuy nhiên, khoảng thời gian sau nhà cầm quyền Thái Lan siết chặt việc người Việt nhập cư. Trước tình hình đó, bà con Việt kiều Thái Lan lần lượt hồi hương. Trong năm 1964, gần 70 hộ Việt kiều được trở về và tạm cư bên bờ sông Cửa Tiền, bởi đa phần đều xuất thân từ nghề chài lưới, họ chọn mảnh đất ven cầu Cửa Tiền để sinh cơ.
Những người dân ở đây đều xuất thân tứ xứ, từ các huyện trong tỉnh hoặc từ các tỉnh khác như Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Lúc bấy giờ, người dân của làng kiếm sống bằng nghề chài lưới. Tại đây họ dắt díu nhau sống qua ngày trên những chiếc thuyền hay những căn chòi dựng tạm xiêu vẹo bên sông.
Trong 70 hộ dân của làng có tới trên một nửa lao động gắn liền với nghề buôn bán và sản xuất sản phẩm từ tre, nứa, mét |
Làm thang không khó nhưng đòi hỏi người làm phải cẩn thận, bởi chỉ cần một sơ sểnh nhỏ cũng ảnh hưởng đến tính mạng của người dùng. Nghề làm thang có ở nhiều nơi và người thợ ở mỗi nơi có những cách làm riêng. Ở xóm nhỏ này người ta thường dùng cây mét để dựng thang, bởi đây là loài cây thân thẳng và thường là những cây già, nhỏ được lựa chọn.
Với cách làm truyền thống, sau khi lựa chọn kỹ càng, cân đối nhau, cây sẽ được ngâm nước rồi phơi nắng sau mới đục, khoan để dựng thành thang. Thang có nhiều kích thước dài ngắn khác nhau, có loại chỉ 2 - 3m dùng trong nhà, nhưng phổ biến nhất là 4 - 6m dùng trong ngành xây dựng. Giá bán cũng cũng bình dân, với thang cỡ trung có mức giá từ 30.000 đến 40.000 đồng, thang dài thì trên dưới 60.000 đồng. Nói chung người ta lấy công làm lãi là chủ yếu, tuy vậy công việc này cũng giúp làng Tân Kiều.
Những cây tre, cây mét thẳng nhất được chọn lựa riêng để làm thang |
Không chỉ làm thang, giờ đây bà con trong xóm cũng bắt đầu đổi mới khi bắt tay vào làm những vật dụng trang trí hoặc đan phên tre cho các quán cà phê hay khu vui chơi giải trí trên địa bàn. Thu nhập từ nghề mang lại bình quân từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Hiện tại, làng Tân Kiều có xấp xỉ 70 hộ thì có khoảng 35 hộ làm công việc này.
Một sản phẩm được bà con làm từ tre nứa để trang trí tại các quán cà phê |
Từ tháng 3 đến tháng 8, khoảng thời gian người ta vẫn gọi là “mùa xây dựng” hoặc những ngày cuối năm, “phố” thang tre lại tấp nập khách ra vào. Người ta đến đây mua thang, sào về chuẩn bị vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa đón năm mới.
Cả năm chỉ có dịp này là đông khách nhất, ngôi làng trở thành nơi bán buôn bình dân nằm lặng lẽ tạo thành một vẻ đẹp rất riêng. Bởi người bán cũng như người mua đều chọn những vật dụng ít tiền, quen thuộc với cuộc sống của mỗi gia đình Việt. Buôn bán không lời nhiều, nhưng vẫn giữ nghề với mặt hàng dung dị khiến những ai nhìn vào đều thấy mát mẻ, trầm lặng giữa cuộc sống hối hả của phố phường.
Thanh Quỳnh
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201603/xu-so-tre-nua-o-thanh-pho-vinh-2677737/