Nằm bên núi Hùng Sơn, làng Yên Thịnh xã Nam Thái (Nam Đàn), là một trong những vùng quê gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của người anh hùng giải phóng dân tộc Mai Thúc Loan.
Khu di tích núi Dẻ, xã Nam Thái (Nam Đàn)
Cái tên Yên Thịnh như đã gửi gắm vào đó niềm mong ước của người xưa, về một miền quê yên bình, no ấm. Làng kéo dài từ chân núi Hùng Sơn (rú Đụn) tới làng Ngọc Trừng, là một vùng đồi núi, ruộng, bàu, xen kẽ, nhấp nhô. Từ đây nhìn về làng bên, có thể thấy rõ đỉnh Cồn Chèn – nơi xưa kia là nhà của mẹ con vua Mai ở. Trước mặt làng là núi Đụn hùng vĩ – nơi Mai Thúc Loan đã từng dấy binh chiến đấu chống quân Đường. Cách đó không xa, xuôi theo dòng sông Lam là đất Vệ Sơn – Sa Nam - nơi nghĩa quân của Mai Hắc Đế từng đặt đại bản doanh…
Làng xưa có 8 xóm: Hương, Ngoài, Cầu, Cộ… ở xóm Đông có chùa Yên Thịnh toạ lạc dưới chân Đụn, nhìn ra cánh đồng làng. Trước chùa có 3 cây đa cổ thụ toả bóng sum sum suê, thân to bằng mấy người ôm. Những năm 1930 -1931, lính Pháp ở đồn Cầu Gang cho rằng chùa Yên Thịnh là cơ sở cách mạng, là nơi ẩn nấp, hội họp của những người cộng sản, vì vậy sau khi đốt cháy nhà dân, chúng đã bắt dân làng dời chùa từ chân núi Đụn về dựng ở Cồn Đình. 3 cây đa ven đường cái quan, bao đời gắn liền với hình ảnh chùa làng đã phải chịu cảnh: “đa một nơi, chùa một nẻo”. Những cây đa này là nơi vui chơi, hóng mát của làng và đi vào ký ức của bao thế hệ, kể cả những người phương xa đã từng ngược xuôi trên quốc lộ 46 cho đến thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Ngày nay, cây đa làng tuy không còn, nhưng mái chùa Yên Thịnh cổ kính thì vẫn còn đó như là chứng tích cho bao sự đổi thay. Từ một ngôi chùa 2 gian khiêm tốn, năm 2013, người dân địa phương đã dựng thêm 3 gian nhà hạ, mua sắm thêm đồ tế khí, nâng cấp, tôn tạo khuôn viên…từng bước khôi phục lại vị thế chùa xưa trong đời sống tâm linh của người làng. Nằm trên vùng đất trung tâm, bên trái là UBND xã, bên phải là trường học, chùa Yên Thịnh vừa là điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh của vùng, vừa là điểm dừng chân cho du khách muôn phương khi về thăm Nam Thái.
Theo cụ Nguyễn Viết Truật (95 tuổi), ngày ấy trên Cồn Đình còn có đình Yên Thịnh 3 toà với 2 trụ biểu uy nghi. Trong đình, có đầy đủ gươm đao, giáo mác, sắc phong, tượng tướng canh, ngựa chầu; thờ Thành hoàng làng là ông đình Cả - vua Mai Hắc Đế. Hàng năm, làng thường tổ chức cúng tế tại đình. Mỗi lần tế lễ đều có lễ rước từ đình đến mộ vua Mai với đủ quan viên, chức sắc, kiệu rồng, long đao, mã đao, phường bát âm, phường tế lễ quần áo, mũ mão chỉnh tề. Sau cách mạng, đình trở thành trường học của làng trong phong trào bình dân học vụ; những năm kháng chiến, đình bị dỡ làm công trình tập thể. Ngày nay, ngôi đình làng to đẹp gần chùa Yên Thịnh, chỉ còn trong hoài niệm của những lớp người cao niên như cụ Truật.
Ở xóm Cộ, cách núi Đụn chưa đầy cây số, có một hòn núi thấp, tương đối tròn trĩnh, đó là núi Dẻ, mà người địa phương thường gọi bằng cái tên dân dã là cồn Dẻ. Gọi là núi Dẻ vì trên núi có nhiều cây Dẻ. Những ngày nắng nóng, dân làng đi bắt cá đồng, thường ghé vào núi này tránh nắng. Hàng năm, đến mùa Dẻ chín, trẻ em trong làng lại náo nức lên núi nhặt quả về ăn. Bao bọc xung quanh núi Dẻ là cánh đồng Bàu, quanh năm thâm thùng, nhiều tôm lắm cá. Các cụ cao niên truyền lại: đồng Bàu và những cánh đồng dưới chân núi Đụn, xưa kia đều là nơi mẹ con bà Vương Thị (thân mẫu vua Mai) sớm hôm mò cua bắt ốc nuôi nhau.
Trên đỉnh núi Dẻ là nơi đặt phần mộ thân mẫu vua Mai, tương truyền hơn 1300 năm trước, sau khi bị nạn (hổ vồ) bà Vương Thị đã được con trai và dân làng đưa về đây an táng. Với tấm lòng biết ơn người mẹ đã sinh thành dưỡng dục vua Mai, người dân xung quanh núi Dẻ từ bao đời vẫn luôn ghi nhớ, chăm nom, hương khói phần mộ của bà. Hàng năm đến ngày 4 tháng 7 âm lịch, người dân Nam Đàn lại tề tựu về đây dâng hương, lễ giổ. Ngày nay, mộ của bà Vương Thị đã được chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng, tôn tạo khang trang, là một trong những di tích quan trọng trong hệ thống di tích về vua Mai Hắc Đế trên đất Nam Đàn, như đền thờ Mai Thánh Mẫu ở Cồn Chèn (Nam Thái), đền thờ vua ở khối Mai Hắc Đế (thị trấn Sa Nam), lăng mộ vua, miếu thờ Mai Thiếu Đế, đền Nậm Sơn ở núi Đụn (Vân Diên), đình Khả Lãm (Nam Thượng)…
Về Nam Thái, lên núi Dẻ thăm mộ thân mẫu vua Mai, ghé đỉnh Cồn Chèn thăm đền Mai Thánh Mẫu, bâng khuâng cảnh cũ người xưa của cả nghìn năm. Mỗi di tích, mỗi làng quê, như thắp lên trong lòng ta, tình yêu và niềm tự hào về truyền thống của quê hương xứ Nghệ.
Huy Thư
Nguồn: Báo Nghệ An
|