Thái Sơn Bắc Đẩu là bức đại tự treo chính giữa điện thờ Quận công Hồ Sĩ Dương tại làng Quỳnh Đôi. Tương truyền, bức đại tự đó do vua Lê ban tặng vị quan đức cao vọng trọng, văn võ song toàn, được nhân dân ngưỡng mộ, tôn thờ. Người làng Quỳnh luôn tự hào có ông Hồ Sĩ Dương là người giữ chức vụ Tham tụng, tương đương Tể tướng trong triều đình Nhà Lê. Ngoài chức Tham tụng, ông còn đảm nhiệm các chức vụ và tước phong khác như Công bộc thượng thư, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Đông các đại học sĩ, Quốc sử quan, Tổng tài, Thượng trụ quốc, Duệ quận công…Những chức, tước trên ngay cả Wikipedia cũng không định nghĩa hết được, nhưng đọc qua có thể hình dung ra ông là người làm quan rất lớn trong triều đình và được tấn phong nhiều danh tước công hầu vì có công trạng lớn cho đất nước.
*TUỔI TRẺ NGHÈO KHÓ NUÔI CHÍ LỚN
Hồ Sĩ Dương (1622-1681) xuất thân trong một gia đình nghèo, thời bé có tên là Á Ngọc, là con trai thứ hai của ông Hồ Hoàng và bà Hoàng Thị Tâm, đều là người làng Nồi (Quỳnh Đôi). Ông là người thông minh, chăm chỉ, ham học. Lúc 7 tuổi ông biết làm thơ, đối đáp thông minh. Đến năm 15 tuổi, ông đã “học hết chữ” của các thầy đồ trong vùng, sau đó ông phải vào Yên Thành tìm thầy từ Miền Bắc vào để tiếp tục học. Cha của ông mất sớm, mẹ tần tảo nuôi con, sớm hôm đồng áng, bán nước chợ Nồi. Từ bé ông đã đỡ đần công việc cho mẹ, ông thường đi gánh nước phụ giúp mẹ. Có kẻ thấy vậy trêu chọc ông, ông bình thản ngân nga câu thơ: “Ngày nay gánh nước đảm đang/ Mai sau võng giá nghênh ngang làng Nồi”… Ông cũng nổi tiếng với câu chuyện phu thê với bà Trương Thị Thành ở làng Phú Nghĩa (làng Hàu/ Quỳnh Nghĩa). Sau khi ông và tiểu thư con gái quan Quận công Trương Đắc Phủ phải lòng nhau, ông đã không sợ “đũa mốc mà chòi mâm son”, nằng nặc đòi mẹ xin cưới hỏi. Quan Trương Đắc Phủ thấy Hồ Sĩ Dương mặt mũi khôi ngô tuấn tú, bèn thử tài văn chương, ra về đối: “Lòng còng qua bãy cáy”/ ông đối: “Rắn rỏi trước sân rồng”. Quan lại ra vế khác: “Đá xanh xây cống, hòn dưới chống hòn trên”/ ông đáp: “Ngói đỏ lợp nghè, lớp sau đè lớp trước”. Biết không phải dạng vừa, quan ưng, nhưng không muốn chàng rể tương lai ỷ lại cơ nghiệp nhà vợ. Quan vờ nổi giận đuổi con gái về làng Nồi và giao ước khi nào chồng đỗ đạt, làm quan thì trải chiếu hoa từ làng Nồi sang làng Phú Nghĩa, ông mới nhận làm con rể. Đằng sau sự nghiệp công danh của ông có sự hy sinh rất lớn từ người vợ TrươngThị Thành…
*KHOA DANH HIẾM THẤY
Năm 18 tuổi, ông đổi tên thành Hồ Khả Trí, dự khảo hạch ở huyện đỗ đầu, thi Hương đỗ Sinh đồ. Năm 24 tuổi, ông đỗ Giải nguyên trường Nghệ Tĩnh. Do có tang cha mất, ông không thể dự thi Hội khóa tiếp. Vì kế sinh nhai, ông ra dạy học ở Thanh Hóa. Năm 1648, một số nho sĩ thách “Giải nguyên xứ Nghệ có dám đọ tài với sĩ tử xứ Thanh không?”. Ông thật thà ra nông nổi, đổi họ tên là Trần Độ rồi thi Hương và lại đỗ Giải nguyên. Sự việc bị lộ, ông bị tước giải của cả hai tỉnh và bị sung lính 3 năm. Mãn hạn lính, năm 1651, ông mới lấy tên là Hồ Sĩ Dương và tiếp tục thi đỗ Giải nguyên Nghệ Tĩnh. Như vậy, trong 7 năm, ông đã thi đỗ 3 Giải nguyên. Năm sau thi Hội, thi Đình, ông lại đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân (đỗ Tiến sĩ 1652). Năm 1659, ông lại đỗ thứ 2 Đông các (được coi là đỗ Bảng nhãn)…Ông là hiện tượng khoa bảng hiếm thấy trong xã hội thời bấy giờ.
*QUAN TRƯỜNG HIẾM CÓ
Sử sách ghi lại: Năm 1652, ông được bổ làm Lại khoa cấp sự trung. Năm 1659, được bổ làm Đô cấp sự trung nhập Đông các học sĩ. Năm 1662, được thăng Bồi tụng (như Phó Tể tướng). Năm 1663, được bổ làm Đông các đại học sĩ, tước Nhuận Duệ tử. Năm 1665, được thăng Hữu thị lang bộ Binh, tước Nhuận Duệ bá. Năm 1669, chuyển sang làm Hữu thị bộ Lại. Năm 1670, được thăng tước Nhuận Duệ hầu. Năm 1673-1675, làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Tháng 3 năm 1675 về nước, được thăng Thượng thư bộ Công, tước Duệ Quận công. Năm 1676, trông coi việc quốc sử. Và đến tháng 9-1676, ông được thăng chức Tham tụng (như Tể tướng). Trải qua 4 triều vua Lê, Hồ Sĩ Dương từng giữ trọng trách ở 5 bộ, hai lần giữ chức Thượng tướng quân Nam chinh, Bắc chiến, sáu năm làm quan Tham tụng (Tể tướng)…. Sử sách nói ông là người có thực tài, thăng tiến rất nhanh, đó là điều hiếm có trong xã hội phòng kiến.
---
Hồ Sĩ Dương còn là một học giả, sử gia nổi tiếng với nhiều tác phẩm có giá trị. Trong đó có hai bộ sách rất nổi tiếng là “Lê triều đế vương Trung hưng công nghiệp thực lục” (hiện lưu giữ bản viết tay tại Thư viện Quốc hội Nhật Bản) và cuốn “Thọ Mai gia lễ” (hay còn gọi là “Hồ Thượng thư gia lễ”)… Tiếc rằng nhiều tác phẩm của ông đã thất truyền.
Với người làng Quỳnh, ông không chỉ được nhớ đến vì khoa bảng, chức tước. Người Quỳnh Đôi còn nhớ đến ông vì sự đóng góp to lớn của ông cho quê hương. Ông được nhân dân gọi là quan Hầu Thượng Bụt (hay Hồ Thượng Bụt), một vị quan nhân hậu, luôn giúp đỡ người nghèo hèn, yếu thế. Gia phả họ tộc trong làng ghi lại rằng, ông đã cúng làng ruộng binh điền 24 mẫu ở Đập Gẫy, Đập Giữa, Phần Xôi; cúng học ruộng học điền 40 mẫu ở xứ Bờ Re, Đập Bút. Có thể nói, ông là một trong những người đi đầu trong phong trào khuyến học, khuyến tài nước nhà nói chung và Quỳnh Đôi nói riêng (hội Khuyến học Quỳnh Đôi có trước Trung ương hội KH Việt Nam 3 năm). Ông đem của cải, ruộng đất triều đình ban tặng để tạo lập nên các thôn mới trong huyện. Vào ngày lễ tết, các cụ lên lão, con cháu thành hôn… đều được ông cấp thóc, tiền. Ông lo việc đắp đập, xây cống, cải tạo đồng ruộng, tu sửa công trình …
Tên tuổi của Hồ Sĩ Dương “vượt ra ngoài biên giới”, có người tôn ông sánh ngang với Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh… Ông mất được triều đình truy tặng chức Thiếu Bảo, được nhân dân nhiều làng trong huyện tôn thờ Thành hoàng. Mộ và đền thờ của ông tại Quỳnh Đôi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2007.
Ngày nay, làng Quỳnh ta có nhiều phong trào xã hội từ thiện, nghiều nghĩa cử nhân văn, như Đền ơn đáp nghĩa, Khuyến học khuyến tài, Tết vì người nghèo… Đón xuân này lại nhớ xuân xưa, nhớ tới sự đóng góp của Hồ Sĩ Dương cho truyền thống hào hùng của quê hương, nhớ đến Hồ Thượng Bụt với tấm lòng bác ái. Mong rằng, các thế hệ người Quỳnh Đôi luôn lấy niềm tự hào về vị “Tể tướng” làm động lực mà phấn đấu học tập, xây dựng sự nghiệp, kế tục thành công các vị tiền bối, làm rạng danh quê hương đất nước.
-----
Chú thích:
*Tham Tụng(như Tể tướng):Chức quan to nhất trong Triều đình phong kiến thời Lê-Trịnh (theo Wikipedia).
*Tể tướng là một chức quan cao nhất trong hệ thống quan chế của phong kiến Á Đông, sau vua hay hoàng đế. Tùy theo từng thời kì, có thay đổi ít nhiều về tên gọi: thừa tướng, tướng quốc, tham tụng v.v. Chức nhiệm chính của tể tướng là thay mặt vua hay hoàng đế giải quyết mọi việc về chính sự của quốc gia (theo Wikipedia).
* Một số mốc thời gian, tên gọi các tài liệu viết chưa khớp nên cần nghiên cứu thêm.
* Tài liệu tham khảo: Sách Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên; Quỳnh Đôi- Làng văn hóa, xã anh hùng; Rạng danh người Quỳnh Đôi; Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam; Lịch sử Đảng bộ xã Quỳnh Đôi; Từ thổ Đôi Trang đến xã Quỳnh Đôi; Wikipedia; các trang mạng khác…
01-2016. QĐ